Tiếc cho chương trình Âm nhạc Việt Nam
Chương trình mang cái tên rất lớn Âm nhạc Việt Nam khi xuất hiện đã gây không ít tò mò và kỳ vọng nhưng đáng tiếc, thực tế diễn ra không được như mong đợi.
Khi thị trường biểu diễn ở TP.HCM rất trầm lắng thời gian qua, sự xuất hiện bất ngờ của chương trình mang cái tên rất lớn Âm nhạc Việt Nam, với chủ đề Huyền thoại diễn ra ở nhà hát Hòa Bình cuối tuần qua, khiến không ít người tò mò quan tâm. Chương trình này có mặt rất nhiều nghệ sĩ, trong đó có những nghệ sĩ kỳ cựu mà không dễ để mời họ tái xuất trở lại như Bảo Yến, hay những ca sĩ nổi tiếng mà lâu nay họ khá hạn chế chạy show, hầu như chỉ biểu diễn cho phòng trà của mình như Cẩm Vân – Khắc Triệu. Bên cạnh đó là các giọng hát nổi tiếng hải ngoại như Đức Huy, Bằng Kiều, Thanh Hà… Có cả hiện tượng đang nổi trên mạng như Jack, K-ICM…
Về tiết mục của hai ngôi sao kỳ cựu
Nữ ca sĩ Bảo Yến trình bày 2 ca khúc khá quen thuộc của chị trong những cuốn băng từ thập niên 80: Biển tím, Áo trắng thiên thần. Hai bài hát này trong cuốn băng cassette Gò Công và cũng là 2 bài hát có độ nổi tiếng rất khiêm tốn với những ca khúc khác trong cuốn băng, càng không thể so với hàng loạt ca khúc đã đánh dấu tên tuổi của chị suốt những năm 80, 90, cho dù Áo trắng thiên thần là một ca khúc có nội dung ý nghĩa đi nữa.
Có lẽ do người biên tập chương trình quá yêu thích mà đề nghị Bảo Yến hát lại bài hát mà rất hiếm khi chị biểu diễn trên sân khấu. Khán phòng vẫn giòn giã tiếng vỗ tay, kêu gọi tên chị đầy phấn khích, giọng hát Bảo Yến vẫn đầy phong độ, nếu không muốn nói là rất hay. Nhưng có lẽ khán giả muốn và cần nghe những bài hát thực sự làm nên “huyền thoại âm nhạc” này hơn, như cách dùng từ của MC kiêm biên tập chương trình. Như vậy thì nó hợp với nội dung tôn vinh những giọng ca huyền thoại và những bài hát nổi tiếng của họ hơn.
Với một người nổi tiếng khác cùng thời với Bảo Yến, đặc biệt là những ca khúc nhạc đỏ, là Cẩm Vân. Hai ca khúc Cẩm Vân trình bày: Chiều một mình qua phố, cùng chồng song ca bài Thương nhau ngày mưa không hề dở, là những bài chị thường hát trên sân khấu nhiều năm qua nhưng trước hết, người ta mong nghe, nếu không là Bài ca không quên thì cũng Đêm thành phố đầy sao, Thành phố tình yêu và nỗi nhớ, Ngôi sao cô đơn … Thật đáng tiếc , không hiểu vì lý do gì khi Cẩm Vân chỉ hát không nhạc đệm một vài câu trong bài Thành phố tình yêu và nỗi nhớ cho MC dẫn vào phần xuất hiện của chị!
Chương trình hơi tham khi muốn vẽ nên một bức tranh âm nhạc trong khuôn khổ một chủ đề mang tên Huyền thoại nhưng nội dung chương trình thì có sự khập khiễng giữa các tiết mục và cho thấy cả sự lúng túng của nhà tổ chức, người thực hiện khi làm sao để cân đối được chủ đề và sự xuất hiện của gà nhà trong đêm diễn.
Cái hay chen lẫn cái không hay
Khá tiếc khi Âm nhạc Việt Nam là một chương trình có ý tưởng tốt, có đầu tư kịch bản; dẫn dắt của MC khá sinh động. Trác Thúy Miêu không chỉ tỏ ra rất hợp với những chiếc áo dài được thay đổi liên tục cho mỗi tiết mục mà ăn khá ăn ý với những phần trình diễn kế tiếp mà cô giới thiệu. Tuy nhiên, phần dẫn dắt vì thế đôi lúc hơi mang đậm tính cá nhân về sở thích của mình với những nghệ sĩ tham gia chương trình.
