fbpx

Ô nhiễm không khí và chuyện nghỉ làm ngắn hạn

Cư dân các đô thị lớn như Sài Gòn, Hà Nội… thời gian qua đã quá quen với chuyện ô nhiễm không khí. Vấn đề đặt ra là có nên/có thể ở nhà khi những ngày ô nhiễm không khí đáng báo động?

 Với hình thức “social debate” – tranh luận trên mạng xã hội, chiến dịch Ở nhà ngày ô nhiễm do tổ chức Change thực hiện đang tạo ra những cuộc thảo luận trên mạng xã hội, như mong muốn của nhà tổ chức, hướng sự quan tâm của cộng đồng đến vấn đề bảo vệ sức khỏe cá nhân trong những ngày chỉ số chất lượng không khí (AQI) ở mức báo động tím (201 – 300) – Mức xấu: Nhóm nhạy cảm tránh ra ngoài, các nhóm khác nên hạn chế ra ngoài. Ở nhà ngày ô nhiễm là hoạt động trong khuôn khổ chiến dịch Không khí sạch, Bầu trời xanh do Change thực hiện suốt năm 2019, với sự tài trợ của Tổng lãnh sự Đức tại TP.HCM.

Chất lượng không khí đáng báo động

Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), nồng độ trung bình năm của PM2.5 ở các đô thị Việt Nam rơi vào khoảng 28 mg/m3, cao hơn gấp 3 lần so với khuyến nghị trung bình năm là 10 mg/m3. Giai đoạn cuối năm là thời điểm ô nhiễm không khí (ONKK) tăng cao do sự kết hợp giữa yếu tố thời tiết với các nguồn nhiễm vốn có. Liên tục trong nhiều ngày, có những thời điểm chỉ số chất lượng không khí AQI của Hà Nội ở mức kém, ở TP.HCM cũng xuất hiện hiện tượng sương mù quang hóa gây cản trở tầm nhìn. Chẳng hạn như hiện tượng “sương mù” liên tục gây xôn xao ở hai thành phố này trong thời gian qua.

Tuy nhiên, tại Việt Nam, sự quan tâm của cộng đồng với vấn đề ONKK và tầm nghiêm trọng của nó với sức khỏe vẫn chưa đúng mức. Tuy cảm nhận được sự thay đổi của không khí xung quanh theo chiều hướng xấu đi thông qua các giác quan thị giác, khướu giác, nhiều người vẫn chọn cách “ra đường bất chấp” với trang bị bảo vệ sức khỏe thô sơ với khẩu trang các loại hoặc thậm chí không trang bị.

Cũng theo WHO (tháng 5/2018), Việt Nam có đến 60.000 ca tử vong trong năm 2016 do đau tim, đột quỵ, ung thư phổi, thuyên tắc động mạch phổi và viêm phổi bị tác động do ONKK.

Bên cạnh đó, theo nghiên cứu của ĐH Fulbright Việt Nam, ONKK ở nước ta đã tạo ra thiệt hại kinh tế từ 9,86 – 12,45 tỉ đô la vào năm 2013. Riêng TP.HCM, con số thất thoát do ô nhiễm không khí là 117 – 183 triệu đô la. Một trong những nguyên nhân tạo nên sự nguy hiểm khó lường của ONKK chính là bụi siêu mịn, mà phổ biến nhất là bụi PM2.5. Với kích thước siêu nhỏ (đường kính chỉ bằng 1/40 – 1/100 sợi tóc), các hạt bụi siêu mịn này có thể chui sâu vào phổi và gây ra nhiều bệnh như: phổi tắc nghẽn mãn tính, ung thư phổi; thậm chí chúng có thể thâm nhập sâu vào hệ tuần hoàn dẫn đến đột quỵ, rối loạn nhịp tim hoặc bệnh tim thiếu máu. Không có loại khẩu trang bình thường nào có thể ngăn cản được, đây chính là siêu vi bụi nguy hiểm nhất thế giới.

Trong những năm gần đây, Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội và Tổng Lãnh sự Mỹ tại TP.HCM đã tiến hành đo lường chỉ số PM2.5 và cung cấp dữ liệu cho công chúng. Chỉ số chất lượng không khí tại Hà Nội được ghi nhận có nồng độ tập trung của bụi PM2.5 là 47,9μg/m3. Tại TP.HCM, chỉ số này là 42 μg/m3. Tất cả các chỉ số về chất lượng không khí này đều vượt quá mức khuyến cáo của WHO về chất lượng không khí, đôi khi cao gấp 4 – 5 lần, điều này ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của người dân ở đây.

Nhìn sang nước bạn

Trên thế giới, khi ONKK tăng cao, Thái Lan lần đầu tiên đã thông báo nghỉ học cho hơn 400 trường trong khu vực có nồng độ ONKK vượt ngưỡng nhằm đảm bảo sức khỏe của “thế hệ tương lai”. Cùng lúc, thủ đô Thái Lan – Bangkok cũng tiến hành các chiến dịch phun nước trong thành phố lẫn vùng lân cận nhằm giảm thiểu nồng độ bụi mịn quanh trường học và những tuyến đường chính. Ấn Độ trong đợt ô nhiễm trầm trọng vào tháng 10 vừa rồi, ông Arvind Kejriwal – Thủ hiến thành phố New Delhi, nơi mệnh danh là “phòng hơi ngạt” đã thông báo đóng cửa toàn bộ trường học trong khu vực. Chưa hết, chính phủ còn đưa ra chính sách hạn chế cả phương tiện cá nhân trong thành phố và cung cấp khẩu trang miễn phí cho ai buộc phải ra đường.

