Chọn nhiếp ảnh ý niệm
Với tiêu chí “ý niệm tiên khởi”, người ta xác lập giá trị thông điệp trước, rồi mới tiến hành các bước tiếp theo để hình thành tiến trình hình ảnh hóa…
Một số bước cơ bản đầu tiên của trường phái Ý niệm (conceptual photography):
- Chọn chủ đề tư tưởng (chọn niềm vui, nỗi buồn, cô đơn, trống vắng, nhiệt tình, hạnh phúc, khổ đau…)
- Chọn chất liệu để thể hiện ý tưởng này (bàn tay, dép rách, nón mê, vai trần, chân đất, dòng nước, lúa mùa…)
- Chọn thủ pháp để thể hiện (chọn khẩu độ mở lớn hay khép nhỏ, tốc độ chậm hay mau, ánh sáng dịu hay gắt, tập trung hay dàn trải, nhiệt độ màu nóng hay lạnh, đường nét thẳng hay cong hay khúc khuỷu gập ghềnh…)
- Chọn trang thiết bị tương thích (ống kính tiêu cự ngắn hay dài, khẩu độ mở lớn nhất nhằm xóa phông, flying-cam để có góc nhìn phù hợp, chân máy để xác lập các giá trị ước lệ động – tĩnh…)
- Chọn giải pháp xử lý như thế nào để tối ưu hóa chủ đề tư tưởng đó (phòng tối hay phòng sáng, các phần mềm tương quan…)
Cả năm yếu tố trên cần được hình thành một cách rõ ràng trước khi bấm máy, sẽ ít để lại lỗi trên tiến trình hình ảnh hóa… Ở một hướng cao hơn, người ta cần bổ sung thêm:
- Đối tượng thưởng thức là ai (để chọn ngôn ngữ hình ảnh phổ thông hay sâu lắng, ngôn ngữ bình dân hay bác học…)
- Không gian trình diễn nơi nào (trong phòng triển lãm, nơi phòng trưng bày để bán – gallery, in sách, đưa lên các phương tiện truyền thông hoặc đơn giản chỉ là các trang mạng xã hội…)
- Muốn người ta nhìn mình như thế nào (xuyên qua các chất liệu hình thành tác phẩm, người xem sẽ hình dung tác giả là ai…)
- Tương tác ngược giữa “người xem – tác phẩm – tác giả”, trong một mối liên hệ tổng hòa…
Đây là dòng ảnh có nguồn sinh lực mạnh mẽ, khả năng tồn tại thật cao, xuyên qua hầu hết các cấu trúc không thời gian, và có lẽ sẽ còn tồn tại lầu dài về sau nữa…
NAG Trung Thu