fbpx

Chung tay giảm rác thải nhựa

Mỗi giây, trên thế giới có 1 triệu chai nhựa được bán ra. Mỗi ngày, người dân Hoa Kỳ vứt đi 500 triệu ống hút dùng một lần. Mỗi năm, trung bình có 5 tỷ túi nhựa được sử dụng trên hành tinh… gây khủng hoảng ô nhiễm rác thải nhựa.

Vì vậy, nhiều quốc gia trên thế giới đang chạy đua cải thiện môi trường sống. Ở Anh, bắt đầu từ năm 2023, Co-op, chuỗi siêu thị lớn của Anh, sẽ cấm các loại túi nilon sử dụng 1 lần nhằm góp phần giải quyết tình trạng ô nhiễm nhựa. Quyết định trên sẽ giúp loại bỏ 60 triệu túi đựng bằng nhựa.

Trước mắt, các loại túi giấy đựng đồ nhẹ có thể được sử dụng để mua sắm, sau đó tái sử dụng làm túi đựng rác, sẽ được cung cấp cho khoảng 1.400 cửa hàng của Co-op trên khắp nước Anh. Sau đó hãng sẽ mở rộng cho toàn bộ 2.600 cửa hàng. Tất cả loại túi của hãng này sẽ trở nên dễ dàng tái chế vào năm 2023. Hãng này cũng cam kết sử dụng tối thiểu 50% các loại nhựa tái chế làm chai, lọ, khay và giỏ vào năm 2021. Theo số liệu công bố hồi tháng 7 của Bộ Môi trường, thực phẩm và nông thôn Anh, doanh số bán túi nilon của 7 siêu thị lớn nhất của Anh đã giảm 86% kể từ khi chính phủ áp mức phí 5 pence (tương đương 0,07USD).

Rác thải nhựa đang gây khủng hoảng ô nhiễm môi trường.

Tại Pháp, cuộc chiến xem ra cam go hơn. Theo báo cáo của tổ chức Plastics Europe – đại diện cho các nhà sản xuất nhựa tại châu Âu, tỷ lệ tái chế bao bì nhựa đã qua sử dụng tại Pháp chỉ đạt 26,2% vào năm 2016, so với tỷ lệ trung bình 40,8% ở Liên minh châu Âu (EU). Pháp có 3.725 doanh nghiệp trong ngành công nghiệp nhựa sử dụng 108.280 người lao động, với tổng doanh thu 33,3 tỷ USD/năm.

Trong các nước thành viên EU, Pháp đứng gần cuối bảng về tái chế bao bì nhựa đã qua sử dụng, chỉ trên Phần Lan. Trong khi đó, đứng đầu bảng xếp hạng về tái chế nhựa đã qua sử dụng là Cộng hòa Séc (51,2%) và Đức (50,2%). Đây cũng là 2 nước EU duy nhất có tỷ lệ tái chế bao bì nhựa trên 50%. Bộ trưởng đặc trách chuyển đổi năng lượng Pháp Brune Poirson thông báo chính phủ Pháp dự định áp dụng từ năm 2019 hệ thống “malus-bonus”, có nghĩa một chai làm từ nhựa tái chế sẽ có giá thành rẻ hơn 10% so với chai làm từ nhựa nguyên sinh.

Bên cạnh đó, chính phủ Pháp sẽ đơn giản hóa việc phân loại rác và thống nhất trên khắp cả nước màu sắc thùng rác cho từng loại, tới năm 2020 sẽ áp dụng quy định trên nhãn hàng sẽ có logo chỉ dẫn sản phẩm có được làm từ nhựa tái chế hay không hoặc có thể tái chế được hay không. Hiện Pháp vẫn thiếu các cơ sở phân loại, tái chế rác nhựa. Cả nước Pháp chỉ có 39 nhà máy phân loại, làm sạch và nghiền rác nhựa phục vụ tái chế, chỉ đáp ứng được khoảng 25% nhu cầu.

Mới đây, bang California, Hoa Kỳ đã ban hành một dự luật cấm các nhà hàng có người phục vụ cung cấp sẵn ống hút nhựa cho khách hàng. Trước đó, tháng 9-2017, Seattle đã trở thành thành phố đầu tiên của Hoa Kỳ cấm ống hút nhựa, sau đó San Francisco, Santa Barbara, Malibu và nhiều thành phố khác cũng đã áp dụng lệnh cấm này. Gần đây, New Zealand và Chile cũng đã ban bố lệnh cấm đối với túi nilon.

Tương tự, Coca-Cola, Walmart cùng nhiều công ty đa quốc gia khác đã cam kết chung tay với Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) thúc đẩy chiến dịch giảm rác thải nhựa đại dương. Khoảng 8 triệu tấn rác thải nhựa đổ ra các đại dương mỗi năm, đe dọa nghiêm trọng môi trường sống của các sinh vật dưới biển. Giới khoa học cũng lo ngại những ảnh hưởng trong dài hạn của những hạt nhựa trôi nổi trong nước biển đối với sức khỏe của con người sau khi những hạt này theo các hải sản xâm nhập vào chuỗi thức ăn.

Hà Lam
Theo Sài Gòn Đầu tư

CÙNG CHUYÊN MỤC