fbpx

Cách dùng khẩu độ

Đơn giản, nhưng nếu đi sâu một chút cũng là điều thú vị…

Dùng khẩu độ như một cơ chế điều sáng, nghĩa là điều tiết lượng ánh sáng đi vào phim hay cảm biến theo cấu trúc không gian – mở lớn thì sáng vào nhiều, khép nhỏ thì sáng vào ít. Đây là định nghĩa cơ bản nhất, tuy nhiên vẫn có ít chuyện cần nói ở đây: Đúng sáng theo chuẩn của nhà sản xuất (nghĩa là chuẩn theo histogram), khi đặt các tham số hiệu chỉnh về vị trí giữa, hoặc theo mặc định ban đầu của nhà sản xuất. Đúng sáng theo cảm giác cá nhân, nghĩa là “có thể tối hay sáng” tùy theo sở thích của mỗi người. Khi tôi thích tối, thì tối chính là đúng sáng của tôi, ngược lại cũng thế. Chuẩn này có thể thay đổi tùy theo những giai đoạn cảm xúc khác nhau của cá nhân, thậm chí có thể bị ảnh hưởng bởi khuynh hướng của ai đó. Có một chuẩn thứ ba, chính là của người đặt hàng. Nếu khách hàng thích “sáng sáng”, mà ta chụp “tối tối” thì hỏng rồi. Khi đó khách hàng chính là người đặt chuẩn.

anh-nghe-thuat
Ảnh minh họa. NAG Trung Thu

Dùng khẩu độ như một yếu tố xác lập “chất lượng hình ảnh”: Bình thường thì vị trí khẩu độ trung tâm sẽ là khẩu độ tối ưu (the best aperture), nơi đó sẽ cho độ vi tương phản (micro contrast) của hình ảnh đạt ngưỡng cao nhất, độ sắc sảo của hình ảnh sẽ rõ ràng nhất. Giả như tôi thích dùng khẩu độ f/4 cho hình ảnh của mình, thì f/4 chính là khẩu độ tối ưu của tôi (mà bất chấp biểu đồ MTF). Vậy ta bắt gặp khái niệm “khẩu độ tối ưu theo sở thích cá nhân”. Và một dạng nữa, chính là “khẩu độ tối ưu theo nhu cầu khách hàng”. Nếu người ta thích chụp “chân dung xóa phông”, mà mình không đáp ứng được, thì công việc khó mà hoàn thành.

Dùng khẩu độ như một yếu tố “tạo tương tác giữa chủ thể và bối cảnh”. Đây là vấn đề liên quan đến “vùng ảnh rõ” (depth of field – DOF). Việc điều khiển hậu cảnh rõ hay mờ, mờ đến ngưỡng nào, chính là khả năng điều khiển của khẩu độ, Những ống kính có khẩu độ mở rất lớn, nhằm đáp ứng yêu cầu này, hơn là để “nhận thêm nhiều sáng hơn”. Một ống kính chỉ cần tăng thêm nửa khẩu độ, giá thành có thể đã tăng lên từ gấp đôi đến gấp chục lần hơn. Khi khép nhỏ khẩu độ (hầu đạt được độ rõ nét từ chủ thể đến bối cảnh), người ta sẽ hiểu rằng chủ thể và bối cảnh đồng hiện hữu. Khi khẩu độ mở lớn dần ra, khiến bối cảnh mờ dần đi (nhưng vẫn còn nhận diện được các chi tiết), người ta sẽ cảm nhận được bối cảnh chỉ còn mang giá trị hoài niệm, một chút gì đó còn lưu giữ trong ký ức hoặc hàm chứa cảm giác của quá khứ. Nếu vận dụng khẩu độ mở thật lớn đến mức hậu cảnh mờ nhòe hầu hết (chỉ còn là những mảng sắc độ đậm nhạt, hoặc bokeh mờ ảo), sẽ gửi đến người xem về một cảm giác của hư vô mờ mịt, mông lung huyễn ảo, như mộng như mơ, thực tại vô nghĩa…

Khi khép đến những khẩu độ thật nhỏ (giả như ống kính cho phép) như f/128, f/256, hiện tượng diffraction khiến độ vi tương phản của hình ảnh không còn, và khi đó việc “có thấu kính với không có thấu kính sẽ gần như nhau”. Đây chính là khuynh hướng thể hiện của dòng máy ảnh pin hole camera. Người ta chủ yếu phô diễn những mảng màu hay sắc độ, hơn là đường nét, các chi tiết hầu như không còn rõ nét nữa… Không biết đã đủ chưa, đó là những gì mình tích cóp từ mấy mươi năm cầm máy, hy vọng thỏa mãn phần nào nhu cầu tìm hiểu của chư quân.

NAG Trung Thu

CÙNG CHUYÊN MỤC