fbpx

Covid-19 giúp chúng ta ‘trở lại làm người’

Dịch bệnh Covid-19 đem lại tổn thất nhân mạng, thiệt hại kinh tế với phạm vi toàn cầu. Tuy vậy, báo chí Anh Quốc ghi nhận ý kiến của bác sĩ tâm lý cho rằng dịch bệnh cũng là cơ hội để chúng ta “trở lại làm người”, với nghĩa là sống thật hơn, biết lắng nghe cơ thể mình và ngẫm nghĩ về sự kết nối xã hội tác động đến bản thân trước đây. 

Khi lệnh phong tỏa bắt đầu có hiệu lực tại nhiều nước, mọi người đều bối rối và hoang mang bởi những quy định mới về giãn cách xã hội. Người ta cảm thấy mình bỗng nhiên mắc kẹt ở nhà trong nhiều ngày liền. Tệ hơn là bạn xem các bộ phim và các show truyền hình được sản xuất từ thời dịch bệnh chưa bùng phát.

Chúng ta trở nên căng thẳng mỗi khi ra ngoài do phải đảm bảo quy tắc giãn cách xã hội

Học cách thích nghi

Sau nhiều tuần ở nhà liên tiếp và lệnh phong tỏa từng phần được dỡ bỏ, bạn phải học cách thích nghi hoàn toàn mới. Mỗi khi ra đường, bạn né tránh người khác, tìm lối đi trống, tính toán khoảng cách sao cho đủ hai mét tại các lối vào công viên, tránh tiếp xúc cơ thể, thậm chí là giao tiếp bằng mắt với người lạ. 

Cho đến trước khi đại dịch xảy ra, dường như nhiều người trong chúng ta không thể sống thiếu Facebook Messenger, email và một số app khác được thiết kế cho lối sống lúc nào cũng vội vã. Nhưng bây giờ chúng ta có vẻ đang thay đổi, sống chậm lại, thích tận hưởng âm thanh và ngữ điệu của cuộc trò chuyện mặt đối mặt thay vì cảm thấy vội vã hoặc bị chi phối bởi chiếc smartphone trên tay. 

Với đa số, lệnh phong tỏa hoặc giãn cách xã hội đã tước đi các tương tác, kết nối của họ với người khác. Điều đó khiến họ hoang mang về giá trị, vị thế của họ trong cộng đồng, công việc của chúng ta và thế giới.

Tệ hơn, một số người bắt đầu cảm thấy màn hình TV hoặc nhà của họ giống như nhà tù. Trải nghiệm tự cách ly của họ đầy lo lắng và hoang mang. 

Ngồi cách xa nhau trở thành thói quen mới

Sống chung với nỗi sợ hãi

Thực tế, lâu nay cơ thể chúng ta luôn bị ràng buộc và đánh dấu bởi các quy tắc xã hội. Chúng ta hình thành các hành động, cử chỉ của cơ thể để biểu đạt mong muốn, suy nghĩ tương thích với những người chung quanh. Do vậy, cơ thể của chúng ta không chỉ đơn giản là sản phẩm của ADN mà bị tác động trong mối quan hệ với người khác và nếp sống xã hội. 

Trước khi có dịch Covid-19, nhiều người bị ám ảnh bởi cơ thể của họ chưa có được “vẻ đẹp hoàn mỹ” như những hình ảnh người nổi tiếng, người mẫu, diễn viên mà họ thấy trên các phương tiện truyền thông, phim ảnh, tạp chí thời trang.

Hình ảnh cơ thể được số hóa trong hai thập kỷ qua đã góp phần tạo nên ngành công nghiệp phẫu thuật thẩm mỹ hái ra tiền trên toàn thế giới – từ phẫu thuật kéo dài chân đến nâng mũi, nhấn mí, thu nhỏ xương hàm… 

Trong khi đó, sự tự động hóa ngày càng tăng khiến chúng ta ngày càng ít vận động tay chân. Thay vào đó, chúng ta bị ám ảnh bởi chế độ ăn kiêng và tập thể dục, quần áo và mỹ phẩm để có được ngoại hình hoàn hảo khi chụp ảnh. May thay, nỗi ám ảnh đó bây giờ giảm đi vì chúng ta không còn sợ bị người khác đánh giá về ngoại hình khi ra đường và che chắn cẩn thận.

Ngày càng có thêm nhiều sáng kiến về giãn cách xã hội được áp dụng tại hàng quán và nơi công cộng

Trải nghiệm và sự kết nối trên FaceTime hoặc Zoom trong lúc phong tỏa không thể nào giống cách cơ thể phản ứng khi chúng ta gặp gỡ nhau ngoài đời. Do tuân thủ quy tắc giãn cách, chúng ta không còn cái bắt tay hay cái ôm, niềm vui khi ngồi cạnh nhau trong nhà hàng và sự cảnh giác tăng cao khi phải ngồi gần người lạ. 

Từ bây giờ, mỗi khi phải đi ra ngoài, cơ thể của chúng ta tự động bật chế độ cảnh giác. Khuôn mặt được che chắn bởi áo có mũ trùm đầu hay khẩu trang để đem lại sự yên tâm nơi công cộng.

Ít nhất trong vài năm tới, chúng ta sẽ phải tìm ra cách để sống chung với nỗi sợ hãi, sự căng thẳng và bất tiện, để vượt qua nỗi ám ảnh xã hội do Covid-19 tạo ra. Để làm được điều đó, trước tiên chúng ta cần lắng nghe nhu cầu của cơ thể trong lúc định hình lại mối quan hệ, sự kết nối với những người xung quanh.

Thiệu Kiệt

(theo The Guardian)

CÙNG CHUYÊN MỤC