fbpx

Vì sao bạn thường hay “cáu kỉnh”?

Bác sĩ Larry Banta của Trung tâm Y tế West Valley, bang Idaho, Hoa Kỳ, chia sẻ: “Ai cũng thỉnh thoảng có lúc cáu kỉnh, nhưng nếu thường hay cáu kỉnh với bạn bè, gia đình hay đồng nghiệp, hãy đánh giá lại tâm trạng của bạn”. Dưới đây là những nguyên nhân phổ biến của sự cáu kỉnh, và cách bạn có thể làm để thay đổi tính khí, chống lại tâm trạng tiêu cực và tận hưởng một cuộc sống vui vẻ.

Chất caffeine

Tiêu thụ caffeine, ngay cả có chừng mực, có thể gây tâm trạng lo lắng. Caffein kích thích não, dễ trở thành chất gây nghiện. Ở những người nghiện caffeine, có thể trải qua các triệu chứng như đau đầu, mệt mỏi và ủ rũ.

Giải pháp: Chỉ nên tiêu thụ 200mg hoặc hai tách đồ uống chứa caffeine mỗi ngày.

Không ăn uống đầy đủ

Não cần glucose cho năng lượng, nếu lượng đường trong máu quá thấp, bạn có thể cảm thấy uể oải và khó tập trung khi làm việc.

Giải pháp: Để ngừa hạ đường huyết, hãy ăn các món nhẹ lành mạnh mỗi 3 tiếng đồng hồ.

Phòng ngủ

Có sự tương quan giữa giấc ngủ và tâm trạng của bạn. Tuy vậy, bạn vẫn có thể cảm thấy mệt mỏi và cáu kỉnh cho dù đi ngủ sớm. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh ngay cả ánh sáng mờ, như ánh sáng phát ra từ TV, đèn đọc sách hay đồng hồ báo thức, trong phòng ngủ có thể gia tăng các trường hợp trầm cảm. Ánh sáng làm giảm sự sản xuất hormone melatonin. Nếu lượng melatonin không ổn định, có thể gây xáo trộn giấc ngủ bình thường.

Giải pháp: Hãy kiểm tra đèn trước khi ngủ. Tắt tất cả các loại đèn và dùng đồng hồ hẹn giờ cho TV nếu điều đó giúp bạn dễ ngủ. Để cách xa đồng báo thức.

Chế độ ăn

Chế độ ăn nhiều chất béo chuyển hóa và chất béo bão hòa có liên quan đến gia tăng trầm cảm. Nhiều nghiên cứu mới phát hiện những cách ăn này có thể tác động tiêu cực đến nhận thức. Đồ ăn vặt và thức ăn nhanh ảnh hưởng tiêu cực đến sự kết nối giữa các tế bào não được gọi là các khớp thần kinh.

Giải pháp: Hãy chọn những thực phẩm chứa nhiều vitamin và chất khoáng để duy trì sức khỏe cơ thể trong ngày, thay vì thực phẩm chế biến sẵn, nhiều chất béo, tuy ngon miệng như không có năng lượng.

Tuyến giáp

Tuyến giáp là một tuyến giúp các hormone điều chỉnh sự trao đổi chất của cơ thể. Trong trường hợp suy giáp, sự thiếu hụt hormone tuyến giáp khiến bạn mệt mỏi, uể oải và chán nản. Tình trạng này có thể dẫn đến các triệu chứng khác như tăng cân, dễ bị cảm lạnh, da khô và nhợt nhạt, táo bón, móng tay và tóc dễ gãy.

Giải pháp: Nếu thấy xuất hiện các triệu chứng kể trên, hãy đến gặp bác sĩ để kiểm tra tuyến giáp, vì suy giáp có thể chữa trị được.

Thiếu ánh nắng

Vitamin D giúp cơ thể hấp thu canxi đúng cách và ảnh hưởng đến tâm trạng, vì thế thiếu hụt vitamin D khiến bạn cảm thấy xuống tinh thần. Thiếu hụt vitamin D ảnh hưởng đến lượng canxi trong máu, có thể tác động đến tâm trạng. Sự mất cân bằng canxi khiến bạn cảm thấy hơi bị trầm cảm. Thực phẩm chứa nhiều vitamin D gồm có cá béo, như cá ngừ và cá hồi, nhưng cũng nhận được từ ánh nắng mặt trời.

Giải pháp: Hãy tiếp xúc với ánh nắng trong vài phút mỗi ngày, là những gì bạn cần.

Làm việc quá nhiều

Nghiên cứu gần đây cho thấy những người làm việc nhiều hơn 50 giờ mỗi tuần có sự suy giảm về sức khỏe tinh thần, bao gồm cảm giác trầm cảm. Với nhiều người trong số này, làm việc nhiều hơn tạo ra thời gian để giải trí, cho bạn bè và gia đình.

Giải pháp: Hãy chọn một sở thích. Tham gia một nhóm, bắt đầu viết nhật ký hay đăng ký một lớp học nấu ăn. Việc dành ra chút thời gian nhàn nhã vào mỗi ngày hay mỗi tuần sẽ làm bạn không quá vùi đầu vào công việc và tập trung vào việc khác.

Mất nước

Nếu chờ đến lúc khát mới uống nước có lẽ là quá muộn. Ngay cả mất nước nhẹ cũng ảnh hưởng xấu đến năng lượng và tâm trạng của bạn. Nhiều nghiên cứu cho thấy suy nhược tâm trạng là do lượng nước trong cơ thể.

Giải pháp: Hãy uống nhiều nước. Uống 8 ly nước mỗi ngày. Nhưng cơ thể mỗi người khác nhau, vấn đề là duy trì việc giữ nước thích hợp.

Hải Đường
Theo Doanh Nhân Plus/ DoctorOZ & Share Care

CÙNG CHUYÊN MỤC