Mạc Can: Ông hề già lạc quan
Mạc Can là một nghệ sĩ hài. Hơn nửa thế kỷ ông đóng kịch, đóng phim, làm những trò ảo thuật nho nhỏ khiến khán giả người lớn lẫn khán giả trẻ con đều thích thú. Tuổi trung niên, ông bỗng thành nhà văn viết cuốn tiểu thuyết nổi tiếng Tấm ván phóng dao với một bút pháp lạ lùng. Nhưng bây giờ ông đang sống cô đơn một mình trong cảnh thiếu thốn.
Nói về phim cổ tích thì có lẽ cố nghệ sĩ Lê Bình và nghệ sĩ Mạc Can là “trùm”, đóng quá nhiều vở kịch lẫn phim, đến không còn nhớ nổi những vai gì. Cặp bài trùng này gắn bó với nhau từ thuở cơ hàn đến khi nổi tiếng. Và cả hai cũng giống nhau ở chỗ đều là những cây hài được ái mộ, với nét hài chậm rãi, tưng tửng, mà gây cười lúc nào không biết. Nhưng mỗi người cũng có những khoảng trời nghệ thuật riêng, Lê Bình còn có hàng trăm bộ phim nhựa lẫn truyền hình, còn Mạc Can thì có mấy cuốn tiểu thuyết và hàng trăm truyện ngắn, truyện cười trên các báo.
Tình bạn này vẫn thấm đẫm trong giọng nói Mạc Can… Khi tôi hẹn ông qua căn tin 5B ngồi cà phê như thường lệ, ông hỏi: “Rủ Lê Bình chưa?”. Tôi cũng trả lời tỉnh bơ: “Tự hôm rày sao tắt máy mất tiêu. Hổng biết đi đâu mà lâu dữ! Để tui gọi nữa coi”. Mạc Can ừ: “Nghe nói đi đóng phim cho Diêm Vương, chắc quay nhiều tập nên lâu về”. Nói rất tỉnh, nhưng cả tôi lẫn Mạc Can đều ứa nước mắt, vì hiện về hình ảnh Lê Bình hay ghé 5B với anh em. Mạc Can bật ra tên Lê Bình tự nhiên như một nỗi nhớ dồn nén. Tôi chỉ định viết về ông, nhưng ông bỗng nhắc Lê Bình làm mình mới hiểu nỗi lòng của một người già lặng lẽ ấp ôm kỷ niệm…
Mạc Can già hơn cái tuổi 74 của ông. Có lẽ do cuộc đời rày đây mai đó khiến ông nhuộm sương nắng phong trần. Hồi ấu thơ thì cùng cha lang thang trên chiếc ghe bầu, làm ảo thuật, xiếc mưu sinh. Giã từ chiếc ghe lên bờ, thì lang thang với nghề diễn, đóng phim, vẫn là đời gạo chợ nước sông. Có một gia đình vợ con đề huề, cả cháu nội cháu ngoại, nhưng không lâu thì tan đàn xẻ nghé. Cả chục năm nay ông sống một mình, lúc thì ở nhờ nhà thờ tại Thủ Đức, nay ở trọ tại Thanh Đa. Ông có chiếc xe máy cũ, chạy chầm chậm đi làm, mà bây giờ ông nói: “Chạy cũng sợ quá! Xe đông quá! Chân yếu quá!”. Kiểu nói vậy đó, vừa than mà vừa giỡn.
Hỏi ông làm đủ sống không, ông lắc đầu: “Không được nói vậy nhe. Phải nói là sống thiếu thốn. Thiếu nên nó thốn!”. Trời ơi, mới vừa bùi ngùi đó đã mắc cười liền với ông hề này. Thật ra ông vẫn còn đi đóng phim lai rai, hiện đang đóng cổ tích nữa, và viết truyện ngắn cho mấy tờ báo chính thống lẫn báo cười. Ông khoe: “Nhà xuất bản nói tháng 9 này tái bản cuốn Tấm ván phóng dao và Vừa đi vừa nhìn vừa suy nghĩ của tui”. Mừng cho ông. Hỏi được bao nhiêu nhuận bút, ông xời ơi: “Họ chưa nói. Nhưng hổng có để ý. Vui vì sách ra hơn là tiền”. Thật sự ông đi kiếm từng đồng nhưng Tấm ván phóng dao lại là một nét son trong sự nghiệp của ông, không thể đo bằng tiền. Mỗi người có một đỉnh núi để leo lên, và có khi đó là đỉnh núi duy nhất, một tác phẩm để đời, hạnh phúc ấy vượt qua mọi toan tính vật chất.
Ông vẫn còn ôm chiếc laptop cũ mà gõ gõ suốt ngày. Quanh quẩn cùng con chữ, quanh quẩn với căn nhà trọ bé tí, Mạc Can không than thở tiếng nào. Gặp ông thì vẫn nét mặt tỉnh bơ, thậm chí còn khoái làm trò cho bạn bè coi. Trò mà ông thích nhất là mếu. Cái miệng kéo xuống, mếu máo như sắp khóc, như trẻ con làm nũng. Hễ bạn bè cười ré lên là ông chịu lắm. Và dứt khoát ai hỏi thì trả lời là 47 tuổi.
Khi ông chia tay ra về, nhìn theo chiếc lưng còng còng cố dắt chiếc xe cũ kỹ, ai cũng nhói lòng. Không giấu được vẻ cô đơn, lầm lũi. Không giấu được vẻ già yếu, mệt mỏi. Không giấu được thân phận nghệ sĩ buổi xế chiều…
Hoàng Kim
Theo Thanh Niên Online