fbpx

Bãi rác lớn nhất Hà Nội quá tải

Sau hơn 20 năm hoạt động, bãi Nam Sơn, huyện Sóc Sơn, sắp không còn chỗ để chôn lấp rác của Hà Nội.

bai-rac-lon-nha-ha-noi-qua-tai
Được xây dựng từ năm 1999, Khu liên hiệp xử lý chất thải Nam Sơn, huyện Sóc Sơn rộng hơn 157 ha, chia làm hai giai đoạn. Giai đoạn 1 gồm 10 ô chôn lấp với diện tích trên 83 ha, hiện đã đóng ô. Giai đoạn 2, diện tích hơn 73 ha, gồm 8 ô chôn lấp và công trình hạ tầng kỹ thuật phục vụ. Khu phía Nam bãi rác rộng 36 ha gồm 6 ô, vận hành từ năm 2015, với công suất gần 5 triệu m3 rác. Đến giữa năm 2019, các ô đều hết chỗ chứa, UBND TP Hà Nội cho phép Công ty Môi trường đô thị Hà Nội (Urenco) cải tạo mở rộng thêm 2 ô và tận dụng khoảng cách giữa các ô cũ để nâng công suất. Trong khi đó, khu phía Bắc của giai đoạn 2 diện tích 37 ha, gồm 2 ô chôn lấp với công suất 1,9 triệu m3, từ năm 2015 đến nay vẫn chưa được xây dựng, do vướng mắc giải phóng mặt bằng.
bai-rac-lon-nha-ha-noi-qua-tai
Xe chở rác nối đuôi nhau vào bãi đổ. Ông Lê Duy Dũng, Trưởng phòng kế hoạch Công ty Urenco 8, đơn vị vận hành bãi rác, cho biết nếu không được mở rộng, dự kiến đến tháng 9 năm nay, bãi Nam Sơn sẽ không còn chỗ chôn lấp rác.
bai-rac-lon-nha-ha-noi-qua-tai
Các ô chôn lấp rác cao 35 m so với mặt đất sẽ không được phép tiếp nhận thêm và được phủ bạt chống thấm Hdpe để ngăn tách nước mưa, hạn chế phát tán mùi ra bên ngoài.
bai-rac-lon-nha-ha-noi-qua-tai
Tại các ô chôn lấp, rác được đổ nén theo từng tầng bậc thang để kết cấu vững chắc, chống sạt lở.
bai-rac-lon-nha-ha-noi-qua-tai
Trên bãi đổ, công nhân hướng dẫn xe lùi đổ rác vào đúng vị trí, đảm bảo tốc độ 10 km/h. Để vận hành bãi rác, hơn 170 công nhân chia 3 ca tiếp nhận rác 24/24h.
bai-rac-lon-nha-ha-noi-qua-tai
“Đánh xe lên đỉnh bãi cần có kinh nghiệm, phải rất tập trung, chỉ sơ sẩy một chút xe có thể bị tai nạn trượt từ trên cao”, anh Nguyễn Duy Tuấn, 45 tuổi, lái xe chia sẻ. Mỗi ngày, có hơn 500 chuyến xe thu gom từ 12 quận, 5 huyện của Hà Nội liên tục ra vào bãi Nam Sơn.
bai-rac-lon-nha-ha-noi-qua-tai
Rác sinh hoạt không được phân loại, được các xe gom đổ trực tiếp lên bãi. Một ngày, Hà Nội phát sinh 6.500 tấn rác sinh hoạt. Trong đó, 5.000 tấn được vận chuyển lên bãi Nam Sơn để chôn lấp; 1.300 tấn chôn lấp ở bãi Xuân Sơn (Sơn Tây), còn lại được xử lý ở một số lò đốt rác nhỏ.
bai-rac-lon-nha-ha-noi-qua-tai
Những đống rác lộ thiên cao 3-4 m, với đủ loại: nylon, nhựa, phế thải… chờ xử lý.
bai-rac-lon-nha-ha-noi-qua-tai
Tại bãi rác, các máy ủi liên tục san phẳng, nén chặt rác. Sau đó công nhân phun rải chế phẩm Posi-shell, để khống chế mùi, ngăn nước mưa và tăng độ bám dính giữa các khối rác.
bai-rac-lon-nha-ha-noi-qua-tai
Cũng trong khuôn viên bãi, rác y tế được xử lý riêng bằng cách hấp ở nhiệt độ cao để giảm nguy hại, trước khi san lấp.
bai-rac-lon-nha-ha-noi-qua-tai
Khu chôn lấp phát sinh 3.100 đến 3.500 m3 nước rỉ rác, hai nhà máy phải hoạt động liên tục để xử lý nước rỉ rác trước khi thải ra bên ngoài.
bai-rac-lon-nha-ha-noi-qua-tai
Trong bán kính 500 m tính từ hàng rào bãi rác Nam Sơn hiện có hơn 2.000 hộ dân thuộc diện phải di dời, tổng diện tích đất khoảng 396 ha, gồm cả đất nông nghiệp và đất ở. Tuy nhiên, đến nay việc giải phóng mặt bằng vẫn đang bị chậm trễ. Giữa tháng 7/2020, UBND TP Hà Nội đã yêu cầu Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình cấp nước, thoát nước và môi trường thành phố cùng UBND huyện Sóc Sơn kiểm điểm trách nhiệm trong việc chậm tiến độ giải phóng mặt bằng để đầu tư xây dựng dự án mở rộng bãi rác Nam Sơn khu vực phía Bắc; gây ảnh hưởng đến việc quản lý, vận hành bãi rác.

Ngọc Thành – Tất Định

Theo VnExpress

 

Link nguồn: https://vnexpress.net/bai-rac-lon-nhat-ha-noi-qua-tai-4134889.html

CÙNG CHUYÊN MỤC