fbpx

4 nguyên lý của dinh dưỡng đúng

Buổi chia sẻ về chủ đề “Chiến lược sống khỏe” của bà Trần Lan Hương – chuyên gia tư vấn sức khỏe và dinh dưỡng, được chứng nhận bởi Hiệp hội thực hành không dùng thuốc Hoa Kỳ (AADP) do Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) tổ chức dành cho các phóng viên mảng y tế vào chiều ngày 20/8/2019 thật là bổ ích và thú vị.

Bà Trần Lan Hương – một chuyên gia tư vấn về sức khỏe và dinh dưỡng không cần dùng thuốc

Thực trạng sức khỏe của người Việt

Chiến lược sống khỏe hướng tới việc phòng ngừa bệnh tật theo bà Hương chỉ gói gọn trong ba giải pháp: dinh dưỡng đúng, thể dục vừa sức và kiểm soát stress.

Buổi chia sẻ hôm qua, bà Hương tập trung nói về việc thế nào là dinh dưỡng đúng, bởi theo bà, cơ thể của mỗi người được hình thành bởi những gì chúng ta uống và ăn, gọi chung là dinh dưỡng. Nếu “nguyên liệu đầu vào” tốt thì đầu ra mới tốt: nghĩa là mỗi người có quyền chọn lựa ăn uống cái gì, ăn uống bao nhiêu, nhưng nếu không có đủ thông tin, không chọn lựa đúng thì sẽ dẫn đến những vấn đề cho cơ thể. Người phương Tây thường nói: You are what you eat – dịch theo nghĩa đen là “Bạn là những gì bạn ăn”, có nghĩa là chế độ dinh dưỡng của mỗi người quyết định họ sẽ sống khỏe hay sống bệnh tật.

Bà Hương nói: “Chúng ta học đủ thứ về quản trị để kiếm tiền nhưng không được học quản trị bản thân, quản trị sức khỏe”

Theo nhiều tài liệu nghiên cứu y khoa, mỗi người chúng ta đều có một “ông bác sĩ tuyệt vời” đó là cơ chế tự chữa lành của cơ thể, nhưng nếu mỗi ngày chúng ta đều nạp vào những thứ độc hại thì cơ thể không thải nổi sẽ tích tụ lại. Thống kê về sức khỏe của người Việt trong 14 năm qua cho thấy: có 30% người trưởng thành bị cao huyết áp dẫn đến các hội chứng về tim mạch; trong 10 năm số bệnh nhân đái tháo đường tăng 210%, tăng nhanh nhất trên thế giới; còn tỷ lệ bệnh nhân tử vong do bị ung thư dạ dày cao gấp 5 lần so với khu vực. Còn trẻ em Việt Nam thì báo động tình trạng béo phì (chiếm trên 50% học sinh tiểu học ở TP HCM) nhưng lại thiếu vitamin D do ít vận động ngoài trời và thiếu kẽm (70%) do ít ăn rau và cá. Số liệu của WHO vào năm 2017: Việt Nam có 541.000 trường hợp tử vong do tất cả các nguyên nhân, trong đó tử vong do bệnh không lây nhiễm (như tim mạch, đái tháo đường, ung thư, suy thận..) chiếm tới 76%.

 Ai cũng quan tâm đến sức khỏe nhưng dinh dưỡng đúng vẫn là điều nhiều người chưa biết

Điều nghịch lý là chúng ta thường đề phòng hóa chất trong thực phẩm nhưng lại vô tư về hoá chất trong thuốc nên thường uống bổ sung đủ thứ loại vitamin và thực phẩm chức năng. Kết quả là chúng ta không chữa được cái gốc của bệnh: đó là dinh dưỡng sai và lối sống sai. Người Việt ăn mặn (món kho nhiều, ăn mì ăn liền nhiều, lượng muối nạp vào cơ thể mỗi ngày cao gấp hai lần khuyến nghị của WHO) nên bị cao huyết áp, bị suy thận; còn bị đái tháo đường type 2 là do ăn tinh bột gạo trắng nhiều và ít vận động. Chúng ta bị lập trình ăn uống sai nên bị bệnh. Điều đáng buồn là với chế độ ăn uống thực phẩm thức uống chế biến lẫn lộn nhiều thành phần như ngày nay thì thế hệ trẻ sau này sẽ bị bệnh cao huyết áp, đái tháo đường và ung thư sớm hơn thế hệ hiện tại.

Thế nào là dinh dưỡng đúng?

Dinh dưỡng đúng bao gồm 4 nguyên lý: Tự nhiên toàn phần, đa dạng, chủ yếu thực vật và lắng nghe cơ thể. Nếu 90% lượng thức ăn thức uống chúng ta nạp vào theo đúng 4 nguyên lý này thì 10% còn lại cho phép chúng ta ăn những gì mình thích (hoặc hòa đồng theo người khác).

