fbpx

Sống xanh: Học cách kiềm chế ở nơi công cộng

Sự kiện nữ đại úy công an Lê Thị Hiền (quê Thanh Hóa, sinh sống Hà Nội) náo loạn sân bay Tân Sơn Nhất nổi bật trong tuần qua cho mọi người một bài học: Cần phải học cách kiềm chế nơi công cộng.

Ký họa của họa sĩ Đan mô tả hành vi thiếu kiềm chế của bà Lê Thị Hiền tại sân bay Tân Sơn Nhất – Ảnh trên báo Lao Động

Do thiếu kiềm chế, bà Hiền đã to tiếng và có những lời chửi rủa không lọt lỗ tai bất kỳ ai, dù đang dắt theo đứa con  nhỏ và đi cùng chồng. Dư luận phê phán bà Hiền đồng thời cũng tội nghiệp cho người chồng và đứa con nhỏ phải chứng kiến sự việc không đẹp mà bà ta gây nên. Cho dù bà Hiền đã ra sức thanh minh là trước đó nhân viên hàng không đã có lời lẽ không hay với con gái bà và clip đã bị cắt gọt có chủ ý, thì quyết định cấm bay một năm của Cục Hàng Không và quyết định đình chỉ công tác bà Hiền trong 30 ngày của Công an quận Đống Đa Hà Nội cũng đã nói lên rằng bà Hiền đã có lỗi ứng xử kém ở nơi công cộng.

Có nhiều lớp dạy kỹ năng quản lý cảm xúc

Có hơn 39 triệu kết quả khi search chữ “Học kỹ năng quản lý cảm xúc”. Hoá ra đang có rất nhiều lớp chiêu sinh trên mạng để dạy kỹ năng quản lý cảm xúc, với các cá nhân là chuyên viên tâm lý, giảng viên các trường đại học hoặc với các trung tâm chuyên đào tạo các kỹ năng mềm. Chẳng hạn như gói 11 bài giảng dạy trong 60 phút của thầy Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu, gói 5 bài học kiểm soát cảm xúc từ thầy Lê Thẩm Dương, gói Kỹ năng quản lý cảm xúc từ Thông tin giáo dục hướng nghiệp Việt và Trung tâm Anh ngữ PMP, gói Các bước làm chủ cảm xúc của bản thân từ Trung tâm tư vấn và đào tạo cuộc sống đúng nghĩa…

Khi có những cảm xúc tốt, chúng ta sẽ có những tương tác tích cực; và ngược lại, những cảm xúc không tốt sẽ hướng chúng ta đến những hành động tiêu cực – Ảnh: Internet

Tiến sĩ Lê Thẩm Dương, một diễn giả chuyên nghiệp và là Trưởng khoa Tài Chính – ĐH Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh cho rằng: Nếu chỉ số IQ chỉ chiếm 25% trong sự thành đạt thì chỉ số EQ lại chiếm đến 75% sự thành đạt và hạnh phúc của một con người. Vì thế, hãy “làm chủ” cảm xúc trước khi chúng “quản lý” chúng ta. Những cảm xúc tiêu cực thường gặp là thất vọng, cáu gắt, lo lắng, bồn chồn, tức giận… Khi có những cảm xúc tốt, chúng ta sẽ có những tương tác tích cực; và ngược lại, những cảm xúc không tốt sẽ hướng chúng ta đến những hành động tiêu cực. Một số phương pháp điều khiển và kiểm soát cảm xúc tiêu cực như: – Không phản ứng vội; – Nhận định lại tình hình; – Thay đổi trọng tâm chú ý; – Thể hiện cơn nóng giận thích hợp; – Cần 15 phút bình tĩnh; – Hít thở sâu; – Xuống giọng khi nói; – Nên bắt đầu bằng câu: “Tôi cảm thấy…”, “Tôi nghĩ là…”.

Tất nhiên, bài này không đề cập đến những người kiềm chế kém do tâm thần có bệnh. Những người bị bệnh rối loạn cảm xúc khiến khả năng kiềm chế kém phải gặp bác sĩ và điều trị bằng thuốc chứ chỉ học các lớp kỹ năng mềm thì không có tác dụng.

Camera đang có mặt ở khắp nơi và mọi hành vi của chúng ta đều có thể bị soi

Đời sống ở những đô thị lớn như Hà Nội, Sài Gòn… đều có những tác nhân dẫn đến sự căng thẳng cho mỗi người khi ra đường: chẳng hạn như kẹt xe, tiếng còi xe, nạn ngập nước mỗi khi trời mưa, chưa kể những va chạm khác ở nơi làm việc và quanh nơi mình sống… dễ khơi dậy sự bùng nổ cơn giận ở mỗi người. Dù có là người tốt và có khả năng kiềm chế tốt thì chúng ta cũng nên biết những hành vi nơi công cộng của mỗi người hiện nay đều có thể bị quay lén và quăng lên mạng, bởi ai cũng có smartphone và ai cũng có tài khoản mạng xã hội.

Chưa kể hiện nay ở Sài Gòn có nhiều khu phố, chung cư, nhà gửi xe, nhà riêng, văn phòng làm việc… đã lắp đặt camera để phòng ngừa trộm cắp và theo dõi hành vi… nhưng không phải chỗ nào cũng thông báo mà có khi âm thầm cất giấu. Thông tin từ báo Người Lao Động ngày 15/7/2019 cho biết:  “Với gần 1.000 camera giám sát giao thông và khoảng 37.000 camera từ nguồn xã hội hoá, cứ gần 7 km tại TP HCM có 1 camera”.

Thỉnh thoảng vào thang máy những toà cao ốc văn phòng, chúng ta sẽ thấy tấm bảng nhỏ cảnh báo bên trong: “Tất cả hành động của bạn đều được ghi lại qua hệ thống camera toà nhà” hoặc không có bảng cảnh báo nhưng vẫn có camera giấu ở đâu đó như trong trường hợp của ông Nguyễn Hữu Linh, kẻ có hành động ấu dâm bé gái trong thang máy của chung cư Galaxy quận 4.

Thông tin cảnh báo “có camera” bên trong thang máy ở một tòa nhà thuộc quận Tân Bình – Ảnh: Thanh Thủy

Mới đây,  Sở Thông tin và Truyền thông vừa trình UBND TP.HCM một đề án cho biết đến năm 2025, toàn Sài Gòn sẽ được lắp đặt thêm hơn 10.000 camera giám sát tại những khu vực trọng điểm. Hệ thống quản lý camera có khả năng phân tích hình ảnh, nhận diện và tìm kiếm đối tượng theo yêu cầu. Thông tin về vị trí, tọa độ từng camera được quản lý trên bản đồ số cho phép truy xuất hình ảnh camera theo khu vực và địa chỉ cụ thể. Khi cầm trên tay một chiếc smartphone không chỉ chúng ta biết được nhiều sự kiện đang xảy ra trên thế giới mà các cơ quan chức năng khi cần cũng định vị được ra chúng ta đang làm gì, ở đâu.

Thế nên, nếu lúc nào muốn bùng nổ cơn giận, chúng ta hãy nhớ tới việc bà Hiền và gia đình của bà đang phải trả giá như thế nào khi clip quay những hành vi thiếu kiềm chế của bà bị tung lên mạng.

Thanh Thuỷ

Mời bạn đọc thêm: Sống xanh: Học cách im lặng

CÙNG CHUYÊN MỤC