Bảo vệ nhà thờ cổ: Cứu từng cây hay cứu cả cánh rừng?
Vài ngày trước, những người quan tâm đến di sản Việt Nam thở phào nhẹ nhõm trước thông tin tạm hoãn kế hoạch phá hủy ngôi thánh đường tráng lệ Bùi Chu. Việc thay đổi kế hoạch có được chính là nhờ những lời kêu gọi khẩn thiết của nhiều người, thuộc nhiều tôn giáo. Và điều này cũng nhờ thiện chí của Đức Giám mục Vũ Đình Hiệu. Nhưng thực tế, đây có thể chỉ là tạm thời hoãn kế hoạch, trong khi đó thì rất nhiều di sản của Việt Nam vẫn đang đứng trước nguy cơ bị phá hủy.
Có thể đưa ra một thí dụ: ngôi thánh đường Đức Bà ở Nam Định rất đẹp, từng được cho là đã có kế hoạch phá hủy vào ngày 1/6 tới. Trần gỗ của nhà thờ, có tuổi đời từ cuối thế kỷ XIX, thực sự là một viên ngọc quý. Như chiếc vương miện trên đỉnh các cột trụ cao vút, trần gỗ này trông giống như một con tàu úp ngược nhẹ lướt về phía thiên đàng. Có lẽ, vì thiếu tài chính, vật liệu để xây dựng một nhà thờ mới thay thế, đã vô tình khiến kế hoạch kéo sập ngôi thánh đường này bị hoãn lại. Nhưng bất kể đó là ngày nào, nhà thờ Đức Bà Nam Định có thể sớm phải chịu chung số phận với nhà thờ Trà Cổ (Quảng Ninh) và Trung Lao (Nam Định).
Cần đánh giá tổng thể
Một chiến dịch mới cứu nhà thờ Đức Bà Nam Định, tương tự như đã làm với nhà thờ Bùi Chu, cũng có thể sẽ xảy ra. Tuy nhiên, cố gắng bảo vệ một di sản riêng lẻ tại một thời điểm cấp bách, có thể không đủ để tạo ra sự khác biệt về chất. Chạy theo hết chiến dịch này sang chiến dịch tiếp theo sẽ giống như việc cố gắng cứu từng cây một, trong khi đám cháy đã bốc lên dữ dội thì toàn bộ khu rừng có thể bị thiêu rụi.
Hơn nữa, các chiến dịch này sẽ thiếu công bằng khi chỉ nhắm tới một người hoặc một cơ quan, tổ chức, trong khi thực tế đây là vấn đề mang tính hệ thống. Đức cha Vũ Đình Hiệu đã rất kiên nhẫn với tất cả những ồn ào liên quan đến nhà thờ chính tòa Bùi Chu. Nhưng cá nhân tôi cảm thấy có lỗi vì những căng thẳng và áp lực mà Đức cha có thể đã phải chịu đựng. Cần có một cách khác, một cách có phương pháp tiếp cận tốt hơn, được sự đồng ý của mọi người.
Một “cánh rừng” di sản độc đáo của Việt Nam là chuỗi nhà thờ, nhà nguyện, thánh đường lớn làm nên nét duyên dáng và an lành cho vùng đông bắc của đất nước. Khu vực này là cái nôi của Công giáo Việt Nam.
Đây cũng là một khu vực tương đối nghèo, nơi giáo dân thường đi bộ hoặc đi xe đạp đến nhà thờ, và nguồn tài chính duy nhất có sẵn dùng bảo tồn, tôn tạo ngôi thánh đường chính là khoản tiết kiệm của người dân. Các nhà thờ vùng đông bắc của Việt Nam cũng giống như giáo dân tại đó, đơn giản và khiêm nhường, nhưng cũng ấm áp và mạnh mẽ.
Dưới góc nhìn kiến trúc, những nhà thờ này có phong cách rất độc đáo. Nhìn bề ngoài, các công trình này giống với nhiều nhà thờ từ thế kỷ XIX nằm ở các thị trấn nhỏ và khu vực nông thôn của Pháp. Do các kiến trúc sư từng tham gia khóa đào tạo nghệ thuật Beaux Arts thiết kế, các nhà thờ này kết hợp các yếu tố từ phong cách La Mã, Gothic, Byzantine và Baroque.