Tự nhiên toàn phần: nghĩa là ăn thức ăn thật, chỉ có một thành phần, được trồng từ đất và nấu xong ăn liền. Ví dụ như ăn củ cà rốt trong salad hay hấp chín, nấu chín tốt hơn rất nhiều so với việc uống các viên bổ sung. Khi thực phẩm đã qua chế biến công nghiệp rất dễ bị biến chất và cho thêm hoá chất, nên cơ thể chúng ta sẽ không nhận diện đó là thức ăn và nó sẽ xử lý theo kiểu khác. Người Mỹ do lười ăn rau nên mới xuất hiện đủ loại viên uống bổ sung và thực phẩm chức năng bổ sung vitamin và khoáng chất nhưng không thể thay thế được chất dinh dưỡng trong rau củ quả thật.

Thực phẩm chế biến công nghiệp thường có nhiều thành phần, ít nhất từ ba thành phần trở nên, khi đó cần phải cảnh giác với những ký hiệu số, với những chữ “tinh luyện”, “tổng hợp”, “tách béo”…

Dinh dưỡng đúng bao gồm 4 nguyên lý: tự nhiên toàn phần, đa dạng, chủ yếu thực vật, lắng nghe cơ thể

Đa dạng: đa dạng chủng loại và màu sắc thực phẩm. Mỗi bữa ăn chúng ta cần nạp vào cơ thể ba chất: bột đường, đạm và béo. Ăn đa dạng chủng loại chẳng hạn như chất bột đường không chỉ có cơm mà còn có khoai củ, bắp, yến mạch, bánh mì ngũ cốc….; chất đạm không chỉ có thịt từ động vật mà còn có các loại đậu và nấm; chất béo không chỉ có dầu ăn hay mỡ động vật mà còn có các loại hạt, một số quả như quả bơ, cùi dừa.  Cái làm cho đường trong thực vật đi chậm vào cơ thể, không gây tăng đường huyết đột ngột có hại cho thành mạch là chất xơ trong rau củ. Chất xơ ràng các phân tử bột đường lại với nhau để nó đi vào cơ thể chậm và có điều tuyệt vời là chất xơ ăn bao nhiêu chui ra bấy nhiêu, nhưng lại có tác dụng quét ruột, thải độc.

Đa dạng màu sắc vì mỗi màu của rau củ quả đều có tác dụng bảo vệ sức khỏe.

Chủ yếu thực vật: mỗi bữa ăn nên có nhiều rau củ chứ không phải nhiều thịt từ động vật, do con người có răng hàm phát triển, được thiết kế để nhai chất xơ, còn đoạn ruột con người ngoằn ngoèo như loài động vật ăn cỏ chứ không ngắn như động vật chuyên ăn thịt. Tỷ lệ ăn 2 bữa chay một bữa mặn đang được nhiều chuyên gia khuyến khích.

Lắng nghe cơ thể: mỗi người là tạo vật duy nhất, không ai giống ai về nhu cầu năng lượng, nhóm máu nên chọn ăn chay hay mặn là tuỳ theo hoàn cảnh và sở thích.  Ăn chay hay ăn mặn chỉ khác nhau nhóm đạm: người ăn mặn lấy đạm từ động vật, còn người ăn chay lấy đạm từ thực vật (hoặc trứng/sữa – tùy theo trường phái).

Nếu thích ăn thịt từ động vật, bạn nên nhớ nguyên lý ăn ưu tiên: tốt nhất là chọn cá, thuỷ sản, gia cầm và hạn chế ăn thịt heo, bò, cừu –  gọi chung là thịt đỏ  Để ngừa ung thư, WHO khuyên không nên ăn quá 230gr thịt đỏ một tuần, tức mỗi ngày chỉ nên ăn 30gr thịt đỏ thôi.

Việt Nam tiêu thụ thịt heo nhiều nhất và lời khuyên là mỗi ngày bạn thay đổi một chút, ăn ít thịt đỏ, tăng lượng cá, thuỷ sản hoặc các loại đậu, hạt, nấm … chứ không cần ăn thuần chay.

“Trong dinh dưỡng đừng mắc bệnh thành tích bởi cái gì tốt mà nhiều quá cũng không tốt”

Và cuối cùng, bà Lan Hương kết luận: Các bạn không được mắc bệnh thành tích trong việc ăn uống, bởi cái gì tốt mà quá nhiều cũng không tốt. Khi nghe ai đó nói uống bổ sung thứ này hay thứ kia tốt phải xem xét kỹ lại coi cơ thể mình có cần hay không.  Tóm lại, khi đã có thông tin, bạn biết rằng ai cũng có quyền bán hàng nhưng mua cái gì, dùng bao nhiêu là do mình chọn lựa. You are what you eat, bạn phải nhớ đến điều đó.

Bài & ảnh: Thanh Thủy

CÙNG CHUYÊN MỤC