fbpx

Hoài Linh, Đàm Vĩnh Hưng, Mỹ Tâm và loạt sao đồng loạt “bật mí” điểm chung

Cãi, ngông, hề, chơi, làm – rất nhiều điểm chung trong cá tính của những ngôi sao thành đạt và nổi bật xuất xứ gốc Quảng.

Loạt sao Việt đồng loạt “bật mí” điểm chung trong tính cách
Loạt sao Việt đồng loạt “bật mí” điểm chung trong tính cách

Cãi

Xứ Quảng trong lịch sử là sự chung sống của Chăm-Việt, là cửa ngõ của giao thương quốc tế với nhiều bến cảng lớn, nơi Hội An là thành phố toàn cầu từ thời phong kiến, nên tinh thần dân chủ, việc chấp nhận sự khác biệt đã thành bản sắc.

Riêng việc người Quảng thích cãi thì đã trở thành “đặc sản” mà hễ có chung gốc gác thì bất cứ người Quảng nào cũng giữ nguyên, dù phiêu bạt muôn nơi. Cãi chính là nền tảng đầu tiên của việc thiết lập bình đẳng theo hàng ngang, không theo tôn ti trật tự, chiếu trên, chiếu dưới hoặc theo hàng dọc.

Biểu hiện này được rất nhiều “ngôi sao” gốc Quảng như nghệ sĩ thừa nhận, như Hoài Linh – người đi tìm cái hài để làm việc với cái bi; ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, Mỹ Tâm; họa sĩ Lê Kinh Tài “vẽ như cãi lộn với chính mình”; nhà văn Nguyễn Nhật Ánh được mệnh danh là “Thầy cãi của tuổi mới lớn”…

Nghệ sĩ Hoài Linh nổi bật trên sân khấu nhưng vẫn giữ cá tính Quảng giản dị
Nghệ sĩ Hoài Linh nổi bật trên sân khấu nhưng vẫn giữ cá tính Quảng giản dị

Ngông

Nếu hỏi Việt Nam có bao nhiêu tỉnh thành thích ngông, chắc khó trả lời, vì quá nhiều, hoặc nói đúng hơn, gần như tỉnh thành nào cũng có lượng người chơi ngông đông đảo. Nhưng có thể thấy phần nào cái ngông của người Quảng cực kỳ nổi bật – ở đây không bàn cao thấp, hay dở – là một nét riêng, đôi khi ngộ nghĩnh. Đôi khi ngông là cách gióng lên những hồi chuông kêu mọi người thức giấc, rời khỏi cái thực tại bế tắc, nhàm cũ.

Ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng chẳng hạn, kẻ chơi ngông bất bại gốc Quảng từng là người tiên phong đi tặng đĩa dạo cho quán cà phê, được mệnh danh là “kẻ đi xin lì lợm”, hát nhạc xưa kiểu giang hồ, giữ cá tính bạo liệt từ thuở hàn vi, luôn tạo sóng và dám đương đầu với sóng.

Hề

Người Quảng có lẽ học được phần nào quan niệm sống vui và vui sống của người Chăm, nên dù gian khổ vẫn mỉm cười, vẫn ba lơn. Nói lái, nói trạng, kể chuyện tiếu lâm ở xứ Quảng rất đặc sắc, mà Thủ Thiệm, Tú Quỳ, Bùi Giáng là những ví dụ nổi bật.

Trên sân khấu ca nhạc và ngoài đời thường, ca sĩ Ánh Tuyết là một trong những nghệ sĩ xứ Quảng nổi bật luôn biết cách hài hước để đi qua tất cả.

Chơi

Rất ít nghệ sĩ Việt dám tự… chán mình như nhà thơ Ý Nhi.  Cây bút gốc Quảng từng viết trong “Tiểu dẫn”: “Tôi ngại các tiệc vui, nhiều khi tôi khóc vì chính cái khiến mọi người quanh tôi vui sướng – và lại muốn thét lên khi mọi người yên lặng”.

Làm

Triết gia ngồi xe buýt Bùi Văn Nam Sơn – “vua dịch” gốc xứ Quảng là người đặt nền tảng cho hàng loạt bộ sách triết học làm thay đổi cuộc đời người đọc, dù chuyển dịch kho tàng tri thức từ thời đại này sang thời đại khác, từ hoàn cảnh lịch sử này sang hoàn cảnh lịch sử khác nhưng hoàn toàn làm như chơi; không phải theo nghĩa làm dễ dàng, làm cho có, mà làm thong dong, không hề đao to búa lớn.

Đạo diễn Trần Anh Hùng và vợ – diễn viên Trần Nữ Yên Khê
Đạo diễn Trần Anh Hùng và vợ – diễn viên Trần Nữ Yên Khê

Cũng tương tự như thế, đạo diễn Trần Anh Hùng mang những bộ phim Việt ra thế giới cực kỳ giản dị, với sự hồn nhiên nghệ thuật của một cá tính mạnh, âm thầm rút toàn bộ thời gian cuộc đời để theo đuổi niềm yêu.

Dự án Tủ sách Nét Quảng được thực hiện bởi Công ty cổ phần  Fsmart – hoạt động trong lĩnh vực truyền thông, do Mỹ Nguyễn – một cô gái gốc Quảng, chủ trì tổ chức thực hiện, có sự chung tay của nhà nghiên cứu Nguyễn Tiến Văn và rất nhiều nhân vật gốc Quảng nổi bật khác.

Trang bìa cuốn sách Cá tính Quảng do một họa sĩ đương đại gốc Quảng nổi bật – Lê Kinh Tài thiết kế, biến tấu từ hình tượng con tò he, khá phổ biến một thời tại xứ Quảng, ngày nay còn thấy nhiều ở Hội An và các chợ làng xã. Tò he có lẽ là sản phẩm đi cùng bước chân mở cõi vào Nam, mà xứ Quảng – với trắc trở của đèo Hải Vân và cuộc đối thoại trực tiếp với văn minh Chăm – là một cột mốc lớn.
Trang bìa cuốn sách Cá tính Quảng do một họa sĩ đương đại gốc Quảng nổi bật – Lê Kinh Tài thiết kế, biến tấu từ hình tượng con tò he, khá phổ biến một thời tại xứ Quảng, ngày nay còn thấy nhiều ở Hội An và các chợ làng xã. Tò he có lẽ là sản phẩm đi cùng bước chân mở cõi vào Nam, mà xứ Quảng – với trắc trở của đèo Hải Vân và cuộc đối thoại trực tiếp với văn minh Chăm – là một cột mốc lớn.

Hòa Bình

Theo Viettimes

CÙNG CHUYÊN MỤC