Tuy nhiên, ở Việt Nam, những nhà thờ này thường mềm mại, tươi vui hơn so với những “người anh em” bên Pháp. Chúng “nhà quê” hơn, đó là một lời khen. Những công trình này thường được kết hợp với các kỹ thuật và trang trí truyền thống Việt Nam, gợi những hình ảnh gần gũi với kiến trúc đền, chùa. Ví dụ đáng chú ý nhất về sự kết hợp Đông-Tây này tất nhiên chính là nhà thờ chính tòa Phát Diệm. Nhưng ở nhiều mức độ khác nhau, phần lớn nhà thờ vùng đông bắc của Việt Nam phản ánh sự kết hợp độc đáo của nhiều nền văn hóa.
Không may, dường như không ai biết rõ có bao nhiêu nhà thờ, nhà nguyện và các thánh đường lớn này vẫn đang tồn tại. Một ước tính không chính thức cho rằng, có thể có tới 400 công trình công giáo còn tồn tại chỉ ở riêng hai tỉnh Nam Định và Ninh Bình.
Có rất ít hiểu biết về tình trạng của các công trình này. Một số gần như còn nguyên vẹn trong khi một số đã xuống cấp nghiêm trọng. Một số đã bị phá hủy để xây công trình mới, còn một số khác đã được “trùng tu, cải tạo” nhưng làm mất hầu hết đặc điểm và phong cách độc đáo nguyên gốc.
Bước đầu tiên để bảo vệ cánh rừng là có ý thức rõ ràng về mức độ và tình trạng của nó. Thông qua bài viết này, tôi muốn mời tất cả những người quan tâm đến các nhà thờ phía đông bắc của Việt Nam hiệp lực cho một sáng kiến tìm kiếm sự đóng góp tài nguyên tri thức lớn từ cộng đồng.
Trang Facebook Nhà thờ đông bắc (Churches of northeast Vietnam), nơi tôi quản lý, được mọi người gửi hình ảnh, câu chuyện và bài viết về các nhà thờ, nhà nguyện và thánh đường lớn của khu vực này. Ban đầu, trọng tâm chỉ tập trung vào các tỉnh Nam Định và Ninh Bình, nhưng phạm vi sẽ được mở rộng ở giai đoạn sau. Song song đó, một bản đồ chi tiết về vị trí địa lý của các công trình tôn giáo tại hai tỉnh này cũng đang được chuẩn bị.
Với sự góp sức của mọi người, trong vòng dưới một năm, giá trị di sản của từng nhà thờ, nhà nguyện và thánh đường lớn, có thể được nhìn nhận đúng. Cũng sẽ có rất nhiều thông tin có sẵn về lịch sử của các nhà thờ và cộng đồng giáo dân nơi nhà thờ ấy. Những hình ảnh, những câu chuyện, những bức vẽ và các bài thơ sẽ làm nổi bật sự đặc biệt của mỗi công trình.
Một tài nguyên như thế, dành cho tất cả mọi người, sẽ phục vụ cho nhiều mục đích.
Đối với những người đeo đuổi việc ngăn chặn sự phá hủy di sản, nguồn tài nguyên này sẽ báo hiệu cho họ về những cây quan trọng nhất trong rừng và cây nào đang gặp nguy cơ cao nhất. Thông tin này cũng giúp tập trung nỗ lực bảo tồn vào những nơi có khả năng tạo ra sự khác biệt lớn nhất. Nó cũng sẽ cho phép hành động sớm, thay vì chờ đến khi thảm họa gần kề, như những trường hợp ta đang thấy hiện nay.
Khai thác giá trị di sản
Đối với ngành du lịch, thông tin trên trang này có thể giúp thiết kế các gói du lịch hấp dẫn, nhắm đến những du khách có sở thích và điều kiện khác nhau. Thông tin tích lũy sẽ giúp việc chuẩn bị tài liệu quảng bá và đào tạo hướng dẫn viên du lịch với chi phí thấp. Lượng khách du lịch lớn hơn sẽ tạo ra việc làm, mang lại thu nhập cho cộng đồng địa phương. Du lịch cũng sẽ giúp nâng cao nhận thức của mọi người về giá trị di sản của nhiều nhà thờ.
