Cá tính Quảng – Một cuốn sách… bất bình thường
Cuốn sách chân dung Cá tính Quảng (nhiều tác giả) viết về những nhân vật còn sống xứ Quảng Nam – Đà Nẵng.
Cá tính Quảng đã để các nhân vật như Phan Vũ, Bùi Văn Nam Sơn, Ý Nhi, Phạm Văn Hạng, Nguyễn Nhật Ánh, Trần Anh Hùng… “chung vui” cùng với Hoài Linh, Ánh Tuyết, Mỹ Tâm, Đàm Vĩnh Hưng, Kasim Hoàng Vũ…; với các nhân vật đời thường như diễn viên xích lô Lê Văn Lộc, ông Đường gánh nước thuê ở Hội An…, với cầu thủ bóng đá và thể thao; với các doanh nhân trẻ giỏi việc…
Với 5 chủ đề, cũng là 5 chương, gồm Cãi, Ngông, Hề, Chơi và Làm, Cá tính Quảng là các câu chuyện đặc trưng con người thuộc vùng đất cãi cọ, ba lơn, ngông và hài hước…
Có một câu ca mà tôi nghĩ rằng đây mới là câu ám chỉ đặc tính xứ Quảng, nó không phải: “Đất Quảng Nam chưa mưa đà thấm/ Rượu Hồng Đào chưa nhấm đà say“, mà là: “Ai về nhắn với bạn nguồn/ Mít non gửi xuống, cá chuồn gửi lên“.
Sở dĩ tôi dám nói đây là câu ca đặc trưng xứ Quảng, bởi nó rất Chăm – Việt. Biểu tượng mít non của em là một biến thể của yoni và cá chuồn của anh là biến thể của linga – trong tín ngưỡng phồn thực Chămpa một thuở. Thử tìm nơi nào ngẫu hợp Chăm – Việt mạnh hơn xứ Quảng?
Sự giao thoa văn hóa, tín ngưỡng và xã hội giữa Chăm – Việt trên mảnh đất “mở rộng về phương Nam” này đã ngấm vào máu thịt của bao con người, bao thế hệ.
Và cũng bắt nguồn từ đó, con người xứ Quảng có một cái gì đó rất nghệ sĩ, nhưng hơi nổi loạn kiểu Chămpa, nhưng cũng có một cái gì đó cà rỡn mà thâm trầm rất ư Bắc Hà. Đây là tính cách rất riêng của người Quảng.
Điều này góp phần lý giải tại sao dân chữ nghĩa xứ Quảng đa phần làm báo, viết văn và dễ thành công trong lĩnh vực tinh thần, văn hóa, chính trị, nghệ thuật…, hơn là các lĩnh vực khác.
Đất Quảng trong lịch sử được cho là “chó ăn đá, gà ăn muối”. Có lẽ vì vậy mà chịu thương chịu khó – là một đặc trưng, một đức tính bao trùm của các tính cách khác của cư dân xứ Quảng.
Thử đọc lại các nhân vật trong tập Cá tính Quảng, mỗi người mỗi cá tính, mỗi người mỗi lĩnh vực riêng và mỗi người mỗi sân chơi cũng như bầu khí quyển tinh thần riêng, chẳng ai giống ai.
Thế mà có một cái giống nhau, rất chung: Đó là tố chất vượt khó và xuất thân không giàu có.
Người Quảng không có khả năng “ăn rau má phá đường tàu” một cách quyết liệt như người xứ khác. Nhưng chó xứ Quảng dám ăn đá và gà xứ Quảng dám ăn muối, nghĩa là gà chó xứ ấy cũng chịu thương chịu khó, gà chó xứ ấy cũng cà rỡn, gà chó xứ ấy cũng bất… bình thường.
Khi chó và gà chịu cà rỡn, bất bình thường thì người xứ ấy tất nhiên cũng cà rỡn, bất bình thường y như. Nó không bình thường như thế nào, mời đọc Cá tính Quảng sẽ rõ phần nào.
Chiết tự chữ Nôm về từ “cãi” (唤), nhà nghiên cứu Nguyễn Tiến Văn viết: “Chữ Nôm dùng chữ hoán (唤) của chữ Nho để đọc là cãi. Cãi được diễn tả bằng bộ khẩu (口): lời nói và chữ miễn (免): cởi, bỏ. Nghĩa là dùng lời nói, lý lẽ bào chữa, tranh biện để được thắng thế, miễn trừ, xóa bỏ điều gì đó. Cãi chính là nền tảng đầu tiên của việc thiết lập bình đẳng theo hàng ngang, tức không phải tôn ti trật tự kiểu chiếu trên chiếu dưới theo hàng dọc của triều đình phong kiến, gia trưởng. Vượt qua đèo Hải Vân, cách biệt triều đình, người Quảng lại sống nơi biên ải, không cãi mới lạ”. |
Liêu Thái
Theo Tuổi trẻ Online