fbpx

Chọn tiêu cự

Nói đến tiêu cự (focal length) là nói đến góc nhìn, không hẳn chỉ là con số đo độ dài (tính bằng mm hiện nay, hay inch hoặc cm trong quá khứ).

Được định nghĩa là “khoảng cách từ quang tâm của hệ thống thấu kính đến mặt phim hay cảm biến, khi điểm lấy nét đặt ở vô cực“. Trị số tiêu cự trung bình được hiểu là trị số tiêu cự có độ dài bằng hay gần bằng với đường chéo của phim hay cảm biến, và như thế, nó sẽ có góc nhìn vào khoảng 45 độ (bốn mươi lăm độ góc), trị số này sẽ thay đổi tùy theo quan niệm của từng hãng sản xuất, nhưng là không khác biệt nhiều.
Giả như chúng ta có phim hay cảm biến có kích thước 24×36 mm (ngày nay họ dùng từ full frame để gọi), thế thì đường chéo sẽ bằng 43,26mm, và người ta thường chọn luôn là 45mm (là trị số tiêu cự trung bình ngày xưa thường dùng), tuy nhiên nhiều hãng lại chọn tròn số 50mm (vì theo tiêu chuẩn của nhiều quốc gia, họ cho phép chấp nhận một ngưỡng dung sai chế tạo nào đó, nên những con số này mang ý nghĩa tượng trưng nhiều hơn. Góc nhìn cũng vào khoảng nửa góc vuông… Và như thế, nếu dùng máy ảnh với cảm biến nhỏ hơn, (thường được gọi là crop), như APS-C (23,6×15,7mm, có đường chéo khoảng 28mm) và người ta có thể chọn 30mm hay 32mm làm normal lens, thậm chí 35mm (vốn của cấu trúc cũ – wide của full frame). Vẫn là góc nhìn vào khoảng nửa góc vuông mà thôi.

Ảnh minh họa. NAG Trung Thu
Ảnh minh họa. NAG Trung Thu

Trong quá khứ, người ta thậm chí đã hình thành ra một trường phái “chụp ảnh với cảm giác giống như mắt nhìn” (và đã từng có rất nhiều người hiểu nhầm rằng ống kính normal có góc nhìn bằng với mắt con người). Thực ra thì “chỉ là có hiệu ứng viễn cận gần giống như mắt người” mà thôi. Những ống kính có trị số tiêu cự ngắn hơn trị số tiêu cự trung bình thường được gọi là ống kính góc rộng (gọi là wide-angle hay grand-angle – từ xưa, tiếng Pháp), nó sẽ cho góc nhìn lớn hơn 45 độ, và một số ống kính có góc nhìn rất rộng mà vẫn giữ được cạnh biên thẳng, sẽ được gọi là super wide-angle lens. Còn khi vùng rìa biến cong, sẽ được gọi là ống kính fish-eye – thường có góc nhìn gần hoặc bằng 180 độ (có đôi ống vượt hơn góc rộng này).
Đặc trưng của ống kính góc rộng là “vùng ảnh rõ rộng hơn so với ống kính normal”, và nó “khuếch đại hiệu ứng viễn cận” (gần sẽ càng lớn, xa càng nhỏ), và khi tiêu cự càng ngắn, những hiệu ứng này sẽ càng tăng lên. Những ống kính có trị số tiêu cự dài hơn tiêu cự trung bình sẽ cho góc nhìn hẹp hơn 45 độ, và người ta thường gọi là ống kính tele. Những ống kính có trị số tiêu cự dài hơn 300mm, thường được gọi là super-tele. Đặc trưng của ống kính tele là vùng ảnh rõ hẹp hơn normal, nên người ta thường dùng để chụp chân dung xóa phông. Và do hiệu ứng viễn cận thấp, nên cảm giác gần như dán các lớp cảnh lại với nhau, có thể khiến tạo cảm giác “mập hơn” trong ảnh chân dung cận cảnh.
Với những ống kính tele rất dài (trên 1000mm), sẽ có thể cho phép chụp được “mặt trăng lớn hơn người” (con người lọt thỏm trong mặt trăng) chỉ trong một lần bấm máy (bản gốc – không phải xử lý). Do “tiêu cự chỉ là một yếu tố ảnh hưởng đến vùng ảnh rõ”, nên khi cần thay đổi vùng ảnh rõ, sẽ không ai chọn thay đổi trị số tiêu cự cả. Người ta không dùng tiêu cự để điều khiển vùng ảnh rõ (DOF). Một số dạng khác của ống kính như: Macro lens (micro lens), Portrait lens (Soft lens, DC lens), Lensbaby… là hiệu ứng đặc biệt của cấu trúc ống kính, chứ không phải vấn đề của tiêu cự. Hãy luôn hình dung, chọn tiêu cự, chính là chọn góc nhìn, và hiểu theo một nghĩa nào đó, chính là “chọn tương tác giữa chủ thể và bối cảnh”…

