fbpx

Thách thức phát triển và bài toán giảm trừ ô nhiễm không khí

Năm 2004, khi tôi còn là Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường TP.HCM, trong một lần làm việc của lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM với Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, một câu hỏi được đặt ra là: Ở TP.HCM, vấn đề môi trường nào là bức xúc nhất. Câu trả lời là ô nhiễm nước, ô nhiễm rác và ô nhiễm không khí. Năm 2015, trong văn bản góp ý cho Thành ủy TP.HCM về Chương trình hành động nhằm bảo vệ môi trường, tôi lại nhắc đến vấn đề ô nhiễm không khí như là một trong những vấn đề đáng quan tâm nhất.

Nhắc lại mấy chuyện cũ, để thấy rằng ô nhiễm không khí không phải là chuyện bây giờ mới biết. Năm 2012 trong Báo cáo thường niên của Ngân hàng Thế giới (WB), Hà Nội và TP.HCM cũng được nhắc đến như là 2 trong 10 thành phố bị ô nhiễm bụi nặng nhất trên thế giới.

Khí thải từ phương tiện giao thông

Ô nhiễm không khí là sự có mặt trong môi trường không khí những tác nhân ô nhiễm (bụi, hơi, khí…) mà nồng độ và thời gian tác động của nó có thể gây nguy hại cho con người, động thực vật và tài sản, công trình. Tuy nhiên, trong thực tế tác hại đến sức khỏe con người luôn được chú trọng nhiều hơn.

Để đánh giá mức độ ô nhiễm không khí người ta có thể dựa vào các chỉ số riêng rẽ là nồng độ của các chất ô nhiễm không khí (mg/m3), và so sánh với các qui chuẩn, tiêu chuẩn cho phép. Người ta cũng có thể dựa vào chỉ số chất lượng không khí AQI (Air Quality Index) là một chỉ số tổng hợp được tính toán từ nồng độ một số chất ô nhiễm đặc trưng như bụi mịn (PM 2,5), NO2, SO2, O3…

Hà Nội chìm trong bụi ô nhiễm vào những ngày thu, tháng 10.2019. Ảnh: Nam Trần
Hà Nội chìm trong bụi ô nhiễm vào những ngày thu, tháng 10/2019. Ảnh: Nam Trần

Thời hiện đại, ô nhiễm không khí với các khí nhà kính như hơi nước, CO2, CH4, N2O, O3, CFC còn là nguyên nhân tạo ra hiện tượng nóng lên của trái đất, làm biến đổi khí hậu trên phạm vi toàn cầu. Cả tự nhiên và con người đều tạo ra ô nhiễm không khí. Các hiện tượng tự nhiên như cháy rừng, bão cát, động đất, núi lửa… đều gây nên mức độ ô nhiễm không khí nặng nề. Nhưng may mắn là những hiện tượng tự nhiên đó không phải lúc nào và ở đâu cũng có thể xảy ra. Các hoạt động của con người như sản xuất công nghiệp, giao thông vận tải, thương mại, dịch vụ và các sinh hoạt khác là những nguồn ô nhiễm nhân tạo, thường xuyên, chủ lực trong đời sống con người ngày nay.

Theo Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia năm 2016 do Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố thì tại các đô thị, ở nước ta khí thải từ các phương tiện giao thông cơ giới đường bộ đóng góp nhiều nhất trong tổng lượng phát thải gây ô nhiễm môi trường không khí đô thị. Các khí thải chủ yếu bao gồm: SO2, NO2, CO, bụi (TSP, PM 10, PM 2,5).

Trong các loại phương tiện giao thông thì xe mô tô, xe gắn máy chiếm tỉ lệ lớn nhất đồng thời cũng là nguồn phát thải chất ô nhiễm lớn nhất. Các phương tiện giao thông cơ giới sử dụng xăng và dầu diesel làm nhiên liệu, quá trình rò rỉ, bốc hơi và đốt cháy nhiên liệu còn dẫn tới phát sinh nhiều loại khí độc như: VOC, Benzen, Toluen…

Với tình trạng kẹt xe khá phổ biến ở các đô thị tại nước ta hiện nay, ô nhiễm không khí càng trở nên nặng nề hơn khi thời gian kẹt xe kéo dài vào những thời điểm bất lợi về thời tiết. Những ngày cuối tháng 9, đầu tháng 10 vừa qua, chúng ta chứng kiến một đợt ô nhiễm không khí nặng nề kéo dài trong nhiều ngày tại hai thành phố lớn nhất nước.

Theo AirVisual, một trang mạng chuyên theo dõi mức độ ô nhiễm không khí trên khoảng 10.000 thành phố ở khắp thế giới, có những thời điểm Hà Nội đứng đầu các thành phố về mức độ ô nhiễm, chỉ số AQI vượt hơn 200 là mức độ được coi nguy hại cho sức khỏe con người.

Lâu nay, chúng ta thường nghe nói ô nhiễm không khí gây nên những tác hại chủ yếu tới đường hô hấp, thì ngày nay với những nghiên cứu y học mới công bố, người ta thấy tác hại của ô nhiễm không khí còn lớn hơn, rộng hơn nhiều. Bụi mịn PM 2,5 ngoài tác động tới hệ hô hấp còn có thể gây nên những tác hại cho hệ tim mạch dẫn tới nguy cơ bị đột quỵ. Các chất hữu cơ bay hơi như benzene, PAH – được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) coi là những tác nhân gây ung thư. Những nghiên cứu mới nhất ở Trung Quốc và một số nước khác còn có bằng chứng cho thấy nhiễm bụi mịn có nguy cơ sẩy thai…

