fbpx

Bị bắt nạt kéo dài có thể tác động lên hệ thống thần kinh thanh thiếu niên

Trong những năm gần đây, nhiều dữ liệu nghiên cứu đã chứng minh rằng những nạn nhân bị bắt nạt – bao gồm hàng trăm triệu trẻ em và thanh thiếu niên – sẽ bị ảnh hưởng kéo dài nhiều năm hoặc thậm chí vài thập niên. Vấn đề này đã được Tổ chức Y tế Thế giới và Liên Hiệp Quốc công nhận là một thách thức đối với sức khỏe toàn cầu.

Nghiên cứu mới cho thấy việc bị bắt nạt có thể ảnh hưởng đến trẻ em nhiều năm… – Ảnh: Getty

Thế nào là bị bắt nạt?

Bắt nạt thường được định nghĩa là dùng lời nói, hành vi lặp đi lặp lại và có chủ đích nhằm đe dọa, làm hại hoặc làm thiệt thòi cho ai đó được coi là nhỏ hơn, yếu hơn hoặc kém mạnh mẽ hơn. Trong số trẻ nhỏ, các hình thức bắt nạt phổ biến bao gồm lạm dụng ngôn ngữ và gây tổn hại về thể chất. Hành vi này có thể phát triển tinh vi hơn theo tuổi khi những kẻ bắt nạt vị thành niên thường xuyên loại trừ, lăng mạ và chế nhạo mục tiêu của họ. Đôi khi, hành vi này leo thang vào mạng xã hội hoặc không gian mạng giữa các nhóm bắt nạt trong trường học hoặc nơi làm việc.

Các nhà nghiên cứu tin rằng hơn 3,2 triệu sinh viên Hoa Kỳ trải qua tình trạng bị bắt nạt mỗi năm – khoảng 1% dân số toàn quốc. Trong số những học sinh này, có khoảng 10% – 15% trải qua việc bị  bắt nạt kéo dài hơn sáu tháng. Những nạn nhân bị bắt nạt kéo dài như vậy có thành tích học tập kém hơn, tỷ lệ thất nghiệp cao hơn, chưa kể bị trầm cảm, rối loạn lo âu, lạm dụng chất gây nghiện, tự hại mình và có suy nghĩ tự tử.

Những nạn nhân bị bắt nạt kéo dài có  thành tích học tập kém hơn, tỷ lệ thất nghiệp cao hơn, chưa kể bị trầm cảm, rối loạn lo âu, lạm dụng chất gây nghiện, tự hại mình và có suy nghĩ tự tử – Ảnh: Time

Bị bắt nạt kéo dài có thể tác động lên hệ thống thần kinh

Một bài báo được xuất bản vào tháng 12 năm ngoái trên tạp chí Molecular Psychiatry đã làm sáng tỏ một lĩnh vực khác: kiến ​​trúc não bộ. Chấn thương xuất phát từ bắt nạt kinh niên có thể ảnh hưởng đến cấu trúc của não, theo dữ liệu từ những hình ảnh cộng hưởng từ (MRI) được thu thập bởi một nhóm nghiên cứu quốc tế có trụ sở tại đại học King London (*). Những phát hiện này lặp lại kết quả của nghiên cứu trước đây, đã chứng minh những thay đổi tương tự ở trẻ em và người lớn từng trải qua quá trình bị ngược đãi  – khi các em bị người chăm sóc bỏ bê hoặc lạm dụng.

Các nhà nghiên cứu của đại học King đã sử dụng một bộ dữ liệu bao gồm dữ liệu lâm sàng, di truyền và dữ liệu thần kinh của 682 thanh thiếu niên từ Pháp, Đức, Ireland và Vương quốc Anh được thu thập như một phần của dự án nghiên cứu châu Âu được gọi là Nghiên cứu IMAGEN – một trong những nghiên cứu chuyên sâu đầu tiên về việc phát triển não thanh thiếu niên và sức khỏe tâm thần. Trong các nghiên cứu theo chiều dọc, dữ liệu được thu thập trong một số năm. Điều này cho phép các nhà nghiên cứu theo dõi các em lớn lên và xác định xem một số trải nghiệm nhất định – như bị bắt nạt – có liên quan đến những thay đổi cấu trúc trong não hay không. Giới trẻ hoàn thành bảng câu hỏi ở tuổi 14, 16 và 19 về mức độ bắt nạt trong cuộc sống hàng ngày. Việc quét MRI não được thu thập ở tuổi 14 và 19. Các nhà nghiên cứu đã xác định chín khu vực (trái và phải) có liên quan đến sự căng thẳng và ngược đãi.

