fbpx

Trị liệu bằng cây: liệu pháp từ shinrin-yoku của Nhật Bản

Shinrin-yoku hay tắm rừng đã trở thành môn giải trí ở Nhật Bản, bởi việc này có thể làm giảm căng thẳng và thậm chí chữa lành cơ thể của chúng ta. Ở phương tây, người ta dùng cụm từ Tree Therapy hay còn gọi là cách trị liệu bằng cây.

Việc dành thời gian bên cạnh thiên nhiên thực sự giúp chữa lành cơ thể và tâm trí của chúng ta – Ảnh: Tetsuya Tanooka/plainpicture

Hàng ngày, con người hiện đại bị “xích” vào bàn làm việc với màn hình máy tính trước mặt, chưa kể điện thoại thông minh đi cùng chúng ta mọi lúc mọi nơi và những căng thẳng của cuộc sống đô thị hàng ngày dường như không thể vượt qua. Với hơn 7 triệu năm tiến hóa của loài người, chúng ta đã dành ít hơn 0,1% thời gian đó để sống ở các thành phố – và chúng ta vẫn chưa thích nghi hoàn toàn, bởi cơ thể của chúng ta được xây dựng là để sống giữa thiên nhiên.

Đến lúc đó, những người bạn cũ của loài người – những cái cây – có thể giúp đỡ chúng ta. Hầu hết chúng ta đều cảm thấy một hiệu ứng nhẹ nhàng từ việc dành thời gian trong một khu rừng, hoặc thậm chí chỉ là dành thời gian đến công viên địa phương hoặc những khu phố, dòng sông… được bao quanh bởi cây xanh. Nghiên cứu từ Nhật Bản cho thấy thực sự có một lý do cho việc này: đó là việc dành thời gian bên cạnh thiên nhiên thực sự giúp chữa lành cơ thể và tâm trí của chúng ta.

Trị liệu bằng cây là một loại điều trị phòng ngừa cần thiết cho mọi người – Ảnh: Rich Legg/Getty Images

Ở Nhật Bản, thuật ngữ shinrin-yoku là một cụm từ phổ biến. Dịch theo nghĩa đen có nghĩa là tắm rừng – tức là  hòa mình vào thiên nhiên để gia tăng sức khỏe và việc này đã trở thành môn giải trí cấp quốc gia. Thuật ngữ này được đặt ra vào năm 1982 bởi bộ trưởng Lâm nghiệp Tomohide Akiyama, thúc đẩy một chiến dịch của chính phủ nhằm gia tăng đến 25 triệu ha rừng, nâng diện tích rừng ở Nhật Bản chiếm 67% diện tích đất. Ngày nay, các tour du lịch trọn gói shinrin-yoku được cung cấp bởi hầu hết các cơ quan du lịch, với các cơ sở trị liệu rừng chuyên dụng trên khắp Nhật Bản. Ý tưởng là bạn đóng toàn bộ tâm trí, hòa mình vào thiên nhiên và để những “thầy thuốc cây xanh” trong rừng làm nốt phần còn lại.

Có vẻ như rõ ràng rằng chỉ cần tránh xa thói quen hàng ngày sẽ làm giảm căng thẳng của bạn, nhưng theo Yoshifumi Miyazaki, giáo sư tại đại học Chiba và là tác giả của một cuốn sách về shinrin-yoku, tắm rừng không chỉ mang lại lợi ích tâm lý mà nó còn mang đến cả tác dụng sinh lý.

Khi bạn đi dạo trong rừng, nồng độ cortisol trong máu sẽ giảm, điều đó có nghĩa là bạn sẽ bớt căng thẳng hơn – Ảnh: River Thompson/Stocksy/Guardian

Ông Miyazaki nói: Mức độ cortisol (*) của bạn tăng lên khi bạn cảm thấy căng thẳng và giảm khi bạn đang thư giãn. Chúng tôi phát hiện ra rằng khi bạn đi dạo trong rừng, nồng độ cortisol trong máu sẽ giảm, điều đó có nghĩa là bạn sẽ bớt căng thẳng hơn. Những lợi ích sức khỏe này có thể kéo dài trong vài ngày, có nghĩa là việc trị liệu bằng cây vào cuối tuần có thể thúc đẩy sức khỏe bền vững trong những ngày làm việc.

Nhóm nghiên cứu của ông Miyazaki nghĩ rằng tắm rừng cũng có thể tăng cường hệ thống miễn dịch, khiến chúng ta ít bị nhiễm trùng và căng thẳng – điều kiện để hình thành những khối u. Hiện tại, họ đang nghiên cứu tác dụng của shinrin-yoku đối với những bệnh nhân đang trên bờ vực suy giảm sức khỏe. Trị liệu bằng cây là một loại điều trị phòng ngừa cần thiết cho mọi người.

