Nghe nhạc giúp kích thích tư duy sáng tạo hay bóp nghẹt?
Ngày 16/7, một bài báo trên chuyên mục sức khoẻ của Time (Hoa Kỳ) cho biết: Nghe nhạc trong khi bạn làm việc có thể sẽ làm giảm khả năng sáng tạo của bạn. Bài báo trích dẫn kết luận của một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Applied Cognitive Psychology (Hoa Kỳ) khi xem xét ảnh hưởng của các loại nhạc nền khác nhau trong việc sáng tạo.
Trong nghiên cứu, các nhà nghiên cứu ở Vương quốc Anh đã giới thiệu cho mọi người hàng loạt các trò chơi đố chữ được thiết kế để đo lường sự sáng tạo và sự hiểu biết. Những người tham gia nghiên cứu đã hoàn thành các câu đố trong một không gian yên tĩnh hoặc với nhạc nền. Cho dù âm nhạc đó là quen thuộc hay xa lạ, chỉ là giọng hát hay chỉ sử dụng các loại nhạc cụ, những người hoàn thành bài kiểm tra trong khi nghe nhạc chỉ có điểm số trung bình. Phát giác này đã thách thức quan điểm rằng nghe nhạc trong khi làm việc hay học tập sẽ tăng cường khả năng sáng tạo.
Thế nhưng, nhiều nghiên cứu về âm nhạc và sự sáng tạo cho rằng tuỳ thuộc vào nghề nghiệp hay công việc bạn đang làm thì việc nghe một số loại nhạc nhất định vẫn hữu ích. Chẳng hạn, một nghiên cứu năm 2017 trên tạp chí Plos One (Hoa Kỳ) đã phát giác ra rằng việc nghe nhạc vui vẻ, được định nghĩa là những giai điệu lạc quan đã kích thích mọi người có tư duy khác biệt, đó là thành phần cốt lõi của sự sáng tạo. Bà Simone Ritter, đồng tác giả của nghiên cứu trên tạp chí Plos One và là giáo sư trợ lý tại đại học Radboud Nijmegen ở Hà Lan cho biết bản chất kích thích của âm nhạc sống động bằng cách nào đó đã tiếp thêm năng lượng cho bộ não, điều này dẫn đến những ý tưởng độc đáo hoặc sáng tạo.
Cũng có những nghiên cứu chỉ ra rằng nghe nhạc có thể làm giảm sự lo lắng và cải thiện tâm trạng, và những thay đổi này có thể tạo điều kiện cho sự sáng tạo. Ông Mark Beeman, chủ tịch tâm lý học tại đại học Northwestern và phụ trách chính tại phòng thí nghiệm NU’s Creative Brain cho biết tâm trạng tích cực hữu ích với sự đột phá hoặc sáng tạo. Trong khi đó, nếu ai đó lo lắng, thì sự lo lắng này có xu hướng khiến họ tập trung hơn, điều này không hữu ích với sự sáng tạo.
Làm thế nào mà việc tập trung lại là một điều xấu với sự sáng tạo? Beeman đã dành hai thập niên để nghiên cứu bộ não và các quá trình sáng tạo được trình bày trong cuốn sách của ông xuất bản năm 2015 là The Eureka Factor: Aha Moments, Creative Insight and the Brain. Ông giải thích rằng quá trình sáng tạo có xu hướng mở ra trong từng giai đoạn.
Giai đoạn đầu tiên thường liên quan đến việc nghiên cứu một vấn đề hoặc tình huống khó xử và tại thời điểm này, nếu bạn tiếp tục tập trung quá nhiều vào một vấn đề, điều đó có xu hướng làm cho bộ não khó đưa ra những ý tưởng khác biệt hoặc mới lạ. Có thể ví những ý tưởng khác biệt giống như một ngôi sao mờ biến mất khi bạn nhìn thẳng vào nó. Để nhìn thấy ngôi sao, bạn phải nhìn nó từ khóe mắt, và những ý tưởng sáng tạo cũng có thể giống như vậy. Bạn cần phải tập trung vào những ý tưởng mạnh mẽ, rõ ràng để tránh bị đè bẹp bởi những ý tưởng khác.
Khi một người đã kiểm tra chặt chẽ một vấn đề và gặp phải trở ngại, giai đoạn tiếp theo Beeman gọi là ươm mầm sáng tạo. Đây là nơi mà âm nhạc phát huy tác dụng. Trong giai đoạn này, có một quá trình tiếp tục trong tâm trí mà bạn vẫn đang nghiền ngẫm vấn đề trong vô thức. Thời kỳ ươm mầm này thường tạo ra một số nhận thức về các vấn đề như khi bạn có thể nhớ lại một từ, nhưng sau đó nó lại xuất hiện trong đầu bạn sau khi bạn nghĩ rằng bạn đã ngừng nghĩ về nó.
Nghe nhạc, mặt khác, có thể chỉ là một loại chuyển hướng nhẹ giúp thư giãn não bộ trong khi vẫn cho phép nó thực hiện ý tưởng mới hiệu quả, ông nói. Beeman không tranh chấp kết quả của nghiên cứu mới cho thấy âm nhạc làm suy yếu việc sáng tạo. Ông nói rằng âm nhạc có thể không giúp mọi người giải được thể loại câu đố cụ thể đòi hỏi sự chú ý tập trung của người dùng. Khi đó, mọi thể loại âm nhạc có thể gây xao lãng, nghĩa là làm giảm sự chú ý tập trung.
Vì vậy, nếu một người đang ở giữa giai đoạn đầu tiên của sự sáng tạo, liên quan đến việc phân tích một vấn đề và loại bỏ các lựa chọn hoặc giải pháp rõ ràng, nhạc nền có lẽ không hữu ích. Nhưng nếu bạn đang mắc kẹt trong một vấn đề và bạn đang tìm kiếm nguồn cảm hứng sáng tạo, bạn nên nghỉ ngơi để nghe nhạc hoặc đi lang thang để cho phép não bộ tự do tìm kiếm những ý tưởng mới.
Trong những trường hợp đó, bạn nên bật loại nhạc nào? Beeman cho rằng tùy thuộc vào từng cá nhân. Ông nói: Đối với hầu hết, tôi nghĩ rằng thực sự hữu ích nếu bạn nghe một thứ gì đó dễ chịu và thân thuộc, không quá mới lạ.
Anh Mi lược dịch
Theo Markham Heid/Time