fbpx

Các loài động thực vật ngoại lai đáng sợ thế nào?

Du lịch, giao thông và khủng hoảng khí hậu được coi là nguyên do chính của sự gia tăng các loài thực vật và động vật du nhập, góp phần làm suy giảm hệ sinh thái.

Một nghiên cứu mới đây cho thấy sự gia tăng các loài động vật, thực vật không phải là loài bản địa trên khắp thế giới có thể dẫn đến tình trạng mất đa dạng sinh học nghiêm trọng. Việc này gây ra thiệt hại vĩnh viễn khi các hệ sinh thái tự nhiên vượt qua điểm bùng phát.

Loài ngỗng Canada hiện đang định cư ở châu Âu, gây ra mối đe dọa đối với đa dạng sinh học

Mối đe dọa lớn

Nghiên cứu, được công bố trên tạp chí Global Change Biology, là kết quả của cuộc khảo sát về khả năng các xu hướng của con người trong thế kỷ này tác động đến sự đa dạng của sự sống trên Trái đất và hệ sinh thái.

Nhóm nghiên cứu phát hiện ra rằng sự gia tăng 20-30% ở các loài ngoại lai có thể gây ra sự mất mát đa dạng sinh học toàn cầu – và viễn cảnh này sớm xảy ra trong lúc số lượng các loài du nhập đang không ngừng tăng lên.

Các loài động vật, thực vật xâm lấn là một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với đa dạng sinh học trên toàn thế giới. Trong tất cả các hệ sinh thái, động vật ăn thịt, động vật ăn cỏ và động vật hoang dã tiến hóa cùng nhau, điều tiết các quần thể của nhau. Nhưng việc xuất hiện một loài không phải là loài bản địa có thể phá vỡ sự cân bằng đó và quét sạch các sinh vật khác, dẫn đến một quần thể lớn của thực vật hoặc động vật ngoại lai.

Theo Luật đa dạng sinh học Việt Nam 2008, sinh vật ngoại lai là loài sinh vật xuất hiện, sinh trưởng và phát triển ở khu vực mà vốn không phải là môi trường sống tự nhiên của loài đó. Sinh vật ngoại lai xâm hại là loài chiếm nơi sinh sống hoặc gây ảnh hưởng xấu đến những loài sinh vật bản địa của vùng đó.

Chẳng hạn, trên đảo South Georgia ở phía Nam Đại Tây Dương, sự du nhập loài chuột bởi những người săn cá voi đã tàn phá bầy chim sẻ đồng vốn định cư ở đây. Mãi đến năm 2018, hòn đảo mới được xác nhận không còn chuột sau một chương trình diệt trừ.

Ở miền Bắc nước Úc, việc những người chăn nuôi gia súc du nhập cỏ gamba châu Phi gây ra những lo ngại nghiêm trọng về việc quản lý cháy rừng. Các đám cháy từ loài cỏ này có thể dữ dội gấp 12 lần so với cỏ bản địa.

Những động vật ngoại lai đem lại nguy cơ nhiều hơn lợi ích cho môi trường mà chúng du nhập

Tốn rất nhiều tiền để diệt trừ

Nghiên cứu nêu trên cũng cho thấy du lịch là nguyên do chính của các cuộc xâm lược sinh học ở các vùng nhiệt đới, trong khi cuộc khủng hoảng khí hậu đang thúc đẩy những thay đổi ở các vùng cực và ôn đới.

Tiến sĩ Bernd Lenzner, nhà nghiên cứu từ Đại học Vienna, cho biết: “Giao thông là một trong những tác nhân chính dẫn đến việc phân phối lại các loài trên toàn thế giới. Ví dụ, nghề làm vườn và buôn bán vật nuôi đưa các loài thú và cây trồng từ nơi này đi nơi khác theo sở thích của con người. Chúng được phân phối trên khắp thế giới như thế này. Đồng thời, chúng ta có sự di chuyển không có chủ ý nơi các loài đi nhờ như một số sinh vật biển được vận chuyển trong nước dằn tàu. Đây là nước mà khi tàu không chở hàng, hoặc chở quá ít hàng, người ta bơm nước vào các két chuyên dụng trên tàu. Khi tàu lấy hàng thì người ta lại xả nước ra.”

Theo các chuyên gia, nếu một loài xâm lấn thay thế loài bản địa, việc này có thể dẫn đến sự tuyệt chủng cục bộ của một số loài vốn có vai trò rất quan trọng với hệ sinh thái. Có những loài xâm nhập khiến con người phải tốn rất nhiều tiền để diệt trừ vì chúng can thiệp vào môi sinh hoặc đang gây ra các vấn đề về sức khỏe cho con người.

Một số loài hoa hoặc côn trùng ngoại lai có thể đem lại phiền toái cho sức khỏe của con người

Giáo sư Helen Roy, trung tâm Sinh thái, Thủy văn Anh quốc, đồng tác giả nghiên cứu, chia sẻ: “Điều quan trọng là duy trì sự cân bằng để tương tác của các loài trong tự nhiên không bị phá vỡ. Với những cuộc xâm lược từ động thực vật, chúng ta không nhất thiết phải cố gắng trở về một môi trường nguyên sơ mà là nhận biết, kiểm soát mức độ bị tác động của các hệ sinh thái.”

Nghiên cứu cho thấy một số loài ngoại lai có thể gây ra vấn đề thực sự khá nghiêm trọng cho môi sinh. Ví dụ, loài rùa nước ngọt có lúc được người ta nuôi trong nhà như thú cưng. Một số con trốn thoát vào môi trường rộng lớn hơn như sông, hồ và gây hại cho những sinh vật sống ở đó.

Một số ít loài sinh vật như con trai vằn, trăn Miến Điện và cây cốt khí củ trở thành loài xâm lấn trong môi trường mới của chúng bằng cách gây ra những thay đổi vĩnh viễn cho hệ sinh thái bằng cách áp đảo động vật hoang dã bản địa. Trong số này, cốt khí củ được ghi nhận là loài cây không thể diệt tận gốc và khiến các nhà khoa học bất lực hoàn toàn khi tìm cách xử lý nó.

Thiệu Kiệt

(theo Guardian,CBC)

CÙNG CHUYÊN MỤC