Những cabin bằng gỗ trong rừng Blackwood dành cho một kỳ nghỉ Tree Therapy của công ty Hoseasons – Ảnh: Hoseasons

Học tập Nhật Bản, nước Anh hiện có rất nhiều nơi tổ chức các buổi trị liệu bằng cây, chẳng hạn như Forest Holiday là một công ty được điều hành một phần bởi Ủy ban Lâm nghiệp, cung cấp các kỳ nghỉ trong cabin gỗ tại nhiều địa điểm trên khắp nước Anh, thậm chí có thể đưa khách đến các buổi tắm rừng tại Hampshire như rừng Blackwood và rừng Thorpe ở Norfolk.  Tương tự, Forest Therapy từ Scotland điều hành các chuyến đi tắm rừng có hướng dẫn viên thường xuyên ở nhiều địa điểm khác nhau trên khắp Scotland. Và, tất nhiên, nếu không có gì ngăn cản bạn thì chỉ đơn giản là bạn thả bộ một mình hoặc hẹn hò cùng vài người bạn đến thăm một khu rừng hoặc ngồi lặng yên trong công viên.

Hãy tắt điện thoại và tận dụng tối đa năm giác quan của bạn – nhìn ngắm cảnh vật, chạm vào cây, ngửi vỏ cây và hoa, lắng nghe âm thanh của gió hoặc thác nước – Ảnh: Tripadvisor

Khi bạn đến được khu rừng, hãy tắt điện thoại và tận dụng tối đa năm giác quan của bạn – nhìn ngắm cảnh vật, chạm vào cây, ngửi vỏ cây và hoa, lắng nghe âm thanh của gió hoặc thác nước, và nhớ mang theo một bữa ăn ngoài trời cùng với một bình trà.

Nghiên cứu của Miyazaki cho thấy những hiệu ứng tương tự có thể đạt được bằng cách hòa nhập vào một không gian xanh hoặc một công viên địa phương, hoặc ít nhất cũng trồng cây trong nhà hoặc để trên bàn làm việc của bạn. Dữ liệu cho thấy việc tắm rừng có tác dụng mạnh nhất, nhưng vẫn có những tác động sinh lý tích cực từ việc bạn đến thăm một công viên địa phương hoặc giữ cây và hoa lá trong nhà và nơi làm việc.

Nếu bạn thực sự mong muốn thư giãn thì trong khi đang làm việc căng thẳng, ông Miyazaki cho rằng bạn chỉ cần nhìn vào một bức ảnh hoặc video về phong cảnh thiên nhiên cũng có tác dụng tương tự, mặc dù không tốt bằng. Hãy thử tìm kiếm các video tắm rừng trên YouTube nếu bạn cần thư giãn tạm thời.

Đôi khi chúng ta cần giao tiếp với thiên nhiên để được cân bằng tinh thần và hồi phục về thể chất – Ảnh: Lucas Ottone/Stocksy United

Loài người đã từng sống ngoài trời hàng thiên niên kỷ. Cuộc sống tại các đô thị mang đến tất cả các tiện ích nhưng đôi khi chúng ta cần giao tiếp với thiên nhiên để được cân bằng tinh thần và hồi phục về thể chất.

Vào mùa Xuân, trong rừng vang dội âm thanh của những tiếng chim. Hoa đang nở rộ và sự phát triển của những mầm lá mới với màu xanh non mềm mại và bạn có thể nghe thấy mùi nhựa cây đang trỗi dậy. Mùa Hè, bầu trời cao và không khí ấm hơn, rừng vang rền tiếng côn trùng trong khi một số cây rơi vào im lặng, đong đưa trong gió và nắng.  Vào mùa Thu, tán lá chuyển sang một bảng màu mới, trong khi mặt đất có sự bùng nổ màu sắc của các loại nấm.  Khi những chiếc lá cây cuối cùng rơi xuống cuối mùa Thu, chuẩn bị phủ màu trắng u sầu của mùa Đông, thì thảm lá thu dưới chân bạn cũng kịp vang lên những tiếng giòn giã như tiếng nhạc.

Vào mùa thu, tán lá chuyển sang một bảng màu mới, trong khi mặt đất có sự bùng nổ màu sắc của các loại nấm – Ảnh: Liam Grant/Stocksy

Niềm vui thực sự của rừng là sự chuyển động và các cây trong rừng luôn luôn thay đổi sắc thái, vì thế không có chuyến thăm rừng nào của chúng ta giống nhau. Lần sau luôn khác với lần trước và điều đó quyến rũ những người yêu cây, yêu rừng.

Anh Mi lược dịch và tổng hợp

Theo Guardian và Yorkshiretea

(*) Cortisol:  đó là hormone steroid do tuyến thượng thận tiết ra. Các tuyến thượng thận nằm phía trên quả thận, có chức năng giúp bạn sử dụng đường (glucose) và chất béo để tạo thành năng lượng, đồng thời cortisol cũng giúp cơ thể bạn phản ứng lại stress và các trường hợp nguy hiểm. Đây là một phản ứng bảo vệ tự nhiên xảy ra khi ta nhận thức được mối đe dọa hoặc nguy hiểm

Mời bạn đọc thêm: Cuối tuần đi nghe kể chuyện nghệ thuật tắm rừng ở Nhật

 

CÙNG CHUYÊN MỤC