Bà chủ quán nhạc và sân chơi ý nghĩa dành cho người khuyết tật
Thời gian gần đây, Thụy Uyên, chủ một quán nhạc ca nhạc nhỏ ở Sài Gòn luôn là mối quan tâm của những người khuyết tật yêu ca hát. Bởi chị chính là người khởi xướng cuộc thi hát dành cho những người có số phận không may, từ 5 năm nay.
Khán giả có kẻ nhớ người chưa với tên tuổi nữ ca sĩ này, bởi đây không phải là giọng ca của những nhạc phẩm thời thượng. Ai quan tâm lắm mới nhớ ra Thụy Uyên là một khuôn mặt thí sinh của cuộc thi hát Tình Bolero 2019, bảng phòng trà, mới phát gần đây trên đài truyền hình Vĩnh Long. Những ai yêu các đêm nhạc trữ tình các thập niên trước, hay lui tới các quán nhạc lớn nhỏ ờ Sài Gòn, thì hẳn có biết bà chủ ca sĩ, có quán nhạc nho nhỏ mang tên Grin nép dưới vòm hoa trang leo yên ả trong con hẻm 518 Lê Văn Sỹ, quận 3, Sài Gòn. Nhưng với nhiều người khuyết tật ở Sài Gòn và các vùng lân cận, thì họ quen mặt gọi tên chị từ 5 năm nay, như một người thân, một chốn tìm về, khi Thụy Uyên lần đầu tiên đứng ra tổ chức một cuộc thi hát đặc biệt, riêng cho những người có số phận không may.
Cuộc thi hát mang tên Giai điệu trái tim, được hình thành từ những câu chuyện rất tình cờ mà xúc động. Hồi đó, nhiều lần đi biểu diễn cùng các đoàn từ thiện, Thụy Uyên có dịp gặp gỡ nhiều người khuyết tật. Khi giao lưu, Thụy Uyên thấy các bạn coi mình như là thần tượng để ước ao một ngày được đứng trên sân khấu cầm micro như thế. Những ước mơ rất xa tầm tay với, khi thực tế, các sân khấu ca nhạc lẫn cuộc thi hầu như đâu có chỗ cho những thân phận như vậy. Đây là một trong những điều khiến Thụy Uyên phải gầy dựng được cuộc thi ca hát dành riêng cho người khuyết tật.
Mùa đầu tiên, năm 2014, chương trình diễn ra trong quán nhạc nhỏ xíu của chị. Mọi chi phí đều do Thụy Uyên tự bỏ tiền túi và vận động thêm vài người bạn thân có thiện chí để tổ chức. Chỉ đưa thông tin trên facebook, vậy mà cuộc thi cũng thu hút hơn 60 thí sinh từ các tỉnh, thành phía Nam. Duy trì một cuộc thi hát, dù rất nhỏ, cũng không hề dễ dàng. Có năm vì quá mệt mỏi, tiền túi cạn, khó khăn bủa vây, Thụy Uyên tính “bỏ cuộc chơi”. Nhưng cứ vào tháng 4 hằng năm, các bạn đã í ới hỏi han, chị lại không nỡ.
Là sân chơi theo kiểu “vui là chính” dành cho người khuyết tật đam mê ca hát nhưng Thụy Uyên vẫn tổ chức chương trình khá bài bản, chuyên nghiệp với các phần thưởng giá trị. Từ vài chục thí sinh mùa đầu, năm 2018 đã thu hút trên 100 thí sinh tham gia. Họ được Thụy Uyên lo ăn ở, đi lại miễn phí.
Nhiều mảnh đời bất hạnh xem Giai điệu trái tim như mái nhà thân thương của mình, một nơi để tìm đến mỗi năm, nên cũng dễ hiểu khi có rất nhiều gương mặt thi từ năm này qua năm khác. Thí sinh khiếm thị Huỳnh Thảo Tâm Thương là một ví dụ. Anh nói: “Tui tham gia cuộc thi đến chai mặt không phải vì ham hố đoạt giải cao, mà vì nơi đây tạo cơ hội cho những người khuyết tật tụi tui giao lưu và hát với nhau. Hát để nhìn thấy cuộc đời bằng âm nhạc và xóa tan những nhọc nhằn của cuộc sống”.
Chàng trai Mai Khánh Phụng, quán quân Giai điệu trái tim lần 4 thì hồ hởi khoe: “Nhờ chương trình mà lần đầu tiên cả nhà tui ôm nhau khóc sung sướng như vậy. Má tui cứ biểu bà không ngờ thằng con què quặt lê la khắp chợ Thủ Dầu Một, Bình Dương bán rổ rá, kẹo kéo để được thỏa chí hát hò lại ẵm giải Nhất. Sau chương trình nó lại còn được các nhạc sĩ, ca sĩ nổi tiếng mời đi diễn chung nữa chứ.”
Trước những tâm sự ấy, người cầm trịch như Thụy Uyên bỏ cuộc thi sao đành. Không những thế, niềm vui tinh thần của những mảnh đời không may mắn là nguồn năng lượng tích cực để chị có thể gồng gánh tiếp tục. Năm nay chị quyết tâm “chơi lớn”, thật ra là cũng để thỏa ước muốn của mình, đưa các thí sinh của cuộc thi Giai điệu trái tim về quê nhà mình ở Đà Lạt, dự định bắt đầu từ tháng 7 này. Thế là Thụy Uyên lại tích cực đi cày và gom góp khắp nơi, để lo cho cuộc thi mình đã nặng nợ 5 năm qua!
Sơn Trà
Theo Netquang.vn