Tham vọng hơn, nền tảng này có thể là bước đầu tiên hướng tới việc bảo vệ những cây tráng lệ nhất trong khu rừng di sản đặc biệt này. Việc yêu cầu người dân nghèo đóng tiền cho việc trùng tu hay sửa sang nhà thờ, đáp ứng nhu cầu bảo vệ di sản, thường do người giàu ở thành thị cũng như khách nước ngoài đặt ra, là điều thiếu công bằng. Việc tìm quỹ cho công việc bảo tồn, trùng tu cần được huy động từ nhiều nguồn khác nhau.
Ở Việt Nam, chính quyền địa phương phân bổ nguồn lực cho việc trùng tu các đình và đền (những công trình thờ cúng và sinh hoạt cộng đồng ở địa phương), với tổng nguồn lực chuyển đổi khác nhau tùy thuộc ý nghĩa văn hóa và giá trị di sản của di tích. Tuy nhiên, cơ chế này không áp dụng cho các di tích là công trình công giáo.
Nền tảng được đề xuất có thể giúp Chính phủ và Giáo hội Công giáo suy nghĩ về những thỏa thuận điều chỉnh để bảo vệ di sản hiệu quả mà không đặt gánh nặng lên vai của dân làng. Điều này nghe thật điên rồ nhưng hoàn toàn không phải vậy, vì đã có những tiền lệ tốt được thực hiện.
Trong tổng số gần 70 nhà nguyện bằng gỗ trên đảo Chiloé, phía nam Chile, có 16 công trình đã được đưa vào danh sách Di sản thế giới của UNESCO vào đầu thế kỷ. Khi đứng riêng rẽ, không một công trình nào trong số các nhà nguyện này có kiến trúc nổi bật. Giống các công trình Công giáo vùng đông bắc Việt Nam, các nhà nguyện Chiloé rất đơn giản và không phô trương. Nhưng khi kết hợp cùng nhau, chúng là một đại diện đáng chú ý về sự hòa quyện văn hóa giữa Âu châu và truyền thống bản địa.
Tương tự, Ấn Độ và Nepal đang cùng hợp tác một tour du lịch được thiết kế theo bước chân của Đức Phật, từ nơi sinh của ngài ở Nepal đến các địa điểm ở Ấn Độ, nơi Đức Phật giác ngộ, đưa ra những giáo lý đầu tiên và qua đời. Tour du lịch này là kết quả của sự hợp tác giữa chính phủ Ấn Độ, các thiền viện Phật giáo có liên quan, doanh nghiệp tư nhân và Ngân hàng Thế giới. Mục tiêu của tour là tăng lượng khách hành hương và du lịch ở các nước, đồng thời tăng cường bảo vệ các di tích tôn giáo.
Tôi đã cảm động trước những nỗ lực không mệt mỏi của những người đã tham gia cứu nhà thờ Bùi Chu và cảm thấy biết ơn vì những nỗ lực này đã được đền đáp, khi kế hoạch phá hủy được hoãn lại. Tôi không biết việc đình chỉ phá hủy nhà thờ Bùi Chu là tạm thời hay vĩnh viễn. Nhưng tôi không nghi ngờ rằng chiến dịch bảo vệ nhà thờ Bùi Chu đã tạo ra một động lực mới cho việc bảo tồn di sản ở Việt Nam. Trên đà này, tôi muốn mời gọi mọi người mơ về một bước tiếp theo, lớn hơn: cứu cánh rừng, chứ không chỉ là cứu một cây lộng lẫy nhất của cánh rừng.
Martin Rama (*).
Ảnh: Nguyễn Dương
Theo Ngưởi Đô Thị
______________
(*) Cố vấn cấp cao của Ngân hàng Thế giới, Giám đốc Dự án tại Trung tâm Phát triển Đô thị bền vững thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam. Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả.