Bài học từ A time to kill
Mấy ngày gần đây, dư luận đang bức xúc khi đối tượng sàm sỡ cô gái trong thang máy ở Hà Nội chỉ bị phạt 200.000 đồng, còn bị can xâm hại trẻ em được tại ngoại.
Danh dự nhân phẩm của một cô gái chỉ đáng vài tô phở, cái án phạt như thế không làm chùn bước những tên tội phạm mà còn khuyến khích chúng. Không thỏa lòng với án phạt dành cho kẻ biến thái, người dân đã bảo nhau in ảnh y dáng khắp nơi như một lời cảnh báo, đồng thời cũng là sự trừng phạt về mặt đạo đức.
Những sự việc này khiến chúng ta nhớ lại cuốn tiểu thuyết và bộ phim cùng tên A time to kill.
Phim A time to kill ra mắt năm 1996 lấy bối cảnh một thị trấn nhỏ của nước Mỹ nhưng chứa đựng những xung đột ngấm ngầm của nạn phân biệt chủng tộc. Một ngày nọ, cô bé da màu 10 tuổi đang trên đường từ tiệm tạp hóa về nhà thì bị hai thanh niên da trắng lêu lổng bắt hiếp, tra tấn và cuối cùng ném cô bé xuống vực để phi tang. May mắn thay, cô bé đã sống sót, nhận diện được khuôn mặt kẻ thủ ác, hai tên ác nhân nhanh chóng bị bắt để chờ ngày xét xử…
Bản điện ảnh này được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn John Grisham. Năm 1984, khi đang lang thang quanh tòa án (Grisham vốn là luật sư được đào tạo bài bản), ông tình cờ nghe được câu chuyện của cô bé 12 tuổi thuật lại cho bồi thẩm đoàn, rằng em đã bị hiếp và đánh đập thế nào, ông thấy lúc đó bồi thẩm đoàn đã khóc. Những giọt nước mắt ấy đã khởi sinh ra nguồn cảm hứng cho tiểu thuyết đầu tay của ông. Suốt 5 năm kế tiếp, ông đánh vật với câu chuyện và phải đến năm 1989, sau khi bị 28 nhà xuất bản từ chối, tiểu thuyết “A time to kill” mới ra mắt độc giả và trở thành hiện tượng.
Trong A time to kill, người cha có cô con gái bị hại biết chắc rằng những kẻ thủ ác kia cùng lắm chỉ ngồi tù 10 năm. Không thỏa lòng với phán quyết đó, ông đã vác súng bắn chết hai tên tội phạm và làm bị thương một phó cảnh sát trưởng ngay tại tòa án. Thời lượng còn lại của bộ phim chính là sự giằng xé của luật sư cũng có con gái nhỏ, bào chữa cho người cha đang quẫn trí nọ. Đó là thảm cảnh xảy ra khi công lý không thể thỏa mãn người dân vô tội.
Kênh BBC vừa công bố đoạn clip một con ếch cha để bảo vệ đàn con tương lai đã dụ đàn ong dữ đến tấn công mình thay cho đám trứng. Tình cảm phụ tử lúc nào cũng thiêng liêng. Viên cảnh sát bị trúng đạn lạc của người cha báo thù trong A time to kill phải cưa mất một chân nhưng khi ra tòa làm chứng kết án người cha nọ thì viên cảnh sát đã tuyên bố người cha ấy không có tội, ông nói rằng là một người cha, ông cũng sẽ giết bất kỳ kẻ nào dám làm tổn thương đến sự ngây thơ thuần khiết của con gái ông.
Bộ phim khép lại như ai cũng có thể đoán, người cha được tuyên trắng án. Nhưng sự đời nào có đơn giản như phim, khi công lý không nằm trong ngòi bút nhà văn, phải trái không chỉ mấy lời hoa mỹ của luật sư trước bồi thẩm đoàn. Công lý không phải được sinh ra để thỏa mãn số đông nhưng một khi số đông thấy rằng công lý không được thực thi triệt để thì lẽ hiển nhiên những mối bất bình sẽ sinh ra, không còn tin vào sự công bằng của pháp luật nữa.
Vụ việc sàm sỡ bị phạt 200.000 đồng không chỉ gây ngạc nhiên trong nước mà còn xuất hiện trên các trang tin tức nước ngoài. Thời gian qua, ta đã thấy nhiều trường hợp kẻ gây ác chính là gia đình của người bị hại, như trường hợp người vợ chém chết tên trộm giết chồng mình và không phải bất kỳ vụ án nào cũng có cái kết thỏa lòng như A time to kill.
Huỳnh Trọng Khang
Theo Người Lao Động