fbpx

Đội nắng canh lửa rừng

Mặc nắng nóng, những người bảo vệ rừng vẫn ở trên chòi canh cao tám mét giữa đồi cát chang chang để phát hiện lửa.

doi-nang-canh-lua-rung
Chòi canh lửa Trạm 1 thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ ven biển Nam Quảng Bình nằm trên đỉnh một đồi cát ở xã Hồng Thuỷ, huyện Lệ Thuỷ. Chòi kết cấu 2 tầng, cao 8 m, xung quanh không che chắn để phát hiện cháy rừng. Chòi này đưa vào sử dụng năm 2019.
doi-nang-canh-lua-rung
Mỗi ca trực gồm hai người đàn ông. Hôm 16/7, ông Nguyễn Duy Độ, 75 tuổi trực chòi. Ông Độ có 23 năm làm nhiệm vụ bảo vệ rừng. 6h sáng, ông lên chòi, nằm trên võng rồi quan sát bốn xung quanh để phát hiện khói lửa. Thỉnh thoảng, ông đứng dậy để quan sát kỹ hơn.
doi-nang-canh-lua-rung
Chòi nằm trên đỉnh đồi nên có tầm quan sát tốt, nhưng những ngày nắng nóng, nhìn ra giữa đồi vô cùng nhức mắt. Ông Độ mang theo một chiếc điện thoại để mở nhạc nghe khi trực cả ngày. “Anh em nhiệt tình, chứ rất nắng, gió Nam oi bức, nóng ghê lắm, phừng phừng trên đầu”, ông Độ nói.
doi-nang-canh-lua-rung
Cỏ rười trong rừng phòng hộ chết khô do nắng nóng và rất dễ bắt lửa. “Việc phát hiện lửa ngay từ lúc bắt đầu xảy cháy là rất quan trọng, để điều động lực lượng sớm dập lửa”, ông Phạm Văn Hoan, Trạm trưởng Trạm quản lý bảo vệ rừng số 1 nói.
doi-nang-canh-lua-rung
Thời điểm nắng nhất là từ 11h đến 16h. Phiên trực của những người canh lửa thường kết thúc lúc 18h. Những hôm đỉnh điểm của nóng, Ban quản lý phải cắt cử người canh 24/24.
doi-nang-canh-lua-rung
Mái chòi lợp bằng tôn, hấp thụ nhiệt hầm hập. Ông Độ dùng cây phi lao làm thành giàn, rồi nhặt nhạnh xốp và nệm cũ ở nhà gác lên để chống nóng. Khi phát hiện lửa, một người cơ động đến khu vực xảy cháy để dập lửa, người còn lại tiếp tục quan sát, gọi ứng cứu và hỗ trợ người ở hiện trường. “Nhiều khi cây rừng rậm rạp, hoặc khói mù nên người ở hiện trường khó nắm bắt hết diễn biến cháy”, ông Độ nói.
doi-nang-canh-lua-rung
Từ 2018 về trước, chòi canh lửa được dựng tạm bợ sát mặt cát, trên đỉnh một ngọn đồi. Những lúc gió to, cát bay tứ tung khắp chòi. Sau khi chòi kiên cố được dựng, chòi tạm được các nhân viên bảo vệ rừng dùng làm chỗ để xe. Mỗi nhân viên được Ban quản lý cấp một chiếc xẻng để xúc cát dập lửa khi có cháy.
doi-nang-canh-lua-rung
Mang theo một bao bánh bột nếp, ông Độ dùng bữa trưa ngay trên chòi, trong khi người đồng nghiệp về nhà ăn vì ở gần. Thông thường, người đàn ông này mang theo cơm, phở, hoặc bánh chưng để dùng bữa.
doi-nang-canh-lua-rung
Cuốn sổ ghi chép nội dung ngày trực, với các thông tin về trời nắng nóng, gió to, và quan trọng nhất là “không có gì xảy ra”.
doi-nang-canh-lua-rung
Một chòi canh khác ở xã Hải Ninh. Toàn Ban quản lý rừng có sáu chòi canh, với 90 nhân viên bảo vệ rừng. Những người này được điều động luân phiên, mỗi người trực ba ngày một tuần. Mỗi tháng, họ nhận một triệu tiền lương khoán bảo vệ rừng.
doi-nang-canh-lua-rung
Trực chòi là ông Trần Chính Quân, 64 tuổi, và anh Hoàng Đại Quốc, 35 tuổi. Vào khoảng nửa tháng trước, từ chòi canh này đã phát hiện một đám cháy. Nhận tin báo từ những người canh lửa rừng, nhà chức trách điều động lực lượng dập lửa từ 14h đến nửa đêm.
doi-nang-canh-lua-rung
Anh Hoàng Đại Quốc xuống chòi về nhà ăn trưa 30 phút, rồi quay lại đổi ca cho ông Quân. Rừng phòng hộ Nam Quảng Bình rộng 13.400 ha, đi qua 10 xã của hai huyện Lệ Thuỷ và Quảng Ninh, chủ yếu là phi lao khoảng 60 năm tuổi, keo lá tràm 20 năm tuổi. Ông Phạm Văn Hoan, Trạm trưởng Trạm quản lý bảo vệ rừng số 1 cho biết, diện tích rừng quản lý rộng, lực lượng ít, phân tán mỏng gây khó khăn cho việc phòng cháy chữa cháy. “Những ngày nhiệt độ cao, anh em rất vất vả, hao tổn sức lực”, ông Hoan nói.

Hoàng Táo

Theo VnExpress

 

Link nguồn: https://vnexpress.net/doi-nang-canh-lua-rung-4132022.html

CÙNG CHUYÊN MỤC