Italy báo động nguy cơ vỡ 250 nghìn mét khối băng ở Mont Blanc
Giới chức Italy đóng cửa đường sá và sơ tán nhiều ngôi nhà sau khi các chuyên gia cảnh báo một phần của sông băng Mont Blanc đang có nguy cơ sập.
Stefano Miserocchi, thị trưởng của thị trấn Courmayeur, Italy nói rằng “an toàn của công chúng là ưu tiên” sau khi các chuyên gia từ Fondazione Montagna Sicura (Quỹ An toàn Núi) ở Aosta Valley cho biết 250 nghìn mét khối băng có nguy cơ trượt khỏi sông băng Planpincieux trên đỉnh Grandes Jorasses của núi Mont Blanc.
“Hiện tượng này một lần nữa chứng tỏ ngọn núi đang trong giai đoạn biến đổi mạnh do các yếu tố khí hậu, do đó nó đặc biệt dễ bị tổn thương”, ông Misococchi nói trong một tuyên bố.
Các chuyên gia đang giám sát chặt chẽ sông băng này từ năm 2013 để theo dõi tốc độ tan băng. Theo lời ông Miserocchi, họ ghi nhận được tỷ lệ này tăng đáng kể trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, họ chưa thể dự đoán khi nào băng sẽ vỡ.
“Hiện tại không có mô hình hoặc phương pháp thực nghiệm nào có thể cho phép dự đoán định lượng trong trường hợp sông băng có động lực trượt vỡ như Planpincieux”, ông Misococchi nói thêm.
Cảnh báo trên được đưa ra giữa lúc giới chức lãnh đạo thế giới đang nhóm họp ở New York trong hội nghị thượng đỉnh về khí hậu của Liên Hợp Quốc. Thủ tướng Italy Giuseppe Conte nói: “Thông tin về một phần của Mont Blanc có nguy cơ sụp đổ là lời cảnh báo chúng ta không thể thờ ơ. Nó phải khiến tất cả thấy chấn động và buộc chúng ta hành động”.
Năm 2017, khoảng 50 mét khối băng rơi từ Planpincieux trong khi vào tháng 9/2018, khối băng lớn vỡ từ sông băng de la Charpoua bên sườn Đông Nam của núi Aiguille Verte.
Lệnh của Thị trưởng Miserocchi đi vào hiệu lực hôm 24/9 và bao gồm sơ tán nhà cửa và những người trú ẩn trên núi trong khu vực. Ông cho biết đây là một biện pháp cẩn trọng và hiện chưa có đe dọa nào đối với khu vực dân cư và các điểm du lịch. Những vùng bị ảnh hưởng nằm trong khu vực Val Ferret.
Nhiệt độ tăng đang khiến các sông băng tan chảy. Các nhà hoạt động môi trường ở Thụy Sĩ vừa tổ chức “lễ khóc thương” thứ hai với sông băng Pizol nằm trên núi Glarus Alps của nước này hôm 23/9. Sông băng ở đây đã mất 90% lượng băng từ năm 2006. Hồi tháng 8, một sự kiện tương tự được tổ chức ở sông băng tại Iceland.
Sóng nhiệt trải rộng khắp châu Âu mùa hè vừa rồi cũng được cho là xuất phát từ tốc độ tan băng tăng nhanh.
Hương Hảo
Theo Zing.vn