Bác bỏ 15 vấn đề nhiều người lầm tưởng về dịch bệnh Covid-19
WHO đã chính thức bác bỏ 15 quan niệm sai lầm liên quan đến đường lây, cách phòng chống Covid-19.
1, Thời tiết lạnh và tuyết có thế tiêu diệt virus corona chủng mới?
Không có cơ sở nào để tin rằng thời tiết lạnh có thể tiêu diệt SARS-CoV-2 hay các loại virus khác. Nhiệt độ của cơ thể người bình thường duy trì khoảng 36,5°C đến 37°C, không phụ thuộc vào nhiệt độ bên ngoài hay thời tiết.
Cách hiệu quả nhất để bảo vệ bản thân trước virus corona chủng mới là thường xuyên làm sạch tay xà phòng và nước hoặc nước rửa tay khô có cồn.
2, Tắm nước nóng có thể ngăn ngừa virus corona chủng mới?
Không. Tắm nước nóng sẽ không giúp bạn ngăn ngừa bệnh Covid-19.
Như đã nói, nhiệt độ cơ thể của người bình thường luôn duy trì trong khoảng 36,5°C đến 37°C, bất kể nhiệt độ bên ngoài.
Trên thực tế, việc tắm với nước cực nóng còn có thể gây hại, thậm chí khiến bạn bị bỏng.
3, Virus corona chủng mới có thể truyền qua hàng hóa được gửi từ Trung Quốc hoặc các vùng dịch khác?
Mặc dù SARS-CoV-2 có thể tồn tại trên bề mặt trong vài giờ hoặc vài ngày (tùy thuộc vào loại bề mặt), rất ít khả năng virus sẽ tồn tại trên bề mặt sau khi di chuyển và tiếp xúc với các điều kiện, nhiệt độ khác nhau.
Nếu bạn nghĩ rằng một bề mặt có thể bị ô nhiễm, hãy sử dụng chất khử trùng để làm sạch. Sau khi chạm vào bề mặt đó, hãy làm sạch tay bằng xà phòng và nước hoặc nướ rửa tay khô.
4, Virus SARS-CoV-2 có thể lây truyền qua đường muỗi đốt?
Cho đến nay, chưa có thông tin hay bằng chứng nào cho thấy nCoV có thể lây truyền qua đường muỗi đốt.
Loại virus này lây lan chủ yếu qua các giọt bắn khi người nhiễm bệnh ho, hắt hơi hoặc các dịch khi người bệnh sổ mũi. Để bảo vệ bản thân, cách tốt nhất là làm sạch tay thường xuyên. Ngoài ra, tránh tiếp xúc gần với bất cứ ai đang ho và hắt hơi.
5, Máy sấy tay có hiệu quả trong việc tiêu diệt virus corona chủng mới?
Không. Máy sấy tay không có hiệu quả trong việc tiêu diệt SARS-CoV-2.
Để chống dịch Covid-19, bạn nên thường xuyên làm sạch tay bằng nước rửa tay khô hoặc xà phòng và nước. Sau đó, hãy lau khô tay bằng khăn giấy hoặc máy sấy khô tay.
6, Đèn khử trùng bằng tia cực tím có thể tiêu diệt SARS-CoV-2?
Không nên sử dụng đèn tia cực tím để khử trùng tay hoặc các vùng da khác vì bức xạ UV có thể gây kích ứng da.
7, Máy quét thân nhiệt hiệu quả thế nào trong việc phát hiện người nhiễm Covid-19?
Máy quét nhiệt có hiệu quả trong việc phát hiện những người bị sốt (tức là có nhiệt độ cơ thể cao hơn bình thường) do bị nhiễm virus corona chủng mới.
Tuy nhiên, máy này không thể phát hiện những người nhiễm bệnh nhưng chưa có biểu hiện sốt. Nguyên nhân là bởi phải mất 2 đến 10 ngày người bị nhiễm virus mới phát bệnh và bị sốt.
8, Phun cồn hoặc clo lên khắp cơ thể có giúp tiêu diệt virus corona chủng mới?
Không. Xịt cồn hoặc clo lên người không có tác dụng tiêu diệt virus đã xâm nhập vào cơ thể bạn.
Hơn nữa, việc phun các chất này lên người còn có thể gây hại cho quần áo hoặc niêm mạc mắt, miệng.
Lưu ý, cả cồn và clo đều hữu ích trong việc khử trùng bề mặt, nhưng chúng cần được sử dụng theo các khuyến cáo phù hợp.
