Ngày càng nhiều snack dán nhãn ‘giảm khí thải’
Các thương hiệu sản xuất bánh snack đang vào cuộc chạy đua để sản phẩm của họ không chỉ ngon mà còn “tốt cho hành tinh” khi được dán nhãn “giảm khí thải nhà kính”.
Trong nỗ lực bắt kịp xu hướng tiêu dùng có ý thức, một số siêu thị đang giới thiệu những túi snack dán nhãn “carbon trung tính” để người tiêu dùng nhận thức được rằng loại thực phẩm này không góp phần gia tăng biến đổi khí hậu.

Kéo giảm tác động carbon
Để làm được điều này, nhiều nhà cung cấp thực phẩm lớn đang bắt tay với các doanh nghiệp công nghệ. Chẳng hạn, túi khoai tây chiên giòn Walkers dán nhãn “giảm khí thải nhà kính” nhờ quyết định hợp tác của công ty PepsiCo với công ty công nghệ sạch CCm Technologies của Anh quốc.
Bằng cách sử dụng công nghệ thu giữ carbon, CCm Technologies giúp biến vỏ khoai tây thải ra trong quy trình sản xuất thành phân bón carbon, sau đó có thể được sử dụng để trồng những củ khoai tây.
Hiện tại, nhà máy này tuyên bố họ có thể giảm lượng khí thải carbon tới 70% trong dây chuyền khoai tây chiên giòn.
Để đi đến đích cuối cùng là tỷ lệ 100%, PepsiCo nói rằng họ sẽ xem xét phương pháp cải tạo đất để tăng cường hấp thụ carbon, chế biến phân bón tuần hoàn từ thực phẩm lãng phí gồm yến mạch và bắp.
Sáng kiến này được ghi nhận là bước đi đúng hướng để doanh nghiệp trong ngành thực phẩm nỗ lực kéo giảm tác động carbon của các sản phẩm từ địa điểm sản xuất đến nơi tiêu thụ.
PepsiCo không phải là tập đoàn thực phẩm duy nhất tận dụng xu hướng sản xuất thực phẩm dán nhãn “carbon trung tính”. Tập đoàn Mondelez mới đây ra mắt NoCOé, thương hiệu bánh quy giòn mới, nhắm đến thế hệ người mua sắm trẻ có ý thức về môi trường.
NoCOé hiện đã được bày bán trên chuỗi siêu thị Franprix của Pháp và các nhà bán lẻ trực tuyến. Món này có ba hương vị – muối biển, hương thảo và ớt – và tất cả đều được chế biến từ hạt mắc ca, cây gai dầu, hạt quinoa và bí ngô.

Không để lại dấu vết carbon
Theo khảo sát của các công ty nghiên cứu thị trường, người tiêu dùng đang rời xa chế độ ăn ba bữa truyền thống mỗi ngày và hướng tới việc ăn vặt. Họ cũng ngày càng quan tâm đến tính bền vững và hệ lụy của biến đổi khí hậu. Đây là lý do tại sao các nhãn hàng thực phẩm phải tập trung truyền thông rằng sản phẩm của họ không góp phần vào việc làm trầm trọng biến đổi khí hậu.
Planet FWD, một công ty khởi nghiệp vừa ra mắt Moonshot snacks, thương hiệu bánh quy lành mạnh thân thiện với người ăn chay, hữu cơ, và không chứa nguyên liệu biến đổi gen, không để lại dấu vết carbon. Nhãn hàng này cam kết sử dụng nguyên liệu có nguồn gốc từ những nông dân thực hành nông nghiệp tái tạo, giúp thúc đẩy đa dạng sinh học, thu giữ carbon trong đất và cải thiện lưu vực đầu nguồn.
Trong khi đó, Impact snacks, thương hiệu có trụ sở tại Boston, Mỹ, tuyên bố là công ty đồ ăn nhẹ đầu tiên trên thế giới thực sự thu hồi nhiều carbon hơn so với sản lượng và sản xuất. Các thanh lương khô của họ có nguồn gốc 100% từ thực vật, được đóng gói trong bao bì có thể ủ phân tại nhà vì không có nhựa. Họ còn cam kết trích lợi nhuận để tài trợ cho các dự án xã hội và môi trường.
Thiệu Kiệt
(theo GreenQueen)