1. Có an toàn khi nhận được thư hay hàng hóa từ Trung Quốc?

WHO khẳng định là an toàn. Các phân tích khoa học cho thấy virus corona không thể tồn tại lâu trên các vật dụng, bao gồm thư và bưu phẩm.

2. Vật nuôi cũng truyền virus corona?

Theo WHO, hiện tại chưa có bằng chứng cho thấy vật nuôi trong nhà như chó, mèo hay các thú cưng khác có thể nhiễm virus corona mới hay không.

Tuy nhiên, khuyến cáo là luôn luôn rửa tay bằng xà phòng và nước sau khi tiếp xúc với vật nuôi. Điều này còn bảo vệ bạn khỏi các vi khuẩn phổ biến và nguy hiểm khác có thể lây cho người như E.coli hay Salmonella.

Một trong các poster truyền thông trong series “myth-buster” – phá giải huyền thoại được WHO thiết kế.

3. Có vắc-xin phòng bệnh chưa?

Câu trả lời là chưa. Các vắc-xin chống viêm phổi khác như vắc-xin phế cầu, Hib không bảo vệ bạn chống virus corona mới. Virus này rất mới và khác biệt, cần có vắc-xin riêng.

Các nhà khoa học đang cố gắng phát triển vắc-xin 2019-nCoV nhưng đến thời điểm này, nó chưa ra đời.

4. Rửa mũi bằng nước muối giúp ngăn ngừa virus corona mới?

Không có bằng chứng khoa học nào cho điều này. Chỉ có một số bằng chứng hạn chế cho thấy rửa mũi giúp phục hồi nhanh hơn sau khi bị cảm lạnh thông thường nhưng không chứng minh nó giúp ngăn ngừa nhiễm trùng hô hấp.

5. Ăn tỏi có giúp ngừa virus corona mới?

Tỏi là một thực phẩm lành mạnh, có đặc tính kháng khuẩn nhưng không có bằng chứng cho thấy ăn nó giúp bảo vệ bạn khỏi virus corona mới.

6. Bôi dầu mè giúp ngăn mầm bệnh xâm nhập?

WHO khẳng định là không, dầu mè hoàn toàn không giết được virus corona mới. Một số chất khử trùng hóa học giết được 2019-nCoV có thể kể đến thuốc tẩy và các chất khử trùng dựa trên clo khác, dung dịch chứa 75% ethanol, axit peracetic, chloroform.

Nếu bạn bôi chúng lên da hoặc đặt dưới mũi, mức tác động lên virus là ít hoặc bằng không, hơn nữa bạn còn gặp nguy hiểm vì nhiều hóa chất có hại cho con người khi tiếp xúc trực tiếp.

7. Người trẻ không sợ bệnh?

Người già và người có bệnh nội khoa (tim, tiểu đường, hen suyễn) dường như bị bệnh nặng hơn khi nhiễm corona virus mới. Mọi lứa tuổi đều có thể bị nhiễm, vì vậy bạn cần tuân thủ các biện pháp dự phòng.

8. Kháng sinh có giúp trị bệnh?

Không, vì nó là virus. Người nhiễm bệnh có thể được cho dùng kháng sinh nhưng là để trị các vi khuẩn đồng nhiễm.

9. 2019-nCoV có thuốc điều trị đặc hiệu hay chưa?

Cho đến nay, chưa có loại thuốc cụ thể nào được khuyến nghị. Người nhiễm bệnh cần được chăm sóc thích hợp để điều trị triệu chứng. Các phương pháp điều trị đặc hiệu đang được nghiên cứu.

A.Thư

Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn)/ WHO

 

Link nguồn: https://nld.com.vn/suc-khoe/who-phan-tich-dung-sai-9-tin-don-ve-virus-corona-moi-20200207110250733.htm