Lạ mắt giày làm từ lông chó dệt kim 3D
Với những người nuôi chó như thú cưng, lông chó rơi vãi mỗi ngày từ nay có thể thu gom rồi chế biến thành đôi giày vải hợp thời trang.
Nhà thiết kế người Đức Emilie Burfeind đã phát triển một đôi giày thể thao có đế bằng sợi nấm và phần trên dệt kim được làm từ lông chó bỏ đi. Giày vải sneature chỉ bao gồm ba vật liệu tái tạo, dựa trên sinh học, cho phép nó được tách rời và tái chế hoặc ủ công nghiệp sau khi sử dụng.
Giày có khả năng phân hủy sinh học
Lâu nay, những đôi giày thể thao thông thường được làm từ khoảng 8 đến 12 thành phần khác nhau như vải nylon và bọt etylen-vinyl axetat (EVA) – nhiều loại trong số đó có nguồn gốc từ dầu mỏ và sẽ tồn tại trong các bãi chôn lấp đến 1.000 năm.
Do cấu trúc phức tạp và có các vật liệu khác nhau nên hầu như người ta không thể tháo rời và tái chế những đôi giày thể thao thông thường.
Burfeind cho biết cô muốn thiết kế một đôi giày thể thao được làm từ ít thành phần nhất có thể và có khả năng phân hủy sinh học sau khi sử dụng.
Đôi giày này không có dây buộc và phần đế gắn liền với chiếc tất liền mạch được làm từ lông chó do công ty khởi nghiệp Modus Intarsia ở Berlin cung cấp.
Lông chó sau khi thu gom, được kéo thành sợi chất lượng cao được gọi là Chiengora, có khả năng giữ nhiệt tốt hơn 42% so với lông cừu và từng được người bản địa ở Bờ Tây nước Mỹ sử dụng trong quá khứ. Riêng ở Đức, 80 tấn nguyên liệu thô là lông chó bị bỏ đi mỗi năm. So với các loài động vật được lai tạo và nuôi chỉ để lấy lông, việc thu gom lông chó không phải là gánh nặng thêm cho môi trường.
Phần trên của đôi giày được sản xuất nhờ công nghệ dệt kim 3D. Tuy vậy, thay vì nấu chảy sợi nhựa để tạo ra hình dạng rắn, giày được kết dính thông qua sợi ngang và sợi dọc. Đáng lưu ý, chỉ trong một lần “in”, thân giày được làm mà không có đường nối hoặc chất thải, cũng như không cần phải sử dụng các vật liệu khác nhau.
Giày sau khi sử dụng có thể tái chế sợi
Việc sử dụng công nghệ dệt kim 3D cho phép nhà thiết kế tạo ra mẫu giày có cấu trúc đa dạng thông qua việc lập trình từng đường may riêng lẻ. Sợi đan có thể được chế tác sao cho mềm hơn hoặc cứng hơn ở một số chỗ, thoáng khí hơn hoặc đàn hồi hơn ở những chỗ khác. Một phần của giày được nhúng vào cao su thiên nhiên lỏng có nguồn gốc từ nhựa cây cao su để tạo ra một tấm chắn bùn chống thấm nước dọc theo đế giày. Sợi nấm, cấu trúc dạng sợi mà nấm sử dụng để phát triển, được trộn với chất nền xenlulo làm từ cây gai dầu và các phế phẩm nông nghiệp khác, được trồng trong khuôn để tạo ra đế ngoài và tấm lót trong.
Giày Sneature được tạo ra như một phần trong các nghiên cứu của Burfeind tại Đại học Nghệ thuật và Thiết kế Offenbach, nơi cô tốt nghiệp hồi năm ngoái. Hiện tại chưa có dữ liệu về mức độ bền vững của sản phẩm tại thời điểm này. Nhưng nhà thiết kế tin rằng giày có thể được sử dụng trong khoảng hai năm trước khi chúng trông cũ hơn.
Sau thời gian này, hỗn hợp sợi nấm có thể được cắt nhỏ, nghiền thành bột và tái sử dụng trong khi vải có thể được tách thành các sợi riêng lẻ trước khi nguyên liệu này một lần nữa được kéo thành sợi tái chế.
Thiệu Kiệt
(theo DeZeen)