Đến một ngưỡng nào đó, người ta sẽ hình dung, việc chọn tiêu cự chính là việc “xác lập góc nhìn nơi hậu cảnh”, nhằm tạo tương tác giữa chủ thể và bối cảnh, trong một không gian cảm xúc… Giả như khi ta chụp một em bé nghèo, nếu chỉ chọn dùng ống kính tiêu cự dài, hiệu ứng góc độ hẹp, sẽ khiến không gian hậu cảnh rất nhỏ (và kèm với khẩu độ mở lớn), hầu như sẽ chẳng thấy gì nơi phía sau chủ thể. Nhưng nếu chọn ống kính tiêu cự ngắn, khiến góc nhìn nơi hậu cảnh mở rộng ra (đương nhiên sẽ là máy tiến gần chủ thể hơn, trừ khi mình muốn chụp xa), và có thể sẽ nhận diện được không gian phía sau là gì (nếu kết hợp thêm việc điều khiển khẩu độ, để hậu cảnh này rõ mờ khác nhau, sẽ tăng cường giá trị biểu cảm nhiều hơn nữa). Hoặc là em bé đánh giày nơi không gian hoa lệ phía sau, hoặc em bé nhặt rác trong khu phố nghèo, hoặc bé bán báo nằm ngủ trên ghế đá công viên… Nếu không gian hoa lệ phía sau rõ nét, nghĩa là em bé và không gian đó đang đồng tồn tại, nhưng nếu không gian hoa lệ phía sau mờ đi, có thể sẽ khiến người xem hình dung “nơi quá khứ” nhiều hơn là hiện tại, mà em bé đã trải qua, giờ chỉ là hồi ức…
Ở đây chúng ta sẽ hình dung “việc chọn phông” (hậu cảnh) sẽ có ý nghĩa to lớn thế nào đến “giá trị cuối cùng của tác phẩm”, thậm chí nó còn vượt qua cả “chủ thể” (chủ thể hầu như sẽ biến thành “vật trang trí” trong không gian rộng hơn của bối cảnh). Như những người gồng gánh đi trên đồi cát, hay con thuyền hư cũ ngập nước ven bờ với hậu cảnh sông biển rộng rãi phía sau… Và khá nhiều bạn trẻ, khi xác lập khái niệm chụp chân dung, đã chọn giải pháp “đi tìm không gian bối cảnh trước”, rồi mới đặt nhân vật vào đó sau. Vậy thì việc thay đổi trị số tiêu cự, ngoài việc hiểu là “thay đổi góc nhìn nơi chủ thể” (để đỡ phải di chuyển máy ảnh gần xa), thì cần chú ý thêm đến khái niệm “xác lập góc nhìn của hậu cảnh”…

Nhiếp ảnh gia Trung Thu

CÙNG CHUYÊN MỤC