Ung thư bàng quang bị tấn công và tiêu diệt bởi virus cảm lạnh thông thường
Hôm 5/7/2019, BBC News đưa tin một nghiên cứu nhỏ ở trường đại học Surrey (*) cho thấy một chủng virus lạnh thông thường có khả năng lây nhiễm và tiêu diệt các tế bào ung thư bàng quang.
Tất cả các dấu hiệu của bệnh biến mất ở một bệnh nhân. Còn 14 bệnh nhân khác có bằng chứng cho thấy các tế bào ung thư đã chết. Các nhà nghiên cứu của đại học Surrey cho biết loại virus này có thể “giúp thay đổi hẳn việc điều trị” bệnh ung thư bàng quang và giảm nguy cơ tái phát. Một tổ chức từ thiện về bệnh ung thư bàng quang gọi đây là nghiên cứu “rất thú vị” nếu các nghiên cứu lớn hơn xác nhận phát giác này.
Ung thư bàng quang không xâm lấn (hay không di căn) là bệnh ung thư phổ biến thứ 10 ở Anh, với khoảng 10.000 trường hợp mới mỗi năm. Các phương pháp điều trị hiện tại cho ung thư bàng quang có thể gây xâm lấn hoặc xảy ra các tác dụng phụ độc hại cho toàn bộ cơ thể. Bên cạnh đó, sau điều trị, bệnh nhân vẫn cần phải theo dõi liên tục và tốn kém trong 5 năm sau để chắc chắn rằng bệnh ung thư không quay trở lại.
Diễn tiến việc thử nghiệm với 15 bệnh nhân
Trong nghiên cứu này, 15 bệnh nhân mắc bệnh ung thư bàng quang không xâm lấn đã được tiêm virus gây cảm lạnh thông thường mang tên coxsackievirus (CVA21) thông qua ống thông bàng quang một tuần trước khi phẫu thuật để loại bỏ khối u. Khi các mẫu mô được phân tích sau phẫu thuật, có dấu hiệu virus đã nhắm mục tiêu và tiêu diệt các tế bào ung thư trong bàng quang. Một khi các tế bào này đã chết, virus sau đó đã sinh sản và lây nhiễm vào các tế bào ung thư khác nhưng kỳ diệu thay, tất cả các tế bào khỏe mạnh khác vẫn còn nguyên. Giáo sư Hardev Pandha thuộc đại học Surrey và bệnh viện Hoàng gia Surrey – trưởng nhóm nghiên cứu – cho biết: Những gì virus CVA21 làm là đặc biệt.
Ông giải thích: “Virus xâm nhập vào tế bào ung thư và giết chết chúng bằng cách kích hoạt protein miễn dịch, dẫn đến sự tham gia của các tế bào miễn dịch khác. Thông thường, các khối u trong bàng quang “lạnh” vì chúng không có tế bào miễn dịch để chống lại ung thư. Nhưng sự xâm nhập của virus CVA21 khiến chúng bị “nóng”, dẫn đến phản ứng của hệ miễn dịch cơ thể.
Giáo sư Pandha cho biết loại virus tương tự cũng đã được thử nghiệm trên ung thư da, nhưng đây là lần đầu tiên các nhà khoa học đưa virus này vào thử nghiệm lâm sàng cho các bệnh nhân ung thư bàng quang. Điều khả quan nhất là virus CVA21 đã khiến các tế bào ung thư bị chết và loại bỏ tất cả dấu vết bệnh ở một bệnh nhân chỉ sau một tuần điều trị mà không gây ra tác dụng phụ đáng kể nào ở các bệnh nhân.
‘Kỷ nguyên mới trong điều trị’
Allen Knight, chủ tịch của Action Bladder Cancer UK cho biết kết quả nghiên cứu là “rất thú vị”. Ông nói: Ung thư bàng quang tốn kém chi phí nhiều hơn cho mỗi bệnh nhân so với các bệnh ung thư khác vì tỷ lệ tái phát cao. Nếu dữ liệu về tính an toàn, khả năng dung nạp và hiệu quả như trên được xác nhận trong các nghiên cứu và thử nghiệm lâm sàng lớn hơn, thì điều đó báo trước một kỷ nguyên mới trong điều trị cho bệnh nhân ung thư bàng quang không xâm lấn.
Tiến sĩ Mark Linch, một chuyên gia về ung thư bàng quang tại Viện Nghiên cứu Ung thư Vương quốc Anh tại đại học College London, cho biết kết quả ban đầu là “đáng khích lệ”. Ông nói: “Sẽ rất thú vị khi xem liệu pháp trị liệu dựa trên virus mới này tiến hành như thế nào trong các thử nghiệm lớn hơn ở những người bị ung thư bàng quang không xâm lấn , đặc biệt là kết hợp với các liệu pháp miễn dịch khác”.
Anh Mi lược dịch
Theo Philippa Roxby/BBC News
(*) Đại học Surrey là một trường đại học nổi tiếng, nằm tại hạt Surrey của Anh Quốc, nơi đào tạo nhiều nhân tài cho nước Anh và thế giới, được xếp hạng là một trong số các trường đại học có trung tâm nghiên cứu hàng đầu ở Anh Quốc.