fbpx

Sự hấp dẫn bí ẩn và nguy hiểm của một cánh đồng

Không phải đợi đến khi Cánh đồng Chum trở thành di sản thế giới, nó mới được người ta chú ý đến, mà đây là địa điểm thú vị không thể bỏ qua mỗi khi du khách có dịp đến Lào.

Đây là một địa điểm nổi tiếng của tỉnh Xiêng Khoảng (Xiengkhuang) và tôi là một trong những kẻ bị hấp dẫn, nên đã đáp chuyến bay từ Viêng Chăn đi Xiêng Khoảng trên chuyến bay của hãng hàng không Lào, dù biết rõ các tổ chức hàng không quốc tế nhận định rằng Lào là một trong những quốc gia có ngành hàng không kém an toàn nhất thế giới.

Phong cảnh như phản ánh nhịp sống bình yên thong thả của người Lào. Ít ai ngờ vùng đất này từng bị chiến tranh tàn phá nặng nề.
Phong cảnh như phản ánh nhịp sống bình yên thong thả của người Lào. Ít ai ngờ vùng đất này từng bị chiến tranh tàn phá nặng nề.

Thi trấn của vết tích đạn bom

Ấn tượng của tôi với Xiêng Khoảng không chỉ vì thị trấn nằm bình yên hiền hòa trên triền đồi, mà là như thể chiến tranh mới đi qua nơi này gần đây thôi. Các phế liệu thời chiến tranh, vỏ đạn, bom, mìn… hiện diện khá nhiều. Hình như hiếm nơi nào trên thế giới dùng phế liệu chiến tranh làm vật trang trí nhiều như Xiêng Khoảng. Xiêng Khoảng còn nổi tiếng với khách du lịch, nhất là Tây ba lô vì có hẳn một quán bar bom, nghĩa là trang trí bằng rất nhiều các thể loại bom to nhỏ khác nhau. Quán bar độc đáo này khá đông khách vì luôn đem lại cảm giác lạ và mạnh. Khách sạn nơi tôi ở cũng “trang trí” khá nhiều quả và mảnh bom nơi mặt tiền, hàng rào, trong tiền sảnh. Thậm chí, vẫn còn một số trường học làm kẻng bằng quả bom thay trống.

Một góc thị trấn Xiêng Khoảng với xa xa là một resort trên triền núi.
Một góc thị trấn Xiêng Khoảng với xa xa là một resort trên triền núi.

Điều này khiến Xiêng Khoảng độc đáo và đây cũng như một lời nhắc nhở về sự tàn khốc của chiến tranh; cảnh báo mọi người phải cẩn trọng vì bom đạn còn lẩn khuất rất nhiều trong lòng đất. Cho nên, đến Xiêng Khoảng, tốt nhất là bạn nên đi theo chỉ dẫn, đọc kỹ các tấm bảng cắm trên đường đi và rất không nên lang thang một mình ngoài đồng, ngoài rừng nếu không có người am hiểu địa phương đi cùng. Các cơ quan tháo gỡ mìn quốc tế như UXO và MAG ước tính khoảng 30 – 40 năm tới mới có thể cơ bản xóa xong bom mìn chưa nổ ở Lào. Thậm chí, trong Cánh đồng Chum, điểm du lịch hấp dẫn nhất của nơi này, cũng thấy rõ ràng sự hiện diện của bom đạn chiến tranh.

Một quán bar được trang trí bằng những vỏ bom thời chiến tranh.
Một quán bar được trang trí bằng những vỏ bom thời chiến tranh.

Người Lào vốn rất lạc quan, người già ở Xiêng Khoảng từng sống với mưa bom bão đạn, lớp trẻ sau này lớn lên nhìn thấy vỏ bom đạn nhan nhản khắp nơi nên có lẽ đã quá quen mắt và cảm thấy bình thường. Còn với những người chưa từng sống một ngày qua chiến tranh, chưa từng nhìn thấy nhiều bom đạn thế này như tôi, khi chạm tay vào những vật trang trí bằng vỏ đạn lạnh lẽo, đen trũi không khỏi có cảm giác sờ sợ, lành lạnh nơi sống lưng.

Cánh đồng Chum kỳ lạ

Cánh đồng Chum là một cánh đống đặc biệt so với các cánh đồng khác trên thế giới, vì nó có hàng ngàn chum bằng đá nằm rải rác dọc theo cánh đồng thuộc cao nguyên Xiêng Khoảng. Người ta đếm được có gần 2.000 cái chum đá khổng lồ tại 52 điểm. Cánh đồng Chum tôi đến là ở Bản Ang, địa điểm nổi tiếng nhất với khoảng 334 cái chum nằm nghiêng nghiêng nhiều hướng trên một ngọn đồi gió lộng, xung quanh là khu đồi trọc thưa thớt điểm xuyết những mái nhà sàn Lào nằm lặng lẽ yên bình.

Quang cảnh một góc cánh đồng Chum.
Quang cảnh một góc cánh đồng Chum.

