Ấn Độ bắt đầu có tiệm tạp hóa zero waste
Tại Ấn Độ vừa có một tiệm tạp hóa 40 năm tuổi của gia đình được biến hóa thành cửa hàng zero waste thời thượng, theo trào lưu không rác thải.
Sau một chuyến đi London, Anh quốc, anh Bittu John Kalungal, một cử nhân tốt nghiệp ngành Kỹ thuật Hàng không, bị thuyết phục về khái niệm mua hàng không cần bao bì nhựa.

Nguyên liệu tự nhiên, thân thiện với môi trường
Khi trở về nhà ở Kolenchely, Kerala, Ấn Độ, anh từ bỏ công việc của mình để bắt tay vào chuyển đổi tiệm tạp hóa 40 năm tuổi của gia đình thành cửa hàng zero waste đúng nghĩa. Với tên gọi 7 to 9 green store, cửa hàng tạp hóa này hiện bán các sản phẩm không có bao bì nhựa.
Bittu cho biết: “Tôi phải mất gần một năm rưỡi để chuyển cửa hàng tạp hóa cũ của bố tôi thành zero waste. Việc thiết lập cửa hàng khá tốn kém, tất cả các thùng chứa được sản xuất và nhập khẩu bên ngoài Ấn Độ. Tuy nhiên, vì đây là cửa hàng tạp hóa lâu đời nên việc cung cấp đủ sản phẩm trở nên dễ dàng hơn.”
Việc chuyển đổi định dạng cửa hàng đi kèm với một thách thức: Thay đổi sở thích của khách hàng đối với các thương hiệu cụ thể hơn các sản phẩm không có nhãn hiệu. Chủ cửa hàng đưa ra các mẫu thử để thu hút khách hàng quan tâm. Hầu hết các mặt hàng được bán đều có nguyên liệu tự nhiên, thân thiện với môi trường và được làm tại nhà mà không có chất bảo quản hoặc màu nhân tạo.
Bên trong cửa hàng rộng 500m2 là những dãy thùng chứa các sản phẩm có thể phân hủy sinh học và không chứa hóa chất như nước rửa tay, nước rửa chén, xà bông, bàn chải đánh răng bằng tre và kem đánh răng dạng viên. Một điểm hấp dẫn khác là góc sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, nơi rau được bán không theo bó, để người tiêu dùng có thể mua số lượng họ mong muốn với giá rẻ hơn.

Truyền cảm hứng cho người dân
Theo Bittu, việc duy trì các sản phẩm không hề dễ dàng do thời hạn sử dụng ngắn hơn những sản phẩm chứa trong bao bì nhựa. Ví dụ, thời hạn sử dụng của bột mì không bao bì là ba tuần trong khi các mặt hàng đóng gói sẽ hết hạn trong chín tháng. Vì vậy, cửa hàng đặt mục tiêu bán sản phẩm trong vòng một tuần trước khi có đợt hàng mới. Chủ cửa hàng thuyết phục người tiêu dùng bằng cách nói với họ về hậu quả của rác thải nhựa.
Những khách hàng mang theo hộp đựng hoặc chai lọ của họ đều được giảm giá 2% mỗi khi mua sắm. Nếu không có hộp đựng riêng, họ có thể lựa chọn mua túi vải cotton hữu cơ hoặc chai thủy tinh để sử dụng nhiều lần khi đi mua đồ tạp hóa. Khách hàng có thể giữ lại chai thủy tinh hoặc trả lại cho cửa hàng.
Kể từ khi khai trương, cửa hàng này đã truyền cảm hứng cho những người dân trong khu vực về tác động của việc mua sắm không sử dụng đồ nhựa. Một giảng viên của một trường học địa phương cho biết, nhờ ba tháng liên tục mua hàng tại cửa hàng này, nhà anh ta không còn bất kỳ gói bao bì nhựa nào.
Nhờ hiệu ứng truyền miệng mà cửa hàng 7 to 9 green store khiến các tiệm tạp hóa gần đó phải nỗ lực để bắt kịp xu hướng giảm thiểu bao bì nhựa. Họ bán sản phẩm chăm sóc sức khỏe ở dạng lỏng với giá chỉ bằng một nửa so với sản phẩm đựng trong chai nhựa.
“Rất nhiều người đang yêu cầu nhượng quyền thương mại. Chúng tôi đang xúc tiến việc này. Việc cửa hàng zero waste hiện diện khắp mọi nơi sẽ tạo ra sự khác biệt rất lớn. Hãy tưởng tượng một cửa hàng duy nhất có thể tiết kiệm 1 triệu mảnh rác thải nhựa trong hai năm,” Bittu chia sẻ.
Thiệu Kiệt
(theo DeZeen)