fbpx

Khô hạn nghiêm trọng tại châu Âu

Khi đợt nắng nóng bất thường tại châu Âu chưa dừng lại, nhiều quốc gia khu vực tiếp tục đối mặt với tình trạng khô hạn gây thiệt hại lớn cho mùa màng.

Một cánh đông ngô tại Pháp bị thiêu cháy vì nắng hạn. Ảnh: Reuters
Một cánh đông ngô tại Pháp bị thiêu cháy vì nắng hạn. Ảnh: Reuters

Cuộc sống nhiều người dân tại châu Âu bị đảo lộn, thiếu nước, mùa màng thất bát kể cả động vật hoang dã cũng bị tác động do khô hạn. Sau khi đạt kỷ lục mới về nhiệt độ khi có nơi lên đến hơn 45 độ C tại nhiều nơi, 2/3 lãnh thổ gặp khô hạn, Pháp đề ra các quy định nhằm khuyến khích người dân tại một số khu vực nước này hạn chế sử dụng lãng phí nước và chỉ sử dụng nước khi thật sự cần thiết như uống, nấu ăn…

Để ứng phó, nhiều nông dân các nước đang trồng các loại cây trồng chịu hạn và áp dụng các phương pháp tưới tiêu hiện đại hơn, nhưng hiệu quả vẫn chưa cao. Do đó, thời tiết cực đoan kéo theo những khó khăn trong đời sống kinh tế của nhiều nhà nông.

Trong khi dự báo tình trạng khô hạn tại nhiều khu vực châu Âu kéo dài cho đến hết tháng 9, chính quyền các quốc gia khu vực đồng thời kêu gọi người dân tự bảo vệ sức khỏe của mình trong mùa nắng hạn và hệ thống y tế sẵn sàng ứng cứu các bệnh thường gặp trong mùa nắng.

Tại Tây Ban Nha, các vườn nho và ruộng cà chua bị héo dần do không đủ nước tưới. Đây là năm thứ ba của thế kỷ này, Tây Ban Nha đối phó với tình trạng khô hạn tàn khốc. Mặc dù nông dân và cơ quan chức năng các địa phương nỗ lực tập trung nguồn nước tưới tiêu, song không phải loại cây trồng nào cũng được cứu.

Một đoạn sông Rhine (Đức) đang trơ đáy vì hạn. Ảnh: Reuters
Một đoạn sông Rhine (Đức) đang trơ đáy vì hạn. Ảnh: Reuters

Thời tiết khô hạn cũng đã ảnh hưởng đến một phần của Đức, Ba Lan, Cộng hòa Séc và các nước vùng Bắc Âu như Đan Mạch, Na Uy và Thụy Điển. Trong tháng 7 này, Litva đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp do khô hạn, dự kiến sẽ giảm một nửa sản lượng vụ mùa.

Blaz Kurnik – một chuyên gia của Cơ quan Môi trường châu Âu (trụ sở tại Copenhagen, Đan Mạch) nói, nắng nóng gay gắt thường đi kèm với khô hạn. Không phải bất cứ thời tiết tiêu cực nào cũng đổ lỗi cho biến đổi khí hậu. Nhưng những năm gần đây là thời điểm nóng nhất được ghi nhận ở châu Âu, minh chứng về sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu.

Các công ty bảo hiểm ước tính, châu Âu chi hàng tỷ USD cho những thiệt hại vì hạn hán năm ngoái. Ngoài ra còn có những tổn thất, hệ lụy không thể quy đổi thành tiền do nắng hạn như cháy rừng, tổn thương đa dạng sinh học mà phải mất nhiều năm mới phục hồi hoặc hoàn toàn không thể.

Châu Âu từ lâu đã được coi là một “nhà lãnh đạo” về biến đổi khí hậu. Nhiều quốc gia thuộc Liên minh châu Âu đã phác thảo các kế hoạch toàn diện để giảm thiểu tác động của thời tiết nắng nóng hơn và khô hơn trong những năm tới. Nhưng các chuyên gia cho rằng, điều đó dường như không đủ.

Nam Việt
Theo Quảng Nam Online

CÙNG CHUYÊN MỤC