Bão giật cấp 10 cách Thái Bình – Nghệ An 450km, biển động rất mạnh
Áp thấp nhiệt đới đã mạnh lên thành bão, cơn bão số 2 có tên quốc tế là Sinlaku. Dự báo bão sẽ đi vào đất liền các tỉnh Bắc Trung Bộ và đồng bằng Bắc Bộ.
Hồi 13h, vị trí tâm bão số 2 ở khoảng 18,5 độ Vĩ Bắc, 109,5 độ Kinh Đông, trên đất liền phía Nam đảo Hải Nam (Trung Quốc), cách bờ biển các tỉnh Thái Bình-Nghệ An khoảng 450km về phía Đông Nam.
Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 trở lên khoảng 130km tính từ tâm bão.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20km.
Tới 13h ngày mai, vị trí tâm bão ở khoảng 19,5 độ Vĩ Bắc; 105,8 độ Kinh Đông, ngay trên vùng bờ biển các tỉnh Bắc Trung Bộ và Nam đồng bằng Bắc Bộ. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10.
Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh từ cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): Phía Bắc vĩ tuyến 16,0 độ Vĩ Bắc; phía Tây kinh tuyến 115,0 độ Kinh Đông.
Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trên khu vực giữa và Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa) có nguy cơ cao chịu tác động của gió giật và lốc xoáy. Trên đất liền các tỉnh Bắc Bộ, Bắc và Trung Trung Bộ có khả năng cao xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.
Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 10-15km, đi vào đất liền các tỉnh Bắc Trung Bộ và đồng bằng Bắc Bộ, suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, sau đó tiếp tục suy yếu thành vùng áp thấp.
Tới trưa ngày 3/8, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở khoảng 20,7 độ Vĩ Bắc; 103,9 độ Kinh Đông, trên khu vực biên giới Việt-Lào.
Do ảnh hưởng của bão nên ở vùng biển phía Tây của khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão cấp 8, giật cấp 10; sóng biển cao 3-4m; biển động rất mạnh.
Ở vịnh Bắc Bộ (bao gồm cả huyện đảo Bạch Long Vĩ, Cát Hải) có gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 8, giật cấp 10, sóng biển cao từ 3-4m; biển động rất mạnh.
Ở khu vực giữa và Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa), vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau (bao gồm huyện đảo Phú Quý) có gió tây nam mạnh cấp 6-7, giật cấp 9, biển động mạnh; sóng biển cao 2-4m.
Từ gần sáng và ngày mai, vùng ven biển các tỉnh từ Thái Bình đến Nghệ An gió mạnh dần lên cấp 6, sau tăng lên cấp 7, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 8, giật cấp 10; vùng ven biển các tỉnh Quảng Ninh-Hải Phòng có gió giật cấp 6-7. Ven biển các tỉnh Thanh Hóa đến Thái Bình đề phòng nước dâng kết hợp với triều cường cao từ 3,5-4,5m.
Do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới kết hợp với hoàn lưu của bão số 2, di chuyển hướng về phía đất liền các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ nên từ nay đến đêm 2/8, các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Trị có mưa rất to và giông với lượng mưa phổ biến 200-400mm/đợt, có nơi trên 500mm/đợt.
Trong chiều và đêm nay, ở các tỉnh/thành Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam có mưa vừa, có nơi mưa to và giông với lượng mưa phổ biến 20-50mm/đợt, có nơi trên 70mm/đợt. Từ nay đến ngày 5/8, Bắc Bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và giông với lượng mưa phổ biến 200-350mm/đợt, có nơi trên 400mm/đợt.
Ngoài ra, do ảnh hưởng của gió mùa tây nam hoạt động mạnh nên từ nay đến đêm 2/8, ở Tây Nguyên và Nam Bộ (bao gồm cả huyện đảo Phú Quốc) có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và giông với lượng mưa phổ biến 100-200mm/đợt, riêng khu vực Bắc Tây Nguyên 200-300mm/đợt, có nơi trên 350mm. Trong mưa giông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.
Khu vực Hà Nội từ nay đến ngày 5/8 có mưa, mưa rào và giông, từ chiều tối nay đến ngày 3/8 có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 150-250mm/đợt.
Quảng Ninh tạm ngừng các phương tiện thuỷ từ 0h ngày 2/8
Giám đốc Cảng vụ đường thuỷ nội địa Quảng Ninh Vũ Mạnh Long cho biết, từ 0h ngày 2/8 sẽ ngừng cấp phép ra khơi cho các phương tiện đường thuỷ như tàu đánh bắt hải sản, tàu du lịch chở khách tham quan.
“Các tàu du lịch chở khách đi các tuyến đảo đã dừng từ trưa nay phần vì thời tiết xấu, phần vì hiện tại không có du khách tham quan”, lời ông Long.
Cường độ và đường đi của bão số 2 rất khó lường Ông Hoàng Phúc Lâm – Phó Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia cho biết, theo số liệu đơn vị thu thập được, hiện nay ngoài cơn bão số 2 đang hướng về nước ta thì ở khu vực phía Đông của Philippines còn tồn tại thêm một áp thấp nhiệt đới nữa. Chính sự tồn tại của áp thấp nhiệt đới này sẽ có tác động đến cường độ và hướng di chuyển của cơn bão số 2 gần Việt Nam. Khi không có yếu tố dẫn đường của áp cao cận nhiệt đới, cơn bão gần Việt Nam sẽ di chuyển chủ yếu theo nội lực, do đó nó sẽ di chuyển lúc nhanh, lúc chậm, và có khả năng thay đổi cường độ do đang tồn tại trên vùng biển nóng, khiến cho diễn biến về cường độ và đường đi của nó sẽ còn rất khó lường. |
Hương Quỳnh
Theo vietnamnet.vn
Link nguồn: https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/bao-so-2-cach-thai-binh-nghe-an-450km-bien-dong-rat-manh-662677.html