Quà phương xa
Quà phương xa luôn hấp dẫn vì mang hương vị lạ.
Giọng Quảng Ngãi nghe lạ tai nhưng quà Quảng Ngãi rất ngon ngọt, đó là cảm nghĩ của tôi khi lần đầu được ăn miếng kẹo gương Quảng Ngãi nhiều năm trước.
Chú hàng xóm quê ở Thu Xà ngoài Quảng Ngãi rất vui khi cả xóm xúm vào khen món kẹo gương mới mang từ quê vào để biếu từng nhà. Miếng kẹo không chỉ ngon mà còn đẹp, mỏng và trong veo như thủy tinh, vàng như mật, điểm nhiều hột đậu phộng rang vàng và lấm tấm mè. Nó nhẹ nhàng, mảnh khảnh và giòn rụm, ăn không ngập răng, không ngán như ăn mè xửng Huế, không làm nặng bụng và không quá ngọt ngào.
Chú Xồi, bán hủ tíu gõ ngoài đường rầy cổng số 8 khi được mời ăn thử, bảo người Tiều cũng có loại kẹo y hệt như vầy, tên là “pô lý thừng” nghĩa là kẹo pha lê. Nhưng chú bảo không thấy ai làm nữa. Nên kẹo gương là của Quảng Ngãi.
Sau này, tôi quen biết vài người Quảng Ngãi có đôi mắt to, sâu và đen. Người ta bảo vì đất Quảng Ngãi xưa thuộc Chiêm Thành, sau có những người Việt đến vùng đất này kết hôn với người bản địa nên hậu duệ thừa hưởng đôi mắt đẹp của họ. Quảng Ngãi còn có món ngon khác như ram bắp, don, kẹo mạch nha… riêng tôi nghe nhắc đến Quảng Ngãi là nhớ kẹo gương. Hay nhắc đến kẹo gương là bật ra trong đầu cái tên Quảng Ngãi.
Sài Gòn ngày xưa yên bình, nhưng trong thời chiến, đi về các tỉnh không dễ vì thỉnh thoảng lại có chiến sự ở đâu đó. Từ Sài Gòn lên Đà Lạt bằng máy bay, đi Vũng Tàu bằng xe đò, đi Lái Thiêu bằng xe lam là những tuyến du lịch dễ thực hiện hơn. Vũng Tàu là chọn lựa số một vì có biển để tắm, đặc sản để ăn hay mua về, đường lại không xa và an toàn dù thường phải xuống xe cho lính xét giấy tờ đoạn Long Thành.
Quà từ Vũng Tàu dễ hình dung nhất. Thế nào cũng là mắm ruốc, trứng con vích và hạt sen. Cả ba đều rất ngon. Thời đó, không biết con vích có được đưa vào Sách đỏ hay chưa mà ai đến Vũng Tàu cũng có thể mua trứng vích mang về nếu có bán. Trứng vích trắng tròn như trái bóng bàn, luộc chín thì lòng trắng không đông lại nên húp được, lòng đỏ rất bùi. Hạt sen tươi thì mua cả đài sen về bóc ra ăn, vị thanh và thơm nhẹ nhàng. Mắm ruốc bán từng gói buộc chặt. Thường là mua mắm ruốc hiệu Bà Giáo Thảo trong chợ hoặc đến thẳng tiệm gần nhà bảo sanh Hữu Phước giá rẻ hơn.
Mắm ruốc ngon hơn nếu được chế biến lại. Có thể ăn mắm sống, chấm với đồ chua như me, chùm ruột, xoài sống. Má tôi bảo như vậy không sạch, phải chế biến mới thơm ngon và yên tâm vì nó đã chín. Má khèo mắm ruốc với sả và thịt ba rọi. Ruốc khèo thơm nồng, trời mưa thì ăn hao cơm chết thôi.
Người trong xóm bảo đọc trên báo thấy người ta nói hồi xưa, mắm ruốc mà thương lái mua của ngư dân lúc đầu không bỏ vào lu hũ hay cần xé mà đổ xả láng dưới ghe xuồng. Mắm chở ra chợ có khi mất vài ngày và nắng gió làm cho bề mặt ruốc sạm lại. Muốn nó lấy lại màu đỏ tươi, có người làm biếng không trở mặt tươi bên trong ra mà… xịt nước tiểu lên. Câu chuyện kinh dị đó, mấy bà nghe xong lắc đầu nhưng rồi chẳng ai quan tâm vì đó là chuyện… hồi xưa.
Quà phương xa có thể mang hương vị rất gần gũi. Có lần khi sang Nhật, đến thăm ngôi làng dưới chân núi Phú Sĩ, tôi được ăn lại món bánh gạo nướng của Nhật bọc rong biển. Khi tôi còn nhỏ, một người bà con đi Nhật du học trở về sau mấy năm tặng nhà tôi hộp chocolate và gói bánh gạo. Anh ấy bảo loại bánh gạo này không có gì đặc biệt nhưng khi ăn, anh nhớ món cơm cháy của mẹ anh khi còn ở nhà. Bánh làm bằng thứ gạo dẻo của Nhật, phết nước tương Nhật và khi nướng vàng trong lò, nó trở nên cứng giòn và tỏa mùi thơm như mùi cơm cháy chín vàng. Tôi mua mang về cho các con ăn thử món bánh mang mùi thơm của cơm cháy mà bây giờ là vị lạ đối với chúng. Nó gần với cơm cháy nấu bằng nồi nhôm hồi tôi còn nhỏ và khác xa loại cơm cháy bán sẵn có phết thêm thịt chà bông hiện nay.
Chị người làm trong nhà hồi tôi còn nhỏ có lần về thăm má tôi. Chị tặng bà một gà mên đựng thức ăn. Má tôi bỏ trong liễn sứ, đậy kín và không dọn ra, bảo ai thích thì ăn, chè dưới lục tỉnh đưa lên. Chị tôi hâm lại cho nóng, chia cho lũ em. Đó là một loại chè sánh đặc màu vàng, trong có lẫn những miếng màu trắng lớn nhỏ không đều, có mùi thơm của lá dứa và mùi nếp. Má không cho biết đó là chè gì. Ăn xong, mấy anh em tôi sửng sốt khi má bảo đó là món chè… cá. Không ai cảm thấy mùi tanh của cá trong món chè độc đáo này.
Má kể với mấy bà chị là bà biết món chè này những năm trước 1945. Cùng người chồng trước hoạt động chống Pháp, bà theo ông về miền Tây Nam bộ để móc nối với Việt Minh dưới đó và bà được họ đãi món này. Chè ngọt, gồm nếp và cá nấu với đường. Món chè này người miệt dưới tự chế ra bằng sản vật dồi dào chung quanh, rất bổ dưỡng cho những ai hay thức khuya, hay dầm mưa dãi nắng. Chè nấu bằng cá rô mề có thịt ngon và mềm, không dùng cá biển vì tanh. Cá làm sạch, bỏ đầu và mỡ béo, đem luộc cho nước rút bớt chất ngọt và chất tanh của cá.
Xong vớt ra, rỉa thịt cho kỹ rồi cho vào nồi chè nấu sẵn, ít nhiều tùy thích. Không cần thêm gia vị gì, chỉ cần lá dứa, thêm đường.
Món chè phương xa lạ miệng và thật sự ngon, thơm ngát lá dứa. Phía sau chén chè, là kỷ niệm của má khi còn son trẻ với người chồng trước, từng mang hạnh phúc ngắn ngủi đến cho bà trước khi ông mất. Đó là mảnh đời riêng của bà mà đàn con chưa từng được biết.
Phạm Công Luận
Theo Người Đô Thị