Không khí ô nhiễm, mù bao trùm Sài Gòn nhiều ngày
Mù xuất hiện từ sáng đến trưa liên tục trong nhiều ngày, kết quả quan trắc ở 30 vị trí ghi nhận chỉ số bụi do ô nhiễm đều vượt mức cho phép.
Sáng 21/11, các cao ốc tại TP HCM chìm trong lớp mù màu trắng đục, khó nhìn thấy từ khoảng cách 500 mét. Người đi đường bị hạn chế tầm nhìn, nhất là tại khu vực Vòng xoay Mỹ Thủy (quận 2) – nơi được xác định ô nhiễm không khí nhất Sài Gòn. Tình trạng này kéo dài từ 14/11 đến nay.
Ứng dụng Air Visual lúc 10h30 hiển thị màu đỏ ở tất cả các vị trí tại TP HCM, tức là không khí ô nhiễm có hại cho sức khỏe.
Theo chuyên gia khí tượng Lê Thị Xuân Lan, TP HCM và Nam Bộ bắt đầu vào mùa khô, thỉnh thoảng có mưa trên diện hẹp nên độ ẩm trong không khí không cao. Vì vậy, hiện tượng mù xảy ra những ngày qua chủ yếu là mù khô, do không khí ô nhiễm. “Tình trạng này xảy ra ngày càng thường xuyên, dù lúc nhiều lúc ít, ngày xưa làm gì có“, bà Lan nói.
Nguyên nhân, theo bà Lan, là bầu không khí ở tầng thấp khoảng 100m trở xuống quá ô nhiễm với các chất khói bụi từ phương tiện giao thông, nhà máy, công trường xây dựng. Đây là những chất lơ lửng trong không khí. Những nơi có điều kiện thuận lợi như nhiều ao hồ, mặt nước kênh rạch, tình trạng mù nặng hơn do có nhiều độ ẩm. Chẳng hạn như tòa nhà Landmark 81 thường xuyên bị mù che khuất vì gần sông Sài Gòn.
Trả lời VnExpress, ông Cao Tung Sơn (Giám đốc Trung tâm Quan trắc Tài nguyên Môi trường – Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM) cho biết, kết quả quan trắc ở 30 vị trí cho thấy chỉ số bụi tổng phát sinh từ hoạt động giao thông, công nghiệp (bụi nhìn thấy được) đa phần đều vượt mức quy chuẩn của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Trong đó, kết quả quan trắc ở vòng xoay Mỹ Thủy – đường vào cảng Cát Lái, quận 2, luôn vượt ngưỡng trên 90%.
Theo ông Sơn, đặc thù của TP HCM là xe tải, container hoạt động mạnh cả ngày lẫn đêm khiến các chất ô nhiễm liên tục phát ra không khí. Trong khi đó thời tiết đang chuyển từ thu sang đông nên gió Tây Tây Nam bắt đầu yếu, gió Bắc Đông Bắc thì chưa phát triển mạnh kết hợp với nhiệt độ thấp từ phương Bắc đổ về, đã làm giảm khả năng phát tán các chất ô nhiễm, gây ô nhiễm không khí.
Hiện, TP HCM thực hiện các phương pháp quan trắc chất lượng không khí theo phương pháp thủ công gián đoạn. Các phương pháp lấy mẫu, phân tích mẫu tại phòng thí nghiệm chủ yếu theo quy chuẩn của nước ngoài, độ chính xác cao nhưng không thể có ngay tức thời. Các số liệu về chất lượng không khí dùng phục vụ cho hoạch định chiến lược, nghiên cứu khoa học và cảnh báo đến người dân.
“Dự kiến năm 2020 thành phố xây dựng 9 trạm quan trắc tự động. Chúng tôi sẽ có rất nhanh các chỉ số về chất lượng không khí, ô nhiễm để cảnh báo người dân sớm hơn“, ông Sơn nói.
Trước đó, liên tiếp nhiều ngày trong tháng 9, TP HCM cũng xảy ra hiện tượng mù do ô nhiễm không khí. Nguyên nhân đến từ 3 nguồn: hoạt động giao thông, hoạt động công nghiệp và xây dựng. Trong đó, ô nhiễm từ giao thông là lớn nhất bởi thành phố đang có khoảng 10 triệu phương tiện (7,6 triệu xe máy, 700.000 ôtô, còn lại là xe của người tỉnh thành khác mang vào); 37 điểm thường xuyên kẹt xe… nên lượng khí thải độc hại ra môi trường là rất lớn.
Hà An – Hữu Công
Theo VnExpress
Link nguồn: https://vnexpress.net/thoi-su/khong-khi-o-nhiem-mu-bao-trum-sai-gon-nhieu-ngay-4015137.html