Ngoài phần chính, có lẽ cũng là thời gian trải nghiệm chính của MC – âm nhạc những thập niên 80, 90, còn lại thì phần dẫn nhập với Dạ cổ hoài lang, Đêm gành hào nghe điệu hoài lang, trích đoạn Hòn vọng phu không đầy đủ (chỉ thể hiện bài 1, 2) tuy hay nhưng khá sơ sài, chưa đủ để gánh cả một giai đoạn âm nhạc ở chương đầu của chương trình. Khi xem chủ đề kỳ này của Âm nhạc Việt Nam: Huyền thoại, người ta dễ hoang mang vì rốt cuộc là chương trình chọn thể loại huyền thoại nào, khi thì huyền thoại của tác phẩm được biểu diễn, khi thì huyền thoại chính là ca sĩ biểu diễn. Dù thể hiện rất khéo léo như chủ đề và tên gọi, nhưng không khó để nhận ra nhân vật chính của đêm Huyền thoại chính là ca sĩ trẻ của dòng bolero Quang Hiếu, được ưu ái xuất hiện nhiều lần trong chương trình, hơn bất cứ ngôi sao nào cùng tham gia. Sự nhất quán xuyên suốt không có nên khi diễn viên “đi hát là tay ngang” Minh Luân xuất hiện với Đêm buồn phố thị, hiện tượng mạng Jack và K-ICM hát Bạc phận, Hồng nhan đang hot trên mạng khiến chương trình có phần thập cẩm và phần cuối bị lạc lõng. Và những phần này thì dẫn dắt của MC cũng thực sự đuối luôn so với những tư liệu, ngôn từ phong phù ngồn ngộn ở những màn trình diễn của Bảo Yến, Cẩm Vân, Đức Huy…
Sự xuất hiện của những giọng hát chuyên nghiệp có kinh nghiệm đứng trên sân khấu từ trên 20 năm trở lên với những ca sĩ trẻ như Hà Vân không có độ vênh là mấy, nhưng với những ca sĩ lần đầu bước lên sân khấu lớn như Thúy Hà, Mỹ Phượng… thì rõ là có. Những giọng ca không mới, được biết một cách vừa phải trên youtube của dòng nhạc trữ tình này hoàn toàn chưa đủ bản lĩnh xuất hiện trên sân khấu lớn. Vai chính chương trình là “hoàng tử bolero” Quang Hiếu hát khá tốt, nhưng biểu cảm, lối trình diễn chưa dày dạn sân khấu. Đáng tiếc, không hiểu sao phần trình diễn của Quang Hiếu lại có cả… hát nhép, với âm thanh cách biệt quá lộ so với các nghệ sĩ khác và với chính cả phần trình diễn của nam ca sĩ này trước đó. Màu của chương trình vì thế cũng không mượt mà khi sự sắp xếp những “huyền thoại” khác như Quang Hà, Minh Luân vào cùng các ca sĩ trẻ vừa mới nổi trên mạng khiến Âm nhạc Việt Nam mang hơi hướm một show đại nhạc hội được khoác lên một chiếc áo khá rộng so với nội dung nó đang bày ra cho khán giả.
Và thực tế là đúng như vậy thật!
Chỉ các chương trình phục vụ quay hình làm băng đĩa phát hành sau đó mới dài lê thê như vậy khi chương trình Âm nhạc Việt Nam kéo dài đến 12 khuya vẫn chưa dứt! Mà đúng là “đại nhạc hội thu hình” thật. Không khó khi dù đã có ý chọn chương trình mang tên rất lớn, rốt cuộc thì đây là chương trình ca nhạc tổng hợp có pha hài. Có đủ nhạc thính phòng, nhạc bolero, nhạc trẻ và cả tiết mục tấu hài không liên quan gì đến chủ đề chương trình. Sân khấu Âm nhạc Việt Nam có quá nhiều thời gian chết mà không có một lời đỡ nào của MC để lấp khoảng trống này. Gần như luôn phải mất thêm vài phút giữa các tiết mục để chuẩn bị đổi phông cảnh. Nhân viên hậu đài cũng đi lại hồn nhiên thoải mái không cần né ánh nhìn khán giả, không cần phải mặc áo đen như thường lệ ở các chương trình như thế này.
Đây là một chương trình khi xuất hiện hứa hẹn sẽ hoành tráng từ chủ đề rất lớn đến ý đồ thực hiện định kỳ ít nhất 2 số/ năm cho thấy tham vọng của nhà tổ chức. Quy tụ những ngôi sao kỳ cựu, giá vé cao ngất ngưởng, những hàng chót – thí dụ vé hàng V, giá đến 2 triệu. Các vé víp, thí dụ vé hàng ghế C, có già 8 triệu đồng… cứ ngỡ những sự đắt đỏ này sẽ hút khách. Chương trình ghi trên vé là 18h30 nhưng mãi đến 21h kém mới mở màn trễ tràng mà không một lời cáo lỗi. Dù mở màn trễ để có thể gom khách, nhưng sau khi gom hết khách trên lầu và những dãy sau xuống, vẫn không đủ ½ không gian nhà hát. Dân bán vé chợ đen kêu trời vì lượng vé tồn quá nhiều! Giờ chót, các khán gỈả trên lầu được mời xuống dưới, dồn lại về những hàng đầu để xem nhưng lượng khán giả vẫn chỉ chừng non phân nửa khán phòng, kể cả ghế cho fans xuất hiện vào lúc chương trình đã khuya chỉ để ủng hộ ca sĩ mình yêu thích rồi về!
TP.HCM đã vào mùa mưa, thị trường biểu diễn vốn dĩ đã trầm lắng lại còn trầm lắng hơn. Sự xuất hiện của một chương trình như Âm nhạc Việt Nam quả là đáng ghi nhận, nhưng cách thức thực hiện, hiệu quả từ chương trình thì quả là đáng tiếc. Nếu nhà tổ chức vẫn nuôi ý định duy trì chương trình làm định kỳ, cũng như vẫn phải tiếp tục lăng xê gà nhà, thì hẳn là phải tính toán lại!
Bài & ảnh: L.M.Hạ