Truyền thuyết Lào cho rằng trong cánh đồng chum này có người khổng lồ sinh sống. Một truyền thuyết khác thì loan câu chuyện là nhà vua Khun Chyn sau khi thành công trong cuộc chiến chống lại kẻ thù của mình đã ra lệnh làm các chum đá đựng rượu gạo khao quân.

Những chiếc chum cổ này rất lớn, cao hơn người thật.
Những chiếc chum cổ này rất lớn, cao hơn người thật.

Đa số những chiếc chum trời này được thực hiện từ đá cứng tự nhiên liền khối, chủ yếu là đá granit; một số chum được tạo hình từ sa thạch, đá tổ ong… Phần lớn những cái chum này không dựng đứng mà nằm theo chiều nghiêng 25 – 35 độ. Chúng có hình dạng và kích cỡ khác nhau, chẳng cái nào giống cái nào: có cái hình vuông, hình tròn hoặc hình trụ; chum miệng lồi hoặc miệng tròn; khối lượng và kích thước lớn mà tôi chưa từng thấy ở nơi đâu trước đó, có cái to vừa vòng tay ôm, có cái muốn đến miệng xem thì phải leo lên, cao hơn cả đầu người…

Cánh Đồng Chum ở Bản Ang, là địa điểm nổi tiếng nhất với khoảng 334 chum nằm nghiêng ngả trên đồi.
Cánh Đồng Chum ở Bản Ang, là địa điểm nổi tiếng nhất với khoảng 334 chum nằm nghiêng ngả trên đồi.

Màu của các chum là màu đen của đá, không thấy cái nào có nắp. Chúng nằm chỗ thì túm tụm, chỗ thì rải rác. Có cái đã nứt toác ra theo thời gian hàng ngàn năm, có cái thì còn gần như nguyên vẹn. Chiều cao và đường kính từ 1 – 3m, đa phần nặng trên một tấn, đặc biệt chum được xem lớn nhất ước nặng khoảng 6 tấn.

Những tranh cãi chưa hồi kết và một di sản thế giới nguy hiểm

Hàng thế kỷ đã trôi đi kể từ khi các nhà khảo cổ học phát hiện ra những cánh đồng kì bí này nhưng cho đến ngày nay, nguồn gốc của các “cánh đồng chum này” vẫn chỉ là một dấu hỏi lớn.

Các nhà khảo cổ học cho rằng các chum đá đã được người cổ đại sinh sống ở Đông Nam Á sử dụng từ cách đây 1500 đến 2000 năm, do những người thuộc nhóm Môn-Khmer mà nền văn hóa của họ ngày nay vẫn còn nhiều bí ẩn, làm ra. Phần lớn các hiện vật khai quật có niên đại 500 năm trước Công nguyên – 800 năm sau Công nguyên. Còn theo các nhà nhân chủng học và sử học, những chiếc chum đá này có thể được sử dụng làm bình đựng di cốt trong tang lễ hoặc để trữ nước. Không chỉ tranh trãi với nhau giữa các nhà nghiên cứu về chức năng của những chiếc chum khổng lồ này, người ta còn miệt mài bàn luận phân tích một chuyện khó hiểu khác. Với chừng ấy quả chum khổng lồ nặng nề như thế, người xưa đã vận chuyển chúng về cánh đồng này như thế nào, bằng cách gì.

Khách tham quan được yêu cầu đi đúng tuyến đường đã định để đảm bảo sự an toàn.
Khách tham quan được yêu cầu đi đúng tuyến đường đã định để đảm bảo sự an toàn.

Những cuộc tranh cãi về cánh đồng chum vẫn tiếp tục và những chiếc chum khổng lồ nằm trơ gan cùng năm tháng trên cánh đồng vẫn cứ giữ trong lòng nhiều bí ẩn. Điều này càng khiến cánh đồng chum thêm phần hấp dẫn du khách gần xa. Việc UNESCO sắp công bố vào cuối tháng 6 này tại Azerbaijan, rằng Cánh đồng Chum là Di sản thế giới sau 20 năm xét duyệt càng làm tăng thêm sự tò mò, kích thích du khách tìm đến Lào, tìm đến nơi này.

Bên cạnh những cái chum bí ẩn là hiện thực chiến tranh còn đó, thông qua tấm bảng này. (Tạm dịch: Hố bom trong chiến tranh từ năm 1965-1973).
Bên cạnh những cái chum bí ẩn là hiện thực chiến tranh còn đó, thông qua tấm bảng này. (Tạm dịch: Hố bom trong chiến tranh từ năm 1965-1973).

Cũng cần phải nói thêm, Cánh đồng Chum vẫn là một trong những địa điểm khảo cổ nguy hiểm nhất thế giới. Những quả bom chưa nổ sót lại thời chiến tranh vẫn còn khả năng gây thương tích mãi về sau. Bạn phải lưu ý nơi nào cắm cột mốc bê tông sơn màu đỏ nghĩa là mới rà phá bom mìn ở lớp đất mặt nên không an toàn, còn cột bê tông sơn màu trắng đánh dấu khu vực đã rà phá xong!

Bài & ảnh: Lê Minh Hạ
Theo Netquang.vn

CÙNG CHUYÊN MỤC