Những quy tắc “bất quy tắc” của dòng ảnh đương đại
Quy tắc về “tỷ lệ vàng” là cái bị đả phá đầu tiên. Tôi muốn đặt chủ thể ở đâu là tùy cảm giác của bản thân, sao cứ phải áp vào những nguyên tắc nào đó, để rồi bảo rằng như thế sẽ “thuận mắt hơn”, trong khi có thể chính nghịch mắt mới dễ tạo cảm giác nghệ thuật hơn.
Quy tắc về đường chân trời. Tại sao cứ phải bắt tôi đứng thẳng để ngắm nhìn thực tại, khi chính cảm giác của mình đang đảo điên, nghiêng chao, biến đổi.

Quy tắc về “chỉ nên có một chủ thể trong khuôn hình”. Khi người ta muốn chuyển tải cảm giác về sự hỗn độn, những rắc rối phức tạp, đa đoan của dòng đời. Rồi thậm chí ánh nhìn (hệ quy chiếu) cũng có thể thay đổi tùy theo nhân sinh quan của người xem, hoặc thay đổi theo thời gian, không gian.
Quy tắc về độ rõ nét. Khi tác giả muốn nhìn thực tại dưới cái nhìn xuyên thấu không – thời gian, lúc đó sự chuyển động luôn ẩn tàng trong từng chất liệu. Hoặc dưới cái nhìn của cảm xúc, thực tại không phải lúc nào cũng cần phải rõ nét.
Quy tắc về màu nóng – lạnh. Thực tại luôn xuất hiện rất nhiều biến số ẩn tàng đan xen giữa những cấu trúc khác nhau để xuất hiện đồng thời, đâu thể cứ bảo rằng hễ chủ thể màu nóng thì nên chọn hậu cảnh màu lạnh để tạo tương phản. Việc xuất hiện trong nóng có lạnh hay trong lạnh có nóng được xem là bình thường ở hầu hết mọi tình huống bình thường của cuộc sống. Đôi khi cảm giác rất hạnh phúc xuất hiện trong nỗi buồn da diết, hoặc ngược lại, trong nụ cười rạng rỡ vẫn xuất hiện bao ưu tư trăn trở.
Quy tắc về độ tương phản. Trong một lát cắt cảm xúc, người ta có thể vừa mang dấu ấn nghiệt ngã, đau thương, nhưng đồng thời hàm ẩn cảm giác ngọt ngào dịu êm. Nơi đấu tranh gay gắt giữa dòng đời phức tạp, vẫn có thể ẩn tàng một hậu phương hiền dịu, ấm áp (gia đình, người tình,…)
Những cái khung vuông hay chữ nhật không nhất thiết buộc phải tồn tại. Việc tùy chọn những cấu trúc khung ngoài của biên hình hết sức đa dạng. Và thực sự còn rất nhiều “phá cách” khác nữa của dòng ảnh đương đại này.
NAG Trung Thu