fbpx

Chile hủy đăng cai APEC nửa tháng trước ngày hội nghị khai mạc

Chính quyền Chile tuyên bố hủy đăng cai APEC và COP 25, động thái được cho là do tình trạng bất ổn chính trị và các cuộc biểu tình liên tiếp thời gian qua.

Theo AFP, Tổng thống Chile Sebastián Pinera hôm 30/10 xác nhận nước này sẽ hủy đăng cai Hội nghị APEC và Hội nghị quốc tế chống biến đổi khí hậu (COP 25). Nguyên nhân được cho là do tình trạng bạo lực và bất ổn chính trị tại quốc gia Nam Mỹ này.

Đây là một quyết định rất khó khăn, một quyết định khiến chúng tôi thấy đau đớn, bởi chúng tôi hoàn toàn hiểu tầm quan trọng của APEC và COP25 cho Chile và cho toàn thế giới“, Tổng thống Pinera phát biểu từ thủ đô Santiago.

Động thái này trái với tuyên bố của Ngoại trưởng Chile Teodoro Ribera hôm 24/10, khẳng định việc tổ chức APEC và COP 25 sẽ không bị ảnh hưởng. Chile đã dành nhiều tháng để chuẩn bị cho 2 hội nghị này.

Hội nghị APEC dự kiến diễn ra vào tháng 11 trong khi COP vốn sẽ được tổ chức vào tháng 12.

Quyết định của nhà lãnh đạo Chile có nguy cơ tiếp tục làm gián đoạn các nỗ lực quốc tế nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu. Các nước phát thải lớn nhất thế giới đến nay tiếp tục không thực hiện các biện pháp cần thiết để làm chậm lại quá trình ấm lên toàn cầu.

Tình trạng bất ổn tại Chile bùng phát từ hôm 25/10 và chưa có dấu hiệu ngừng lại. Ảnh: Reuters.
Tình trạng bất ổn tại Chile bùng phát từ hôm 25/10 và chưa có dấu hiệu ngừng lại. Ảnh: Reuters.

Trước đó, Chile đã tiến hành cải tổ chính phủ với việc bãi nhiệm 8 quan chức hàm bộ trưởng gồm người đứng đầu Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính, 2 lãnh đạo của Văn phòng Tổng thống, Bộ Kinh tế, Bộ Lao động, Bộ Tài nguyên quốc gia và Bộ Thể thao.

Trong số quan chức bị loại bỏ, đáng chú ý có một số nhân vật được coi là thân cận nhất của Tổng thống Sebastian Pinera như Bộ trưởng Nội vụ Andres Chadwick, người đồng thời cũng là anh em họ của Tổng thống Pinera.

Tình trạng bất ổn tại Chile bùng phát từ hôm 25/10 khi khoảng 1,2 triệu người xuống đường biểu tình, phản đối tình trạng người lao động bị trả lương rẻ mạt, chất lượng hệ thống giáo dục và y tế tồi tệ, trong khi chi phí cho các dịch vụ đời sống cơ bản bị cho là cao quá khả năng chi trả của đa số người dân. Người biểu tình cũng yêu cầu Tổng thống Pinera từ chức.

Tổng thống Pinera sau đó đã công khai xin lỗi người dân Chile, cho biết chính phủ không lường trước được tình trạng bất ổn xã hội bùng nổ. Ông Pinera đồng thời công bố một loạt biện pháp giúp xoa dịu dư luận như tăng lương hưu và lương tối thiểu.

Duy Anh

Theo Zing.vn 

CÙNG CHUYÊN MỤC