fbpx

Bã cà phê nay có thể được tái chế thành nhiên liệu sinh học

Trước đây, người ta chỉ nghe nói bã cà phê có thể được tận dụng làm phân bón rất tốt cho cây, ngoài công dụng này thì chỉ có nước đổ bỏ. Nhưng nay thì một công ty khởi nghiệp ở Anh quốc đang biến bã cà phê thành một loại nhiên liệu mới.

Các chuỗi cà phê trên toàn cầu được ghi nhận tạo ra rất nhiều chất thải, từ loại ly dùng một lần đến bã cà phê. Starbucks hiện đã bắt đầu thử nghiệm các lựa chọn thay thế cho loại ly dùng một lần nhưng chưa giải được bài toán về bã cà phê. Công ty khởi nghiệp Bio-bean của Anh quốc loan báo rằng họ đã tìm ra cách biến loại chất thải đó thành một nguồn tài nguyên quý giá.

Bã cà phê không chỉ dùng để bón cho cây mà còn có thể biến thành nhiên liệu

6 triệu tấn bã cà phê mỗi năm

Theo một nghiên cứu, có khoảng 2 tỷ tách cà phê được uống mỗi ngày trên toàn thế giới, tạo ra 6 triệu tấn bã cà phê mỗi năm. Khi bã cà phê ra đến bãi rác, việc phân hủy chúng sẽ thải khí nhà kính, góp phần vào hiện tượng nóng lên toàn cầu.

Tuy nhiên, Bio-bean đang biến 7.000 tấn bã cà phê mỗi năm thành nhiên liệu sinh học. Công ty đã phát triển loại nhiên liệu sinh học từ bã cà phê để sử dụng trên xe buýt chạy bằng diesel của London, nhưng việc này không đem lại lợi ích thương mại, vì vậy họ chuyển trọng tâm sang nhiên liệu rắn dùng cho các hộ gia đình và công nghiệp.

Nếu loại nhiên liệu mới có thể thay thế các loại nhiên liệu dựa trên carbon khác, quá trình tái chế sẽ giảm 80% lượng khí thải so với việc đổ bỏ bã cà phê ở bãi chôn lấp.

Bã cà phê được làm sạch để loại bỏ các ly giấy và mảnh nhựa

Đến nay, Bio-bean nhận tái chế bã cà phê được thu gom từ các công ty bao gồm Costa Coffee, sân bay Stansted London và chuỗi cà phê tại hệ thống đường sắt Network Rail.

George May, giám đốc công ty Bio-bean nói: “Những doanh nghiệp khác chỉ có thể tái chế một hoặc 10 tấn bã cà phê, còn chúng tôi có khả năng tái chế hơn 20.000 tấn.”

Tuy hiện đang bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, nhưng hoạt động của doanh nghiệp này vẫn đang tiếp tục. Mặc dù các cửa hàng cà phê ở Anh quốc đang tạm thời đóng cửa vì coronavirus, Bio-bean cho biết họ vẫn có thể tiếp nhận bã cà phê từ các đối tác tái chế khác nhau với khối lượng thấp hơn bình thường.

Một túi thanh năng lượng sinh khối từ bã cà phê được bày bán ở nước Anh

Quy trình tái chế

Tại nhà máy của công ty ở Cambridgeshire, bã cà phê được làm sạch để loại bỏ ly giấy hoặc túi nhựa, sau đó được đưa qua máy sấy và quy trình sàng lọc. Cuối cùng chúng được xử lý thành các sản phẩm như viên nén hoặc thanh chứa năng lượng sinh khối.

Các viên nén có thể được sử dụng để cung cấp năng lượng cho nồi hơi công nghiệp, sưởi ấm nhà kính hoặc sấy khô các loại ngũ cốc, trong khi các thanh sinh khối có thể được dùng trong lò sưởi.

“Cà phê vốn có nhiệt lượng cao nên có thể trở thành một loại nhiên liệu thực sự tuyệt vời”, ông May nói. “Nhiệt của chúng nóng hơn khoảng 20% ​​và lâu hơn 20% so với củi thông thường.”

Jenny Jones, giáo sư Năng lượng bền vững tại Đại học Leeds, cho biết bã cà phê có tiềm năng làm nhiên liệu, nhưng nói thêm rằng việc này cần được đánh giá và so sánh với các giải pháp tái chế khác như biến bã cà phê thành mùn bón cây.

Bà Jones cũng cho biết thêm rằng bã cà phê, giống như hầu hết các dư lượng sinh khối, có hàm lượng lưu huỳnh và nitơ cao hơn củi gỗ, và có nguy cơ phát ra các khí độc hại như sulfur dioxide và oxit nitơ khi bị đốt cháy.

Bio-bean trấn an rằng các viên sinh khối của họ được chứng nhận bởi cơ quan Kiểm soát nhiên liệu bền vững Anh quốc, trong khi các thanh sinh khối có “lượng khí thải hạt thấp hơn so với thanh củi”. 

Thiệu Kiệt

(theo CNN)

CÙNG CHUYÊN MỤC