Khắc phục ô nhiễm: không phải một sớm một chiều

Vậy chúng ta còn phải chịu đựng ô nhiễm không khí bao nhiêu lâu nữa? Và có cách gì để thoát khỏi tình trạng đó không? Với kinh nghiệm hơn 40 năm trong giảng dạy và nghiên cứu lĩnh vực ô nhiễm không khí, tôi không có cái nhìn lạc quan khi trả lời câu hỏi thứ nhất. Bởi vì muốn cải thiện được chất lượng không khí đô thị thì không còn con đường nào khác là phải giải quyết một cách xuất sắc các vấn đề trong câu hỏi thứ hai. Kinh nghiệm của hầu hết các nước trên thế giới tựu trung cũng không có gì khác ngoài các biện pháp sau:

– Giảm thiểu tối đa sự phát thải các chất ô nhiễm không khí từ các nguồn chủ yếu. Đây là giải pháp có tính quyết định nhất và nó là căn nguyên của mọi vấn đề. Tuy nhiên để thực hiện được điều này, hàng loạt các biện pháp về chính sách, quản lý, kinh tế, kỹ thuật phải được thực hiện đồng bộ.

Ví dụ, để giảm phát thải trong giao thông đường bộ ở đô thị thì chúng ta phải tìm cách hạn chế số lượng phương tiện lưu thông bằng các biện pháp quy hoạch đô thị hợp lý; bằng cách tăng cường các phương tiện vận chuyển công cộng nhanh và tiện nghi để thay thế xe cá nhân; bằng các biện pháp hành chính và kinh tế để khuyến khích người sử dụng chuyển sang sử dụng phương tiện công cộng…

Để giảm phát thải trong công nghiệp thì chúng ta phải thực hiện các biện pháp sử dụng có hiệu quả nhiên liệu, năng lượng: thay thế nguồn năng lượng sản xuất từ nhiên liệu hóa thạch như dầu mỏ, than đá sang các nguồn năng lượng tái tạo như gió, năng lượng mặt trời…

Năm 2001, Chính phủ quyết định loại bỏ xăng pha chì. Sau khi loại bỏ xăng pha chì, nồng độ chì (Pb) trong không khí xung quanh ven các đường giao thông tại TP.HCM đã giảm xuống một cách ngoạn mục.

– Giảm mức độ độc hại của các chất ô nhiễm không khí trong khí thải bằng các tiêu chuẩn thải ngặt nghèo hơn. Ví dụ thay thế tiêu chuẩn khí thải của các phương tiện giao thông hiện đang lưu hành từ mức tương đương tiêu chuẩn Euro 2 hiện nay lên mức Euro 4 (Hiện nay nhiều nước trên thế giới đã áp dụng mức Euro 5 hoặc Euro 6).

Muốn đạt được tiêu chuẩn Euro 4 thì đòi hỏi động cơ phải được thiết kế chế tạo thân thiện với môi trường hơn và nhiên liệu sử dụng cho các động cơ đó cũng phải “sạch” hơn. Với sản xuất công nghiệp, muốn giảm được mức độ độc hại của khí thải đòi hỏi các nhà máy cũng phải hiện đại hóa công nghệ thiết bị, nâng cao hiệu suất của các thiết bị xử lý khí thải…

Ô nhiễm không khí đang ngày càng trầm trọng, đặc biệt là ở hai đô thị Hà Nội, TP.HCM.
Ô nhiễm không khí đang ngày càng trầm trọng, đặc biệt là ở hai đô thị Hà Nội, TP.HCM.

– Ngoài những giải pháp chính như đã nói, các biện pháp tăng cường giáo dục nâng cao nhận thức cho cộng đồng cũng là một vấn đề vô cùng quan trọng. Trong vấn đề ô nhiễm không khí, mỗi chúng ta không chỉ là nạn nhân mà còn là thủ phạm của tình trạng này.

Chỉ mới nêu một vài giải pháp chính nhằm hạn chế ô nhiễm không khí, chúng ta đã thấy đây quả là một bài toán nan giải. Vì đất nước càng phát triển thì sản xuất, lưu thông và tiêu thụ ngày một tăng. Tổng lượng xe máy, ô tô chắc không chỉ dừng lại ở con số gần 20 triệu phương tiện như hiện tại, trong khi tốc độ tăng đường sá không thể theo kịp tốc độ tăng các phương tiện. Nhiều nhà máy nhiệt điện chạy than tiếp tục được xây dựng trên mọi miền đất nước… Có nghĩa là các nguồn phát thải ngày một gia tăng, trong khi các biện pháp của chúng ta chưa đủ mạnh và khi thực hiện thì lại còn bị rơi rớt, sứt mẻ khá nhiều. Vì thế, không thể lạc quan để trả lời câu hỏi 1 ở trên là tôi đã có lý do của nó.

Trong quá khứ, hình như chúng ta chỉ mới có một thành công đáng kể trong cuộc chiến với ô nhiễm không khí trên bình diện quốc gia, đó là khi Chính phủ quyết định loại bỏ xăng pha chì vào giữa năm 2001. Sau khi loại bỏ xăng pha chì, nồng độ chì (Pb) trong không khí xung quanh ven các đường giao thông tại TP.HCM đã giảm xuống một cách ngoạn mục. Tình hình ô nhiễm không khí hiện nay ở các đô thị nước ta đòi hỏi không chỉ một mà phải là nhiều quyết định hiệu quả như vậy.

PGS – TS. Nguyễn Đinh Tuấn

Theo nguoidothi.net.vn

 (*) PGS-TS. Nguyễn Đinh Tuấn – Nguyên Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường TP.HCM (2004 -2008), nguyên Hiệu trưởng Đại học Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, hiện là Phó chủ tịch Hội Nước và Môi trường TP.HCM, đồng thời là Phó chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam.

 

CÙNG CHUYÊN MỤC