Chợ quê
Vắng thưa rồi cái không khí chợ quê lao xao người mua kẻ bán. Dường như người đi chợ cũng e dè, họ gắng mua thật nhanh, về thật sớm bởi yêu cầu cách ly toàn xã hội…
Quê tôi hay có những chợ chồm hổm, do nhu cầu tự phát của người dân nên quy mô chợ cũng nhỏ xíu. Nhưng vui. Bạn hàng bán buôn trong chợ và người mua hầu như đều quen mặt nhau, bởi đều là người trong xóm ấp. Vậy nên mới có chuyện mỗi lần đi chợ đều “bị” chị em nài mua hàng, “chị Sáu ăn cá hông, cá biển nay tươi ngon nè”, “mua đồ nấu canh chua đi bà Sáu, cho bà thêm mớ bông so đũa nè”, “con mua gì con? Xoài chín cây đó con, ngon lắm”… Nếu là người mềm lòng, “khách hàng” sẽ bị xoay như chong chóng vì không biết mua của người nào, từ chối người nào, dù trước đó đã xác định mua những gì hay chưa.
Hàng hóa trong chợ quê phần lớn là lấy hàng từ mối lái dù là quy mô nhỏ, vì xóm ấp không thể cung cấp đủ nhu yếu phẩm. Nhưng cũng có nhiều bạn hàng bán đồ “cây nhà lá vườn” như mớ rau má, mớ cải nhà trồng, dăm ba trái bầu, trái bí, mấy con cá lóc đồng, mớ cá rô câu được,… ai có gì bán nấy. Các loại bánh bán trong chợ cũng là của người trong xóm ấp làm rồi mang ra bán, nào là bánh canh, bánh cam, bánh còng, bánh hỏi rưới mỡ hành, bánh da lợn, xôi bắp, xôi nếp… Ngồi chợ nhỏ là vậy, lời lãi có bao nhiêu, nhưng cũng có bạn hàng bán vì vui, vì nhớ không khí mua mua bán bán. Chợ chồm hổm ấp tôi có bà Tám xóm Chòi, ngày nào cũng có đồ nhà đem ra bán, có khi chỉ bán bốn trái bầu cũng họp chợ từ sớm đến lúc tàn. Bà có thể chia lại cho người trong xóm, nhưng bà Tám không muốn, bà muốn ngồi chợ, muốn nài người này ới người kia, vậy thôi.
Thảng hoặc, cũng có người xã khác xuống, trải miếng đệm bao, bán dăm ba trái cây vườn nhà. Khi thì cam, chanh, quýt, khi xoài, vú sữa, sa-pô-chê… từng cụm từng cụm nhỏ nhỏ nhìn thấy thương lắm. Mà hầu như các loại trái cây đều rất ngon dù không phải là hàng loại 1, loại 2, nhưng an toàn mà giá cả lại rẻ. Cái chợ chồm hổm lại có dịp lao xao, mua về dành ăn dần mà không cần phải đi tận chợ trung tâm xã hay chợ huyện.
Thỉnh thoảng, đi chợ quê cũng là một kiểu “bà tám” của các dì, các mẹ. Thấy hàng xóm đi ngang nhà là í ới “bà Sáu đi chợ hả, chờ tui đi với”, vậy là hai bà già chắp tay sau lưng, thủng thỉnh đi bộ lên chợ như đi du ngoạn và thầm thì “bà nghe gì chưa?…” Đến chợ là sẽ hỏi han người này người kia, dăm ba câu than vãn hoặc cười rộn rã góc chợ bởi câu nói đùa trêu nhau nào đó. Dường như người đi chợ sẽ có lý do để rề rà hơn, nán lại lâu hơn chút, thư giãn hơn chút nữa. Vậy đó, người ở quê đơn giản, thật thà sống yên lành, tình làng nghĩa xóm đều chan hòa. Dù có “nhiều chuyện” nhưng cũng chỉ là quan tâm xóm giềng, không cần nghĩ suy sống sao cho vừa lòng chòm xóm.
Nếp nghĩ, nếp sống ở quê cũng hình thành văn hóa chợ quê. Ngoại trừ các bạn hàng chuyên lấy hàng từ mối lái bán lại, còn lại bạn hàng khác không hoàn toàn vì mục đích kinh tế, người ta cần chính là một nơi để tụ họp chuyện trò, để kể nhau nghe chuyện làng chuyện xóm, để san sẻ chút tình, bán mớ bạc hà, cà chua cho thêm nắm bông so đũa, kiểu vậy.
Nhưng cả tháng nay, chợ quê thưa người hẳn. Truyền hình, truyền thanh phát thông tin dịch viêm phổi Covid-19 mỗi ngày. Nước ngoài bao nhiêu người chết, nước mình bao nhiêu người bị nhiễm rồi, nghe cách ly chỗ nào đó rồi… Nhất là sau ban hành cách ly toàn xã hội ngày 01/4, người dân lo sợ, cũng hạn chế ra đường hơn. Chợ vẫn được họp nhưng không xôm tụ như trước, người mua cũng tranh thủ mua cho lẹ để về, rồi phải đeo khẩu trang, vốn không quen với kiểu sống người nhà quê, nên không còn cà kê dê ngỗng như trước nữa. Chợ quê có bao nhiêu gian hàng đâu, nay lại vắng người mua nên đâm ra đìu hiu, trầm buồn hơn.
Tôi thấy nhớ không khí lao xao nhưng vui vẻ, có vẻ nài nỉ khách nhưng xởi lởi, có vẻ “nhiều chuyện” nhưng chân thành quan tâm. Chợ quê bây giờ như ngắc ngoải chờ dịch bệnh qua. Mà đến bao giờ dịch bệnh mới qua?
Miên Viễn