Bà Nguyễn Thị Cát Tường, Quản lý dự án của tổ chức Change, chia sẻ về tầm quan trọng của truyền thông nâng cao nhận thức đối với những tác động sức khoẻ do vấn đề ONKK: “Sau thời gian khảo sát trên diện rộng nhằm đánh giá về nhận thức của người dân các đô thị lớn tại Việt Nam đối với vấn đề ONKK, chúng tôi nhận thấy phần lớn người dân đã ý thức được sự suy giảm của chất lượng không khí xung quanh, song đa số vẫn khá chủ quan, chưa có biện pháp kịp thời và đúng đắn để bảo vệ sức khoẻ cá nhân trong mùa ô nhiễm không khí tăng cao. Chúng tôi cũng nhận thấy việc đưa ra cảnh báo từ chính quyền cho người dân khi chỉ số AQI tăng cao đóng vai trò rất quan trọng để người dân, đặc biệt là những gia đình có con nhỏ và các trường học có biện pháp ứng phó kịp thời, vì trẻ em là đối tượng dễ bị tổn thương nhất từ ONKK”.

Và một giải pháp khả thi?

Chiến dịch Ở nhà ngày ô nhiễm được mở đầu bằng video clip cùng tên, một người sếp nữ chuẩn bị cho con đi học thì có điện thoại thông báo hôm nay trường cho nghỉ học vì sự cố thời tiết, tiếp nối sau là một chuỗi email nghỉ phép của các nhân viên. Nguyên nhân chung vì ngày hôm đó ONKK tăng cao. Thông qua video clip này, một giải pháp được đưa ra với cộng đồng đặc biệt là các lãnh đạo doanh nghiệp, xem xét đưa “làm việc ở nhà” khi những ngày AQI mức báo động tím vào chính sách của công ty cũng như nhân viên văn phòng có thể chủ động xin được “làm việc ở nhà” vào những ngày này. Ở góc độ của một người làm công việc tự do, MC Phan Anh chia sẻ. “Tôi rất lo lắng, không phải bởi những chỉ số được đưa ra trên báo, trên truyền thông đâu mà mình có thể cảm nhận được ngay. Tôi nghĩ là mình nên ở trong nhà, khi mình đi ra ngoài đường vào lúc ô nhiễm quá và thêm sự nóng nực thì nhìn thấy mọi người không có ai là vui vẻ cả”.

Với hướng đề xuất này, có vẻ như chiến dịch nhận được sự ủng hộ ban đầu khi bà Hoàng Thị Mai Hương, Chủ tịch hội đồng quản trị Saatchi & Saatchi Việt Nam cho biết: “Làm việc tại nhà tuy không phải là một phương án tối ưu, nhưng sẽ là một giải pháp linh hoạt cho các tổ chức và doanh nghiệp nên áp dụng để bảo vệ sức khỏe cho nhân viên cũng như góp phần giảm khí thải. Hãy làm việc ở nhà trong những ngày không khí bị ô nhiễm cao độ, như một hành động cụ thể để góp phần làm trong sạch môi trường”.

Trên mạng xã hội, một diễn đàn thảo luận xoay quanh câu hỏi “ra đường bất chấp” hay “cố thủ ở nhà” khi chỉ số ô nhiễm không khí tăng cao cũng được tranh luận khá sôi nổi. Tham gia thảo luận không chỉ có “team nhân viên”, “team mẹ và bé” mà có cả “team sếp” –  quản lý cấp cao của các doanh nghiệp Dinosaur, MicroAd Việt Nam, Eurowindow, Reckitt Benckiser Việt Nam… cũng hào hứng tham gia, “Có lẽ cách duy nhất để người Việt mình đối phó với ô nhiễm không khí là đeo khẩu trang khi ra đường. Nhưng vì bị hội chứng sợ không gian kín (claustrophobia), đeo khẩu trang cũng thấy khó chịu bức bối vô cùng, nên tôi sẽ hạn chế ra đường và ở nhà cho lành vào những ngày ô nhiễm nặng. Ít nhất là giảm được một chiếc xe máy ở ngoài đường thì cũng giảm đi chút ô nhiễm không khí” – Anh Trọng Nguyễn, Giám đốc Sáng tạo của Dinosaur cho biết.

Có vẻ như, chuyện Ở nhà ngày ô nhiễm cần nhận thêm sự quan tâm từ nhiều phía, và từ chính ý thức của người dân.

Mỗi sáng mai thức dậy, bạn dành bao nhiêu phút để chuẩn bị đến công sở, trong đó có bao nhiêu thời gian dành cho việc quan sát, cập nhật thông tin không khí nơi mình đang sống và làm việc, như một thói quen cần thiết?

Bài: Sơn Trà

Ảnh: Những bức ảnh đã đoạt giải trong cuộc thi Bắt nét không khí, phơi màu ô nhiễm do Change tổ chức vào tháng 1/2019

CÙNG CHUYÊN MỤC