Chọn chống rung
Vốn là khái niệm cổ xưa, “tốc độ an toàn tối thiểu”, không là quy tắc tuyệt đối, nhưng là một gợi mở nhằm ít bị lỗi nhất, khi cầm máy trên tay để bấm (không thông qua chân một hay chân ba).
Người ta gọi là “tốc độ an toàn tối thiểu”, sẽ là chọn “tốc độ thấp nhất” bằng với nghịch đảo của trị số tiêu cự nhân với hệ số crop của cảm biến (đây là gợi mở mà không phải công thức, vì khác đơn vị). Ví như khi dùng ống kính tiêu cự 200mm trên máy film hay full frame, thì tốc độ an toàn tối thiểu sẽ là khoảng 1/200s. Nếu với máy crop x1,5, thì tốc độ an toàn tối thiểu này lại thêm một lần quy đổi thành 1/200×1,5 = 1/300s.

Khoảng hơn 10 năm trước, các hãng Nikon, Canon rồi Sigma lần lượt tiên phong đưa cơ chế chống rung vào ống kính 80 – 400mm (hay 100 – 400mm), lúc đó, khả năng chỉ chống rung được 2 nấc tốc độ (2 stops) mà thôi. Nghĩa là nếu khi đang dùng tiêu cự 400mm, thì tốc độ an toàn tối thiểu cho full frame sẽ là 1/400s (khi không dùng chức năng chống rung), và khi bật chức năng chống rung lên, nó cho phép người chụp hạ xuống 1/200s, 1/100s, mà hình ảnh hầu như vẫn sẽ nét giống như khi dùng tốc độ 1/400s (không chống rung). Họ vận dụng con lắc hồi chuyển (gyro system), với một “phần tử nổi” (floating element) là một khối thấu kính treo, hồi đầu là treo bằng lò xo, sau đó được treo bằng nam châm điện, độ chuẩn xác ổn định hơn. Khi ấn nhẹ nút bấm máy nửa vời, để lấy nét tự động hay đo sáng, thì đồng thời sẽ kích hoạt chức năng chống rung này. Và đây là một lưu ý quan trọng. Khi đặt máy lên chân (một hay ba) thì nhất thiết phải tắt chức năng chống rung. Nếu không tắt, khối phần tử nổi sẽ “không được treo” (sẽ bị xệ xuống do trọng lượng, vì không nhận diện được sự chuyển động của thân máy hay ống kính), và sẽ khiến “lệch quang trục của ống kính”, và hình ảnh sẽ lờ nhờ, không nét nữa.
Công nghệ ngày càng phát triển, hầu hết các hãng đều đưa chức năng chống rung này vào trong ống kính hay thân máy. VR (vibration reduce – Nikon), IS (image stabilization Canon), OS (optical stabilization – Sigma), VC (vibration compensation – Tamron), OIS (optical image stabilization – Leica, Panasonic), SR (shake reduce – Pentax),… Một thông số quan trọng là “khả năng chống rung” bao nhiêu stop (tính trên nền tốc độ giảm xuống so với tốc độ an toàn tối thiểu). Và hầu hết các hãng đều đạt hoặc vượt ngưỡng 4 stop. Chúng ta hình dung thử nhe. Nếu chúng ta bấm tốt ở 1/250s, vậy thì 4 stop sẽ là: 1/125, 1/60, 1/30, 1/15. Mình không tin con số 1/15s này, đã từng thử vài lần, đều cực khó đạt nét. Đó là chưa kể khi đó, chỉ cần nhân vật trong ảnh hơi cử động, hình sẽ liền nhòe. Vậy thì liệu chúng ta có tin được không, khi các hãng đưa ra “chống rung 5 nấc” hay hơn nữa…
Một khái niệm này nữa, là với cơ chế chống rung trên thân máy, sẽ có chút vấn đề, đó là độ chống rung giữa wide (tiêu cự ngắn) và tele (tiêu cự dài) sẽ là không giống nhau, nên nếu họ ghi chống rung 5 nấc, được hiểu là dành cho wide, và khi chuyển qua tele, có khi chỉ cỏn 2 – 3 nấc mà thôi. Ống kính 100mm IS macro của Canon chống rung 4 nấc, và họ có ghi rõ, khi tiến đến ngưỡng 1:2 độ chống rung còn 3 nấc, còn khi tiếp cận ngưỡng 1:1, độ chống rung chỉ còn 2 nấc. Là họ trung thực đàng hoàng. Một số ống kính có hai chức năng chống rung, thì mode 1 sẽ chống rung hai chiều (chiều đứng và chiều ngang), là chức năng thường dùng, còn mode 2 sẽ tắt chống rung theo chiều ngang, chủ yếu để phục vụ “lia máy”. Một số thông tin tổng quan về cơ chế chống rung của các hãng trên thị trường.
Nhiếp ảnh gia Trung Thu