fbpx

Bấm máy – shooting

Chúng ta ai cũng hiểu rằng “hình ảnh” sẽ chỉ được thực hiện xuyên qua một thiết bị được gọi là “máy ảnh” (camera). Dù trong quá khứ đã từng có một số dự án tạo ra hình ảnh không thông qua máy ảnh, nhưng không dễ được mọi người chấp nhận. Còn ngày nay, người ta có thể thông qua các chương trình riêng trên máy tính để tạo tác ra hình ảnh cũng không cần dùng đến máy ảnh…

Ở đây, chúng ta sẽ không phân tích chi ly những vấn đề trên, nhưng có một thực tế, khiến nhiều người trăn trở, đó là “anh dùng thiết bị nào để thực hiện hình ảnh”. Trong quá khứ, đã có khá nhiều nhà nhiếp ảnh đã nhìn những máy ảnh dạng compact như một thứ chỉ để dành chụp ảnh lưu niệm gia đình, chẳng có giá trị sử dụng gì nhiều, khi cần tạo tác hình ảnh với những mục đích cao hơn. Có lẽ cũng nên để quá khứ khép lại, khi đã và đang có một số điện thoại di động thế hệ mới, có thể tạo ra được những bức ảnh ở ngưỡng kích thước 50 x 75cm với chất lượng hết sức đáng kinh ngạc. Vậy thì vấn đề đối với chúng ta ngày hôm nay khi đối diện với những tiến bộ vượt bậc của công nghệ, chúng ta sẽ thực hiện hình ảnh như thế nào, tính mục đích ra sao, đối tượng thưởng thức là ai… có lẽ sẽ là những yếu tố đáng quan tâm hơn rất nhiều, so với việc ta sẽ dùng thiết bị nào để ghi hình ảnh.

ky-thuat-nhiep-anh
Ảnh minh họa: NAG Trung Thu

Có một câu nói khá thú vị: “Người ta bấm máy với cái đầu, chứ không chỉ từ nút bấm”. “When people ask me what equipment I use – I tell them my eyes.” (Anonymous). Khi bấm máy, điều tôi luôn mong mỏi, đó là tìm cách trả lời những câu hỏi, vốn là những vấn nạn trong cuộc sống, để rồi khi thông qua những giải thuật cúa chính mình có thể phần nào tìm ra được những chân nghĩa của nó (Wynn Bullock).
Trong mỗi nhà nhiếp ảnh luôn có một triết gia ẩn tàng. Khi trong tâm cảm chẳng có gì thắc mắc về cuộc sống, về những vấn đề của nhân sinh thì có lẽ trái tim đã đập chậm rồi, hay đã lỗi nhịp chăng. Khi bằng lòng với những gì đang có, nhà nhiếp ảnh sẽ hết sức khó khăn trong việc đi tìm ý tưởng để sáng tạo (khi ăn no, người ta chỉ muốn đi ngủ thôi.). “When I photograph, what I’m really doing is seeking answers to things” (Wynn Bullock).

Vẻ đẹp – phân lập giữa “cái nhìn” và “cái thấy”

Khi người ta nói đến thuật ngữ “vẻ đẹp” (beauty), chúng ta sẽ chỉ giới hạn ngữ nghĩa của từ này trong lĩnh vực mỹ học mà thôi. Nghĩa là những gì có thể được vận dụng để chuyển hóa nó vào tác phẩm. Và như thế, chúng ta sẽ hiểu rằng, mọi chất liệu ở chung quanh mình đều có thể được dùng theo những cách khác nhau, những điều kiện, thủ pháp tương thích sẽ đều có thể trở thành những yếu tố được gọi là “beauty” (vẻ đẹp) của nghệ thuật.
“Seeing” (thấy), quả thật trong cuộc sống, có rất nhiều tình huống chúng ta đã nhìn (looking), nhưng không thấy. Và khái niệm “thấy” này, đôi khi cũng hàm chứa cả ngữ nghĩa như một yếu tố mang tính “khai mở”, “nhận biết”, hay “ngộ” (nếu nói theo thuật ngữ thiền – sẽ là đốn ngộ)… là “cái chợt thấy”, “chợt hiện ra”, “bóng tối chợt tan”. “Composing” (bố trí, sắp xếp lại), là vấn đề liên quan đến quyết định một cách có ý thức của nhà nhiếp ảnh, để chỉ chọn gì và không chọn gì, bố trí các chất liệu trong không gian hai chiều của bức ảnh như thế nào, sẽ chuyển tải ngôn ngữ hình ảnh ra sao, xuyên qua những thủ pháp nhiếp ảnh. Và như thế chúng ta sẽ thấy rằng, việc chộp bắt những khoảnh khắc có thể rất tuyệt vời, hoặc chỉ là những bức ảnh bấm vội, sẽ rất khác biệt với một tác phẩm ảnh, được nghiền ngẫm, suy tư, rồi thực hiện theo một tiến trình nghiêm khắc để hoàn thiện. Đương nhiên sẽ không ai nói rằng “snapshot” hay “photograph”, dạng nào là tuyệt vời nhất, mà tất cả đều tùy thuộc vào cách nhìn, hiểu cuộc sống ra sao, cũng như quyết định của nhà nhiếp ảnh… “Beauty can be seen in all things, seeing and composing the beauty is what separates the snapshot from the photograph” (Matt Hardy).

Nhiếp ảnh gia Trung Thu

CÙNG CHUYÊN MỤC