fbpx

Thị trường ô tô Việt Nam trước những cơ hội và thách thức

Ngày 28/6, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký ban hành Nghị định số 70/2020/NĐ-CP quy định mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước cho đến cuối năm nay. Đây có thể coi là động thái kích cầu thị trường, tạo cơ hội cho ô tô nội địa, sau những ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch Covid-19.

Thị trường ô tô sẽ khởi sắc hơn?

Báo cáo bán hàng toàn ngành của Hiệp hội Các nhà sản xuất Ô tô Việt Nam (VAMA) cho thấy, tháng 5/2020, toàn thị trường Việt Nam đã tiêu thụ 19.081 xe (tăng 62% so với tháng 4 và giảm 33% so với tháng 5/2019). Như vậy thị trường đang dần phục hồi trở lại.

Lý giải về sự khởi sắc này, ông Võ Quốc Bình (Tổng Giám đốc Tập đoàn Bình Minh, chuyên doanh ô tô cũ) cho rằng, sau khi lệnh giãn cách xã hội chính thức được nới lỏng, các nhà sản xuất, các doanh nghiệp kinh doanh ô tô đã đẩy mạnh khuyến mãi để kích cầu. Song song đó là sự hỗ trợ giảm thuế trước bạ đến 50% của chính phủ. Các yếu tố này cũng đã góp phần làm thị trường ô tô sáng trở lại, tuy nhiên, sẽ rất khó để có thể gọi hiệu quả tốt ngay được.

Theo ông Bình, chính sách giảm 50% phí trước bạ nên được kéo dài hơn để kích cầu thị trường ô tô
Theo ông Bình, chính sách giảm 50% phí trước bạ nên được kéo dài hơn để kích cầu thị trường ô tô

“Khi chính phủ giảm 50% thuế trước bạ đối với các dòng xe lắp ráp trong nước để kích cầu dĩ nhiên là sẽ có hiệu quả cho các doanh nghiệp sản xuất và lắp ráp các thương hiệu ô tô trong nước. Tăng sức cạnh tranh với ô tô nhập khẩu làm thị trường đa dạng hơn. Việc ảnh hưởng đến sức tiêu thụ là sẽ có trong thời gian tới cho một số dòng xe phổ thông và các dòng xe sang lắp ráp trong nước, với điều kiện là các doanh nghiệp không cắt đi khuyến mãi hiện tại. Nhưng nếu nói có tăng sức tiêu thụ đột biến thì đến hết năm nay mới có thể đo được nhu cầu thị trường. Còn nếu chính sách giảm 50% thuế trước bạ kéo dài thì năm sau sẽ rất tốt cho thị trường ô tô.” – vị chuyên gia có hơn 20 năm kinh nghiệm trong ngành ô tô nhấn mạnh.

EVFTA vừa là thách thức vừa là cơ hội cho ô tô nội địa

Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam châu Âu (EVFTA) chính thức có hiệu lực sẽ tạo ra rất nhiều cơ hội và thách thức cho thị trường xe Việt Nam trong tương lai.

Từ góc độ thị trường, việc EVFTA có hiệu lực sẽ mang lại nhiều tín hiệu lạc quan ở nhiều lĩnh vực: tiêu dùng nhỏ lẻ, gia dụng, vận tải… Sức cạnh tranh của EVFTA mang lại cũng rất đáng kể, khi hàng loạt sản phẩm châu Âu vào Việt Nam sẽ được giảm mạnh thuế suất. Điều này làm dấy lên lo ngại về việc xe “nội” sẽ mất thị phần trên chính “sân nhà”.

Thực tế, khi được hỏi về việc chọn thương hiệu xe nội hay ngoại, anh Đặng Quốc Hào (ngụ Bình Thạnh, TP.HCM) thẳng thắn: “EVFTA có hiệu lực, xe châu Âu tầm trung vào thị trường Việt sẽ rất rẻ, thậm chí chênh lệch với xe trong nước chỉ độ vài trăm triệu. Tầm giá hơn 1 tỷ đồng hơn mà có Mercedes, Volvo, Volkswagen… chạy thì dĩ nhiên tôi sẽ chọn các xe này”.

EVFTA sẽ tạo cơ hội cho ô tô nội địa cạnh tranh với ô tô ngoại?
EVFTA sẽ tạo cơ hội cho ô tô nội địa cạnh tranh với ô tô ngoại?

Nhận định về quan điểm trên, ông Võ Quốc Bình cho rằng, định kiến xe nhập tốt hơn xe lắp ráp trong nước từ lâu đã ăn sâu vào nhận thức người tiêu dùng. “Xe nhập có đắt hơn 2% hay thậm chí 5%, người tiêu dùng vẫn sẽ ưu tiên xe nhập. Ngay cả bán lại cũng dễ, phụ tùng bây giờ có thể đặt mua (trừ một số dòng xe phổ biến không nhiều và khấu hao rất cao cũng như đối tượng thị trường tiêu thụ giới hạn). Khi EVFTA có hiệu lực, chính phủ không có chính sách ưu đãi nào cho xe lắp ráp trong nước thì ở các phân khúc cao cấp sẽ là sân chơi của xe nhập khẩu thôi. Theo tôi là cần phải có chính sách ưu đãi cho xe lắp ráp trong nước như Thaco, Vinfast… Cùng với đó, các doanh nghiệp này phải thực sự chú trọng về chất lượng cũng như các dịch vụ sau bán hàng.”

Như vậy, có thể thấy rằng, thị trường ô tô Việt đang có những chuyển biến đáng kể. Nghị định 70/2020/NĐ-CP được coi như là giải pháp “cứu” ô tô nội địa trong thời gian tới, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vừa giáng một đòn nặng nề. Cùng với đó là sự đe dọa cạnh tranh từ xe ngoại, khi EVFTA chính thức có hiệu lực. Ở chiều ngược lại, nếu các thương hiệu nội như Mazda, Vinfast… thực sự chú trọng chất lượng, cơ hội để họ cạnh tranh sòng phẳng với xe ngoại trên “sân nhà” vẫn sáng và xa hơn nữa, là việc vươn đến thị trường quốc tế. Cờ đã đến tay, liệu các thương hiệu ô tô nội có phất được không?

Liên Thượng

CÙNG CHUYÊN MỤC