Nghĩ về tuổi đời phân huỷ của cái bỉm
Khi nhìn thấy tấm bảng “Thời gian phân huỷ của các loại rác” trưng bày trong Ngày hội sống xanh tổ chức hôm 2/6, tôi giật mình khi nhìn thấy thông tin “450 năm: chai nhựa, tã em bé dùng một lần”. Cái vật dụng phổ biến trong các gia đình trẻ là tã giấy trẻ em hay gọi đơn giản là bỉm không ngờ kéo dài đời sống đến hơn 4 thế hệ con người!
Ngày nay, hầu như 100% các gia đình trẻ sống ở thành thị đều sử dụng tã giấy cho con, từ khi sơ sinh cho đến khi 2 – 3tuổi, tuỳ theo bé và cũng tuỳ theo thói quen của từng gia đình. Ước tính là trong 2 năm đầu đời, một đứa trẻ sử dụng hơn 3,000 cái tã giấy. Ngân sách mua sắm tã giấy hàng tháng của các gia đình trẻ không phải là ít, đứng thứ tư trong ngân sách chi cho bé trong những năm đầu đời, sau học phí, tiền sữa và tiền thực phẩm.
Mặc tã giấy cho bé tiết kiệm thời gian cho người lớn
Giờ chả còn mấy ai ở thành thị có trẻ sơ sinh trong nhà mà lại dùng tã vải. Tã vải hầu như biến mất trong các shop bán đồ em bé. Và khi đến các công viên hoặc khu vui chơi trong siêu thị, trung tâm thương mại, chúng ta đều thấy các bé chạy loăng quăng với cái mông phồng to vì tã giấy. Không chỉ sử dụng tã giấy cho con vào ban đêm hoặc khi đi ra ngoài như cân nhắc của các bà mẹ nhiều năm trước, giờ thì các mẹ bỉm sữa dùng tã giấy cho con cả ngày lẫn đêm, ở nhà cũng như khi ra đường.
Một người mẹ trẻ có đứa con trai gần 2 tuổi nói với tôi trung bình mỗi ngày chị thay 4 cái tã giấy cho con và mỗi tháng chị tốn khoảng 1 triệu đồng mua tã giấy. Chị bảo nếu ở nhà vào ban ngày chị hạn chế dùng tã giấy cho con và chỉ sử dụng chủ yếu vào ban đêm khi bé ngủ, tuy nhiên nếu bé đi học thì các cô vẫn sử dụng tã giấy vì bé chưa nói rành nên không biết kêu khi muốn tiểu tiện hay đại tiện.
Một gia đình trẻ khác có con trên 2 tuổi nói đã rành nhưng vẫn sử dụng tã giấy cho con ở nhà vào ban ngày. Dù ở trường đã tập cho bé không mặc tã nhưng vào ngày nghỉ ở nhà bé vẫn bị đóng tã. Hỏi thì mẹ bé nói ngắn gọn: “Không có thời gian dọn dẹp” vì lý do bé mê chơi quên kêu nên thường tiểu tiện ra nhà.
Ỷ vào tã giấy, cha mẹ trẻ chỉ có thói quen thỉnh thoảng thăm chừng cái tã thấy đầy thì thay chứ không biết canh giờ nhắc con đi tiểu hay đại tiện.
Một thị trường tiêu thụ béo bở vì tã giấy còn cần cho người già
Với khoảng 1,6 triệu trẻ em ra đời mỗi năm, Việt Nam là một thị trường hấp dẫn đối với các hãng sản xuất tã giấy. Ước tính Việt Nam hiện có 50 nhãn hiệu tã giấy và ba doanh nghiệp ngoại hiện đang chiếm tới 90% thị phần là Kimberly Clark (Hoa Kỳ) với sản phẩm Huggies, Procter & Gamble (Hoa Kỳ) với Pamper và Diana (Nhật Bản) với Bobby. Theo công ty nghiên cứu thị trường TNS, thị trường tã giấy Việt Nam tăng trưởng 28% một năm. Còn theo nghiên cứu riêng của hãng Merries Nhật Bản, thị trường tã giấy Việt Nam tăng trưởng trung bình trên 40% và sẽ càng tăng trong thời gian sắp tới.
Chính vì thế, không chỉ có thêm doanh nghiệp mới chen chân vào lĩnh vực này mà ngay cả các doanh nghiệp đã vững chân trên thị trường cũng không ngừng đầu tư thêm nhà máy và đổi mới công nghệ để củng cố và nới rộng thị phần. Chỉ tính riêng một nhà máy sản xuất tã giấy ở miền Bắc đã có công suất 1,4 tỷ miếng tã em bé một năm còn tã người lớn 65 triệu miếng/năm. Không chỉ tã giấy cho trẻ em mà tã giấy cho người lớn ở Việt Nam cũng ngày càng được sử dụng phổ biến.
Nên nghĩ đến sức khoẻ của trẻ để cân nhắc khi sử dụng
Chiếc bỉm dùng một lần trông bên ngoài có cấu tạo đơn giản nhưng thực chất lại khá phức tạp! Chúng cần khá nhiều vật liệu và hợp chất khác nhau để cấu tạo với chức năng chính là thấm hút tốt và ngăn chất bẩn trào ra bên ngoài. Trong đó, lớp ngoài cùng được làm bằng màng polyethylen (PE), còn lớp bên trong, nơi sẽ tiếp xúc với da em bé được làm từ polypropylene (PP, cũng được dùng trong đồ lót giữ nhiệt). Đây là những hợp chất tổng hợp từ nhựa rất bền, là nguyên nhân khiến cho một chiếc tã trẻ em có thời gian phân hủy lâu như vậy!
Điều nghịch lý là tã bỉm càng thấm hút tốt thì bé mặc càng nóng. Chưa kể có những phụ huynh hoặc người làm vì lười hoặc tiết kiệm thường đợi cho tã giấy thật nặng rồi mới thay cho bé, khiến bé bị ngứa ngáy khó chịu, dẫn đến việc bị hăm tã, vùng da quanh bẹn và mông bị nổi mẩn đỏ và gây ngứa. Trong hai năm đầu đời, hiếm có đứa trẻ nào xài tã giấy mà không bị một lần hăm tã, chưa kể với những bé có làn da nhạy cảm, bệnh hăm tã sẽ trở đi trở lại nhiều lần, khiến bé khó chịu và ngủ không ngon. Thế nên, ngoài việc tốn tiền mua tã giấy, các mẹ còn truyền tai nhau các cách chống hăm tã cho bé và luôn dự phòng những loại thuốc bôi ngoài da chữa bệnh hăm tã của bé.
Có lẽ việc kêu gọi các bà mẹ trẻ đừng xài tã giấy cho con là vô ích, chỉ mong sao các mẹ cân nhắc chỉ sử dụng tã giấy cho con vào ban đêm hoặc khi đi ra ngoài, còn ban ngày hãy tập cho bé có thói quen đi vệ sinh theo giờ hoặc tập cho bé kêu khi cần. Mặt khác, phụ huynh nên bắt đầu việc chấm dứt mặc tã giấy cho con khi bé 1 tuổi.
Ngày xưa, việc nuôi con thật đơn giản và dễ dàng. Vào nhà những ai có trẻ con, hình ảnh những chiếc tã vải bay phất phơ trên sào phơi đồ trông mới đáng yêu làm sao.
Thanh Thuỷ