Đường có hại cho trẻ em như đối với người lớn?
Trẻ em thích đồ ngọt và tất nhiên, nhiều người lớn cũng vậy. Nhưng những người trưởng thành có khả năng cân nhắc hoặc kiềm chế trước những món đồ ngọt trong khi những đứa trẻ sẽ nhanh chóng thưởng thức những gì nó thích.
Bà Juliana Cohen, trợ lý giáo sư dinh dưỡng tại đại học Merrimack ở Bắc Massachusetts và trường Y tế Công cộng Harvard cho rằng lý thuyết phổ biến là hương vị của thực phẩm có đường mang lại cho con người lợi thế tiến hóa: Trong tự nhiên, thực phẩm ngọt như trái cây hoặc mật ong có xu hướng vừa an toàn vừa giàu calo, trong khi thực phẩm đắng thường có chất độc hại. Vì vậy, con người sinh ra đã vốn mong muốn thực phẩm có đường, dù sự yêu thích đường sẽ nhạt dần theo tuổi tác và kinh nghiệm ăn uống.
Sự nhạt dần này là một điều tốt. Các nghiên cứu đã cho thấy sự liên quan giữa chế độ ăn nhiều đường dẫn đến béo phì, tiểu đường loại 2 và bệnh tim. Các loại đường mà các nhà sản xuất thực phẩm thêm vào các sản phẩm chế biến hoặc đóng gói còn khiến sức khoẻ con người trở nên xấu đi. Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) khuyến nghị người trưởng thành chỉ nên bổ sung đường dưới 10% lượng calo hàng ngày và một nghiên cứu năm 2014 trên JAMA Internal Medicine cho thấy có ít nhất 30% những người vượt quá giới hạn hàng ngày này có nguy cơ tử vong do bệnh tim.
Phần lớn các nghiên cứu đến nay cho thấy việc ăn uống quá nhiều đường cũng nguy hiểm cho trẻ em như đối với người lớn. CDC và cẩm nang hướng dẫn chế độ ăn uống cho người Mỹ đều khuyên rằng trẻ em từ 1 tuổi trở lên cũng chỉ nên ăn uống lượng đường dưới 10% lượng calo hàng ngày. Còn Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA) khuyến nghị rằng từ sơ sinh đến 2 tuổi không nên cho trẻ em ăn uống có đường. Đối với trẻ lớn hơn, từ 2 đến 18 tuổi, AHA cho biết lượng đường bổ sung hàng ngày không được vượt quá 25 gram, tương đương với khoảng 6 muỗng cà phê.
Đường có hại với trẻ em như thế nào?
Nghiên cứu của bà Juliana Cohen đã phát hiện ra rằng những đứa trẻ mới biết đi uống đồ uống có thêm đường, cũng như những đứa trẻ sinh ra từ những bà mẹ thường uống nước có đường lúc mang thai có xu hướng bị điểm kém hơn trong các bài kiểm tra trí thông minh và năng khiếu thời thơ ấu. Xi-rô bắp, một loại có hàm lượng đường cao thường được cho vào nhiều loại thức uống có vị ngọt nhân tạo và thực phẩm đóng gói là thứ có hại, ảnh hưởng đến bán cầu não trước – nơi hình thành trí nhớ và khả năng định hướng – trong những năm đầu đời của trẻ em.
Một nghiên cứu của đại học Purdue năm 2018 cho thấy nguồn đường lớn nhất trong chế độ ăn uống bình thường của trẻ con là nước trái cây, soda và đồ uống thể thao. Một nghiên cứu năm 2015 có liên quan trên tạp chí Dinh dưỡng cho thấy những đứa trẻ tiêu thụ soda, nước trái cây và các loại đồ uống có đường khác có xu hướng cân nặng hơn những đứa trẻ không uống thứ đó. Ngoài ra, khi một số trẻ em trong nghiên cứu đổi nước trái cây hoặc soda để lấy sữa hoặc nước, trọng lượng cơ thể của bọn trẻ có xu hướng giảm xuống. Nhiều nghiên cứu đã phát hiện ra rằng, khi một đứa trẻ ăn đường bổ sung tăng thì ngoài việc béo phì sẽ bị tăng huyết áp, bệnh gan nhiễm mỡ và tiểu đường loại 2.
Cohen và những chuyên gia khác nói rằng thông điệp ở đây là không phải tất cả đồ ngọt là xấu và không nên cấm trẻ em tuyệt đối không ăn uống đồ ngọt. Đường với liều lượng nhỏ là được, nhưng thật khó kiểm soát lượng đường chúng ta sử dụng bởi đường đã được thêm vào thực phẩm thức uống ngày càng nhiều hơn so với thế kỷ trước. Bà Jennifer Hyland, một chuyên gia dinh dưỡng nhi khoa tại bệnh viện Cleveland cho biết: Nếu bạn nhìn vào nhãn thực phẩm hay thức uống, bạn sẽ nhận ra rằng thật khó để tìm thấy loại không có đường, chẳng hạn như sữa chua, ngũ cốc ăn sáng, nước trái cây, món tráng miệng….đều có xu hướng đóng gói với đường.
Tại sao đường là một phụ gia thực phẩm phổ biến như vậy?
Bác sĩ Robert Lustig, một nhà nghiên cứu về đường và cựu giáo sư nhi khoa và khoa nội tiết tại đại học California, thành phố San Francisco – cho biết: Ngành công nghiệp thực phẩm biết rằng khi họ thêm đường, bạn sẽ mua nhiều hơn. Lustig nói rằng trẻ em có xu hướng không thích thức ăn chủ yếu là đắng hoặc chua hoặc mặn. Thêm đường vào những thực phẩm này giúp che giấu mùi vị. Đường bao phủ vị chua trong nước chanh, hoặc vị đắng trong chocolate hoặc vị mặn trong đậu phộng rang mật ong.
Giải pháp rõ ràng được khuyến nghị bởi hầu hết các chuyên gia, là tránh sử dụng thực phẩm chế biến hoặc đóng gói. Đối với những bậc cha mẹ không có thời gian hoặc nguồn lực để chuẩn bị thức ăn từ đầu, các chuyên gia khuyên bạn nên mua bơ đậu phộng, ngũ cốc ăn sáng và các sản phẩm đóng gói khác có chứa ít hoặc không thêm đường. Mặt khác, trái cây, rau, sữa không đường hoặc sữa chua và các loại thực phẩm khác có chứa đường tự nhiên đều là những bổ sung lành mạnh cho chế độ ăn của trẻ em. Đơn giản nhất là bạn nên khuyến khích con bạn uống nước hoặc sữa thay vì đồ uống có đường.
Các bậc cha mẹ không cần phải loại bỏ mọi thứ có đường trong tủ thức ăn của họ, nhưng tất cả chúng ta cần nhận thức rõ hơn về lượng đường được thêm vào trong những thực phẩm và thức uống dành cho trẻ em.
Anh Mi lược dịch
Theo Markham Heid/Time
6 lý do để bạn giảm ăn đường:
1/ Làn da trẻ hơn 2/ Vòng eo thon thả hơn 3/ Bạn sẽ có nhiều năng lượng hơn 4/ Ngăn ngừa béo phì 5/ Ngăn ngừa đái tháo đường type 2 6/ Trái tim khoẻ mạnh hơn |