Váy dạ hội kim sa hợp mốt, được ‘dệt’ từ tảo
Chiếc váy thời trang cao cấp gây kinh ngạc vì kiểu dáng bắt mắt, phủ kim sa lấp lánh mà không có miếng polyester nào.
Nhà thiết kế thời trang Phillip Lim hợp tác với nhà thiết kế công nghiệp Charlotte McCurdy để tạo ra một chiếc váy không chứa nguyên liệu nhựa petroleum từ dầu thô mà được phủ kim sa làm từ nhựa sinh học.
Bắt kịp xu thế thời trang bền vững
Các lá nhựa sinh học có nguồn gốc từ tảo được khâu vào một tấm được làm từ sợi thực vật và có thể phân hủy sinh học. Yếu tố này giúp cho chiếc váy không chứa các chất dẫn xuất từ dầu thô như sợi tổng hợp, thuốc nhuộm và sequins nhựa, những thứ gần đây bị giới hoạt động môi trường chỉ trích vì mức độ ô nhiễm mà chúng gây ra.
Nhà thiết kế McCurdy chia sẻ: “Tính bền vững trong thời trang không chỉ gói gọn trong trang phục sử dụng vải dệt hữu cơ, có chất liệu tự nhiên hoặc tái chế. Nếu nghĩ đến mục tiêu kéo giảm lượng khí thải bằng không, chúng ta cần phải suy nghĩ về cách thay thế 60% hàng dệt may hiện đang được sản xuất từ nhiên liệu hóa thạch.”
Sự hợp tác này là một phần của dự án One X One nhằm kết nối các nhà thiết kế thời trang nổi tiếng với những người theo đuổi phương cách sản xuất bền vững.
Bà McCurdy đã tìm tòi, phát triển màng nhựa sinh học được làm hoàn toàn từ tảo biển đa bào, rong biển, bằng cách loại bỏ và cô lập carbon trong suốt vòng đời của nó, khiến cho vật liệu tạo ra là carbon âm.
Thử thách đối với các nhà thiết kế là tìm cách biến chất liệu không dệt thử nghiệm này thành trang phục sang trọng, cao cấp cho nhãn hiệu thời trang 3.1 Phillip Lim.
Thay thế kim sa từ nhựa
Do nhựa sinh học có dạng tấm chứ không phải sợi, nên các nhà thiết kế coi loại kim sa mới này là ứng dụng tốt nhất đồng thời thay thế sản phẩm nhựa thông thường.
Lâu nay, giới thiết kế thời trang khi làm trang phục gắn kim sa thì không thể tránh khỏi đụng đến polyester. Lịch sử của kim sa cũng thực sự thú vị bởi vì chúng bắt nguồn từ tập tục khâu đồng xu vào cơ thể. Chất liệu này được coi là một cách để thể hiện sự giàu có, phong lưu của người mặc.
Còn hiện tại, trong bối cảnh đại dịch, thời trang kim sa mang ý nghĩa biểu tượng khi kết nối chúng ta với cảm giác được an toàn.
Các tấm nhựa sinh học của McCurdy được tạo ra bằng cách cho tảo tiếp xúc với nhiệt, khiến chúng liên kết với nhau trước khi đổ vào tấm khuôn đặt làm riêng để đóng rắn và đông cứng.
Để phù hợp với độ sáng và độ cứng đặc trưng của kim sa sản xuất theo phương pháp truyền thống, McCurdy đúc vật liệu này trong một khuôn sâu hơn làm bằng thủy tinh để đảm bảo mức độ phản chiếu của chất liệu trên sản phẩm cuối cùng.
Được cắt ra theo hình dạng cong như chiếc ngà, các sợi kim sa tạo ra hiệu ứng gợn sóng dọc theo chiều dài của chiếc váy chữ A gợi nhớ đến những sợi tua rua rong biển.
Đáng lưu ý, màu xanh lá cây trong suốt, thanh tao của chất liệu kim sa có được từ các sắc tố khoáng.
Theo nhà thiết kế, phần lớn thuốc nhuộm và chất màu hiện đại có nguồn gốc hóa dầu, trong lúc loại kim sa mới cho thấy cách tiếp cận phương pháp sản xuất sơn dầu, có liên quan đến bột màu khoáng.
Thiệu Kiệt
(theo Dezeen)