Phân tích sự thay đổi về thể tích não ở tuổi 19, họ phát hiện ra rằng những người tham gia bị bắt nạt lâu dài đã giảm đáng kể khối lượng của hai vùng não liên quan đến vận động và học tập so với trước đây, cho thấy hậu quả của việc bị bắt nạt. Những người này cũng phải trải qua mức độ lo lắng tổng quát cao hơn.

Erin Burke Quinlan, một nhà thần kinh học tại đại học King London và tác giả chính của nghiên cứu, cho biết, mối quan hệ giữa nạn nhân bị bắt nạt và sự lo lắng tổng quát là do sự sụt giảm nhanh hơn về thể tích của não khiến một số vùng não đang trở nên quá nhỏ. Một nghiên cứu trước đó được công bố trên tạp chí Tâm thần học Hoa Kỳ năm 2010 cũng đã báo cáo những bất thường ở một số vùng não liên quan đến lạm dụng bằng lời nói bởi các đồng nghiệp, mặc dù nghiên cứu chỉ khảo sát những người từ 18 tuổi trở lên.

Tài liệu nghiên cứu còn thấy rằng thanh thiếu niên bị ngược đãi và bắt nạt thường có lượng cortisol thấp. Các thụ thể cortisol có trong hầu hết các tế bào trên khắp cơ thể. Mức cortisol cao hơn cho phép cơ thể hoạt động với hiệu suất cao hơn khi tiếp xúc với tác nhân gây căng thẳng cấp tính. Nhưng sự căng thẳng độc hại của việc trải qua việc bị bắt nạt lâu dài có thể dẫn đến thiệt hại và cái chết của các tế bào thần kinh khiến trí nhớ, nhận thức, giấc ngủ, sự thèm ăn và các chức năng khác liên tục xuất hiện  cảnh báo và không được phép sửa chữa.

Tuy nhiên, những người tham gia Nghiên cứu IMAGEN phần lớn là người da trắng, Tây Âu và thuộc tầng lớp trung lưu và các nhà nghiên cứu muốn thêm sự đa dạng về kinh tế xã hội và chủng tộc vào mẫu của họ. Nhóm nghiên cứu hiện đang làm việc với các nhà nghiên cứu ở Trung Quốc, Ấn Độ và Hoa Kỳ để chia sẻ dữ liệu thần kinh và di truyền của thanh thiếu niên và thanh niên. Các bước tiếp theo trong nghiên cứu, theo bà Quinlan, sẽ là xem xét dữ liệu từ giai đoạn mới nhất ở tuổi 22.

Anh Mi lược dịch

Theo Rod McCullom/Undark (**)

(*) King’s College London – KCL, là một trong những trường đại học danh giá bậc nhất Vương quốc Anh. Được thành lập bởi King Geoge IV và Duke of Wellington vào năm 1829, KCL là ngôi trường lâu đời thứ 3 tại Vương quốc Anh. Trong bảng xếp hạng các trường đại học uy tín QS World University Rankings năm 2012, KCL xếp hạng thứ 26 thế giới và thứ 7 toàn châu Âu. Trường đã có 10 nhà khoa học đoạt giải Nobel là cựu sinh viên và giảng viên của trường.

(**) Tác giả Rod McCullom là một nhà báo khoa học ở Chicago. Tác phẩm của ông đã được Undark, ABC News, The Atlantic, The Nation, Science American, Nature xuất bản cùng với các ấn phẩm khác. Bài viết này được Time đăng lại sau khi xuất bản trên Undark.

 

 

 

CÙNG CHUYÊN MỤC