fbpx

Đàn ông làm việc nhà

Lan, 32 tuổi, đã có chồng, hai con và có một công việc ổn định ở Hà Nội. Lan giống như tôi sinh ra và lớn lên khi đất nước hội nhập, mở ra cơ hội làm việc có thu nhập ổn định cho thế hệ có bằng cấp và ngoại ngữ. Em là người năng động, muốn thể hiện năng lực trong công việc, cũng như khả năng quán xuyến một gia đình hạnh phúc kiểu mẫu ở Việt Nam.

Thời gian biểu hàng ngày của Lan: 1-2 tiếng di chuyển, 8 giờ hành chính ở cơ quan, 1 tiếng nghỉ ăn trưa, 1 tiếng đưa đón con sáng-chiều và đi chợ, 2 tiếng nấu ăn và dọn dẹp, 2 tiếng cho con học và chơi với con, có 2 tiếng dành cho vệ sinh cá nhân và phát triển cá nhân (đọc tin tức và sách), và ngủ trung bình từ 6-7 tiếng. Chỉ những ngày có việc đột xuất thì Lan mới nhận được sự giúp đỡ từ chồng.

Hình ảnh của Lan chắc chúng ta đã từng thấy đâu đó. Theo một khảo sát của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và tổ chức phi chính phủ ActionAid thực hiện vào năm 2016, phụ nữ Việt Nam dành trung bình khoảng 5 tiếng cho các công việc không được trả lương như việc nhà hoặc chăm sóc con cái. Ở một số địa phương, con số này có thể lên tới 8 tiếng một ngày.

Tại Việt Nam, ước tính dân số nữ Việt Nam khoảng 52 triệu người và có khoảng 24 triệu phụ nữ trong độ tuổi lao động. Làm một phép nhân đơn giản với 5 tiếng họ dành mỗi ngày cho những việc “không tên” (24 triệu nhân với 5 giờ mỗi ngày), ta có được hơn 120 triệu giờ lao động mà phụ nữ tại Việt Nam phải bỏ ra để làm công việc này mỗi ngày. Bao nhiêu giờ trong số đó thực ra có thể những người này sử dụng cho mục đích đúng với ý nguyện của bản thân hơn?

Cuộc cách mạng về giới (nếu có thể gọi như thế) được đo lường không chỉ bằng cách chúng ta sắp xếp cuộc sống mà còn thể hiện qua những thay đổi, hiệu quả và ý nghĩa của những sắp xếp đó.

Tạp chí Hiệp hội Xã hội học Hoa Kỳ Socius công bố một nghiên cứu vào năm 2018 về phân chia công việc trong tổ chức cuộc sống gia đình. Số liệu sử dụng cho nghiên cứu này thu thập từ năm 1965 đến 2006. Báo cáo nêu: đối với phụ nữ, việc bạn đời giúp đỡ chuyện rửa bát khiến họ hạnh phúc nhất. Tuy nhiên, mua sắm mới là nhiệm vụ được chia sẻ nhiều nhất, sau đó mới tới rửa bát.

Năm 2015, UN Women đã công bố báo cáo về sự tiến bộ của phụ nữ thế giới, trong đó có tiết lộ rằng phụ nữ trên toàn cầu làm công việc không được trả lương cao gấp 2,5 lần so với nam giới. Thế kỷ 21, phụ nữ vẫn phải gánh vác phần lớn công việc nhà các bà các mẹ của họ và vẫn phải kiếm tiền. Nhiều người trong số này rơi vào những chứng trầm cảm thời hiện đại. Nhiều bà mẹ loay hoay giữa kỳ vọng về một người mẹ hoàn hảo và mong muốn được phát triển sự nghiệp, học tập hay được tham gia hoạt động xã hội.

Một nghiên cứu khác được công bố năm 2007. Nhóm nghiên cứu sử dụng dữ liệu về 1.652 cặp vợ chồng sống trong các khu phố nghèo ở Beirut, Lebanon. Kết quả cho thấy những người vợ có chồng ít làm việc nhà có khả năng đau khổ cao gấp 1,6 lần, khả năng không thoải mái với chồng gấp 2,96 lần, và có khả năng không hạnh phúc gấp 2,69 lần.

Thời gian ở nhà nhiều hơn đồng nghĩa với việc có ít thời gian hơn để phát triển các kỹ năng và kinh nghiệm có thể mang lại cho phụ nữ một công việc ổn định. Trong ngắn hạn, điều này có nghĩa là thu nhập ít hơn và độc lập tài chính thấp đi. Còn về lâu dài, phụ nữ sẽ nhận ít tiền lương hưu, tiết kiệm hơn.

Tôi nêu ra những số liệu này không phải để tranh luận rằng công việc được trả lương hay không được trả lương sẽ được “định danh” rõ ràng trong xã hội hiện đại như thế nào. Những xã hội như Nhật hay Hàn Quốc, phụ nữ có thể ở nhà làm công việc nhà để bù lại thời gian cho người chồng phải ra ngoài kiếm tiền nuôi gia đình.

Vấn đề ở đây là kịch bản người phụ nữ vừa phải tham gia kiếm tiền mà vẫn phải làm các việc nhà. Như vậy áp lực cuộc sống cũng như mối quan hệ nam nữ trong một mái nhà chắc chắn sẽ rất căng thẳng.

Chia sẻ công việc nhà không chắc chắn tạo ra một mối quan hệ tốt. Nó chỉ là một phần của những nỗ lực để tạo ra một quan hệ tốt trong hôn nhân. Bình đẳng giới phải bắt đầu ngay từ việc nhà khi người đàn ông tự giác cầm chổi hay rửa bát cùng người phụ nữ của mình.

Tôi rất thích câu nói của Nguyên Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon: “Để đạt được bình đẳng giới đòi hỏi sự tham gia của phụ nữ và nam giới, trẻ em gái và trẻ em trai. Đó là trách nhiệm của mọi người”.

Chúng ta có thể có một hay nhiều ngày tôn vinh phụ nữ. Nhưng để hiểu và thông cảm cho phụ nữ thì cần nhiều ngày giúp đỡ và chia sẻ công việc hơn, mà đơn giản có thể chỉ là chia sẻ việc nhà.

Phạm Hải Chung

Theo VnExpress.net

 

CÙNG CHUYÊN MỤC