fbpx

Mua thực phẩm Trung Quốc mà ngỡ của Hàn hoặc Đài Loan

Thị trường Việt Nam hiện có vài loại thực phẩm chế biến nhập cảng bán rất chạy sản xuất tại Trung Quốc nhưng người mua cứ ngỡ hàng Đài Loan hay Hàn Quốc.  

Nên ghi nhớ mã số quốc gia của Trung Quốc là 690, 691, 692, 693, 694, 695

Việc “đội lốt” đó do người bán hoặc không hiểu biết hoặc cố tình nói sai xuất xứ. Còn người mua bị nhầm lẫn do tin vào người bán (giờ các mối hàng online trên mạng thường là bạn bè gần xa)  nên không kiểm tra hoặc không có kiến thức về mã quốc gia thể hiện trên mã vạch. Sau đây là ba loại thực phẩm chế biến đang bán chạy “đội lốt” Đài Loan và Hàn Quốc:

Nho khô xí muội của Đài Loan?

Bà chị tôi được tặng một hộp nho khô xí muội. Người tặng nói là hàng nhập từ Đài Loan cứ ăn yên tâm. Nho khô được đựng trong hộp nhựa, nắp nhôm có guarantee đóng kín, trên bao bì in toàn chữ Hoa và nhà chị không ai đọc được thông tin trên đó. Khi chị đem mời khách, ai ăn cũng thích vì vị nho khô chua chua mặn mặn ăn không ngán. Nhưng khi nhìn mã vạch trên bao bì, tôi thấy 3 số đầu thể hiện mã quốc gia (country code)  694 là ký hiệu mã quốc gia của Trung Quốc, tôi bảo chị: Đây là hàng Trung Quốc, không phải của Đài Loan vì Đài Loan có mã quốc gia là 471.

Không khó để tìm sản phẩm này trên mạng. Nhiều trang bán hàng online lớn ở Việt Nam đang rao bán 56.000 đồng sản phẩm này với tên gọi “Nho khô xí muội Đài Loan” và chỉ đưa hình mặt trước sản phẩm, giấu thông tin mã vạch in trên bao bì ở mặt sau.

Nho khô xí muội được giới thiệu là hàng Đài Loan trên một trang bán hàng online – Ảnh: Internet

Bánh mì sữa chua của Đài Loan?

Giới văn phòng đang nghiện món bánh mì sữa chua hiệu “ông già” Horsh được cho là của Đài Loan. Đó là loại bánh mì sandwich được cuộn lại với nhân sữa chua, đóng gói từng cái trong bao bì nhựa tiện lợi, dễ xé, dễ mang theo khi ra ngoài. Tại các shop bán thực phẩm nhập, loại bánh này được đổ hàng đống ra rổ và người bán giới thiệu là nhập từ Đài Loan, bán với giá 12.000đồng một cái. Search nơi bán sản phẩm trên mạng, bánh mì sữa chua hiệu “ông già” Horsh được nhiều trang bán hàng online lớn rao bán theo quy cách rời (từng cái hoặc combo 10 cái – 20 cái), một hộp (1 kg hoặc một thùng 85-90 cái) và ghi xuất xứ là bánh mì sữa chua Đài Loan. Tất nhiên mua một thùng rẻ nhất, tính ra chưa tới 4.000 đồng một cái.

Tôi từng mua một thùng bánh này của người quen và khi nhận về, xem kỹ bao bì hộp đựng bằng giấy có in mã vạch với ba số đầu là 693, một trong 6 mã số quốc gia của Trung Quốc. Tìm hiểu kỹ trên mạng thì vào năm ngoái có hai bài báo đề cập đến sản phẩm này với lời khẳng định là hàng sản xuất tại Trung Quốc.

Đừng bao giờ mua lẻ từng cái bánh khi bạn không nhìn thấy nguyên hộp bánh với đầy đủ thông tin trên đó – Ảnh: Internet

Đào ngâm của Hàn Quốc?

Trà đào đang là thức uống ưa chuộng của giới trẻ và thay vì mua trà đào pha sẵn thường đắt, nhiều người có khuynh hướng mua đào ngâm sẵn nhập từ nước ngoài về tự pha trà đào. Không kể đến các loại đào hộp đóng lon thiếc, hiện có loại đào ngâm sẵn đựng trong chai thuỷ tinh nhãn hiệu Yellow Peach trông ngon lành được người bán ở các chợ và trang bán hàng online giới thiệu là đào Hàn Quốc, giá bán trên dưới 60.000đồng một lọ 680g.

Đào ngâm Hàn Quốc? – Chỉ có đóng gói tại Hàn Quốc thôi – Ảnh: Internet

Tôi cũng tin là như vậy khi đặt mua từ một người quen, nhưng khi ăn miếng đào ngâm thấy bở và không ngon, tôi bèn soi kỹ bao bì trên lọ thuỷ tinh: mã vạch ghi ba số đầu 880 đúng là Hàn Quốc, nhưng nhìn kỹ phía trên, bên cạnh chữ Hàn sẽ thấy dòng chữ nhỏ hơn: “Product of P.R.O.C.” – sản xuất tại P.R.O.C – tức People’s Republic of China (Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa, tức Trung Quốc). “Made in China” thì ai cũng hiểu, còn ghi P.R.O.C. không phải ai cũng biết là Trung Quốc. Bên dưới bao bì đào ngâm Yellow Peach còn có một dòng chữ tiếng Anh khác “Follow the Korean recipe” tức “Theo công thức Hàn Quốc”.

Tìm hiểu thêm các tài liệu, bạn có thể thấy dòng sản phẩm sản xuất một nơi, đóng hộp một nẻo này đang trở thành phổ biến, như thông tin từ trang Bảo Hộ Thương Hiệu: “Chẳng hạn, một công ty Trung Quốc (công ty A) đăng ký mã số mã vạch cho sản phẩm X của họ tại Hàn Quốc, họ sẽ được cấp mã vạch có 3 chữ số đầu là 880. Sau đó, nếu công ty A dùng mã vạch đó cho chính các sản phẩm X được sản xuất tại nhà máy của họ ở Trung Quốc, thì khi xuất sang Việt Nam, mã vạch của các sản phẩm X sản xuất tại Trung Quốc vẫn sẽ có 3 chữ số đầu là 880 của Hàn Quốc, bất kể chất lượng hay độ an toàn của sản phẩm này như thế nào”.

Âu đó cũng là mặt trái của việc toàn cầu hoá.

Thiên Thanh

CÙNG CHUYÊN MỤC