9, Động vật nuôi có làm lây truyền SARS-CoV-2?
Hiện nay, không có bằng chứng cho thấy động vật nuôi như chó, mèo có thể bị nhiễm virus corona chủng mới. Tuy nhiên, bạn vẫn nên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch khi tiếp xúc với động vật nuôi.
Điều này giúp bảo vệ bạn khỏi nhiều vi khuẩn gây bệnh có thể lây truyền từ động vật sang người như E.coli và Salmonella.
10. Vắc xin phòng bệnh viêm phổi có bảo vệ bạn khỏi virus corona chủng mới?
Không. Vắc xin phòng bệnh viêm phổi như vắc xin phế cầu khuẩn và vắc xin Haemophilus cúm loại B (Hib) không bảo vệ bạn khỏi virus SARS-CoV-2.
Do virus này rất mới và khác biệt nên cần vắc xin đặc hiệu riêng. Các nhà nghiên cứu đang nỗ lực phát triển loại vắc xin chống lại SARS-CoV-2 và WHO đang tích cực hỗ trợ những hoạt động này.
Mặc dù các loại vắc xin hiện tại không có hiệu quả đối với virus SARS-CoV-2, nhưng bạn vẫn nên tiêm vắc xin phòng các bệnh về đường hô hấp để bảo vệ sức khỏe.
11, Thường xuyên rửa mũi bằng nước muối có giúp ngăn ngừa lây nhiễm virus corona chủng mới không?
Không có bằng chứng cho thấy việc thường xuyên rửa mũi bằng nước muối có thể bảo vệ bạn không bị nhiễm SARS-CoV-2.
Một số bằng chứng hạn chế cho thấy thường xuyên rửa mũi bằng nước muối có thể giúp mọi người phục hồi nhanh hơn khi mắc cảm lạnh thông thường. Tuy nhiên, việc làm này chưa được chứng minh là có khả năng ngăn ngừa các nhiễm trùng đường hô hấp.
12, Ăn tỏi có thể giúp ngăn ngừa nhiễm Covid-19?
Tỏi là loại thực phẩm tốt cho sức khỏe và có thể có một số đặc tính kháng khuẩn. Tuy nhiên, không có bằng chứng trong đợt bùng phát dịch này cho thấy ăn tỏi có thể bảo vệ mọi người khỏi virus SARS-CoV-2.
13, Virus corona mới chỉ lây bệnh ở người già, hay người trẻ cũng bị bệnh?
Những người lớn tuổi và những người có các bệnh nền (như hen, đái tháo đường, bệnh tim) có nhiều nguy cơ bị bệnh nặng bởi virus mới hơn.
WHO khuyến cáo người dân ở tất cả các độ tuổi chủ động phòng bệnh cho mình, ví dụ bằng cách thực hiện tốt vệ sinh tay và vệ sinh hô hấp.
14, Kháng sinh có thể phòng và điều trị virus corona chủng mới không?
Không. Kháng sinh không thẻ diệt được virus mà chỉ có tác dụng với vi khuẩn. SARS-CoV-2 là virus, bởi vậy kháng sinh không phải là biện pháp để phòng hay điều trị bệnh.
Tuy nhiên, nếu bạn phải nhập viện do mắc Covid-19, bạn có thể được chỉ định dùng kháng sinh để điều trị các bệnh do đồng nhiễm vi khuẩn.
15, Đã có thuốc đặc hiệu nào để phòng và điều trị SARS-nCoV-2?
Cho đến nay, không có thuốc đặc hiệu nào để phòng và điều trị virus SARS-nCoV-2. Tuy nhiên, những trường hợp bệnh do nhiễm virus vẫn cần được chăm sóc phù hợp và điều trị triệu chứng. Những trường hợp bệnh nghiêm trọng cần được chăm sóc và điều trị tích cực.
Một số biện pháp điều trị đặc hiệu đang được nghiên cứu và sẽ được thử nghiệm lâm sàng. Tổ chức y tế thế giới đang hỗ trợ thúc đẩy các nỗ lực nghiên cứu và phát triển với nhiều đối tác.
Nguyễn Liên
Theo vietnamnet.vn/ WHO
Link nguồn: https://vietnamnet.vn/vn/suc-khoe/suc-khoe-24h/who-chi-ra-15-quan-niem-sai-lam-lien-quan-den-benh-covid-19-623021.html