fbpx

Trước năm 2048, các đại dương có thể không còn cá

Kết cục này được giới khoa học cảnh báo trong bộ phim tài liệu về những hệ lụy của tình trạng đánh bắt cá quá mức đang đẩy các đại dương đến bờ vực của sự hủy diệt.

Bộ phim tài liệu Seaspiracy của đạo diễn Ali Tabrizi có thể khiến khán giả cảm thấy bị sốc và kinh hoàng trước những gì diễn ra trên màn hình.

Rác thải nhựa đang là mối đe dọa sự tồn tại của nhiều sinh vật đại dương

Sự thật đáng buồn và kinh hoàng

Một trong những tác nhân góp phần hủy diệt môi trường sinh thái biển là nhựa. Theo giới vận động môi trường, nhựa sử dụng một lần đang giết chết loài cá voi, cá heo… Tuy vậy, thủ phạm lớn nhất vẫn là con người. 

Tại Nhật Bản có hẳn một vùng biển mà loài cá heo bị tàn sát và bắt không thương tiếc.

Trong khi đó, tại Hồng Kông, 50% lượng vây cá mập trên toàn thế giới được xuất khẩu qua thành phố cảng này. Hoạt động mua bán mặt hàng này diễn ra tấp nập trong lúc không ai quan tâm đến tầm quan trọng của cá mập đối với hệ sinh thái toàn cầu. 

Theo giới hoạt động sinh vật biển, nếu không có cá mập trong đại dương, nhân loại sẽ bị diệt vong. Mặc dù chúng ta vẫn khăng khăng cho rằng cá mập là kẻ thù mà con người phải chế ngự.

Dựa vào các cuộc khảo sát biển trong vài năm qua, các nhà hoạt động cảnh báo sự thật đáng buồn và kinh hoàng: Trước năm 2048, các đại dương có thể không còn cá mập cũng như nhiều loại cá khác. Hiện tại, ước tính 50 triệu con cá mập bị bắt và giết nhầm mỗi năm. Không có ngành nào khác giết chết nhiều loài động vật như ngành đánh bắt hải sản.

Những chiếc tàu cá phục vụ nhu cầu ăn hải sản ngày càng tăng của con người

Hải sản thay thế từ thực vật là giải pháp

Vị đạo diễn bộ phim tài liệu đặt câu hỏi: Làm sao những người kêu gọi hạn chế sử dụng đồ nhựa lại có thể ăn cá, khi lưới đánh cá chiếm 48% lượng nhựa trong các đại dương và các loại ngư cụ khác chiếm phần lớn lượng nhựa còn lại? 

Theo vị đạo diễn, có sự mâu thuẫn đang tồn tại trong thông điệp kêu gọi hạn chế sử dụng đồ nhựa trong lúc ủng hộ đánh bắt thủy sản bền vững. Tabrizi cho rằng thông điệp quan trọng là mọi người nên ngừng hoặc giảm tiêu thụ cá nếu không muốn lượng nhựa từ lưới đánh cá tiếp tục tràn vào đại dương. 

Tabrizi chia sẻ thêm: “Hải sản bền vững là một khái niệm nửa vời. Một trong những loại hải sản mà tôi quyết định ngừng ăn là tôm, do nhận biết tình trạng lao động nô lệ tràn lan trong ngành đánh bắt, chế biến tôm.” 

Bộ phim nêu trên cũng đề cập mối liên hệ giữa sức khỏe của các đại dương và cuộc khủng hoảng khí hậu do con người gây ra. Không phải ai cũng biết 92% tổng lượng CO2 được lưu trữ trong hệ sinh thái biển. Chúng ta không thể ngăn tình trạng biến đổi khí hậu nếu không có biện pháp bảo vệ các đại dương. Và cách tốt nhất là để môi trường đại dương được yên ổn.

Tình trạng đánh bắt cá thương mại tràn lan là chỉ dấu báo trước sự tuyệt chủng của tất cả các loài cá và sinh vật biển, từ cá voi đến rùa, rạn san hô đến cá cơm. 

Tuy nhiên, bộ phim tài liệu kết thúc với một điểm tích cực: Hải sản thay thế như tôm được chế biến dựa trên thực vật có thể là giải pháp cho việc cứu các đại dương. Điều này là khả thi nếu nhiều người trong chúng ta sẵn sàng thay đổi thói quen ăn hải sản.

“Nếu bạn vẫn có thể ăn cá sau khi xem bộ phim này, thì chúng ta không giống nhau đâu,” vị đạo diễn nói nửa đùa nửa thật.

Thiệu Kiệt

(theo GreenQueen)

CÙNG CHUYÊN MỤC