Chọn đo sáng
Thời kỳ đầu của nhiếp ảnh, quang kế được sản xuất rời, và người ta dựa theo “mặt phẳng xám 18% phản chiếu” (18% reflective gray card) do hãng Kodak sản xuất, và xem đây như là “chuẩn để ra được ngưỡng đúng sáng” cho phim nhựa.
Góc đo thường nằm ở ngưỡng trung bình, khoảng 30 – 50 độ (độ góc), thường sẽ có hai giải pháp đo: “Đo khách quan” sẽ hướng quang kế về nguồn sáng chính (thường sẽ xuyên qua một lồi cầu trắng đục), trị số đo được sẽ là ngưỡng xám 18% xám, bất kể độ đậm của chủ thể ra sao. “Đo chủ quan” chính là hướng quang kế trực tiếp vào chủ thể, khi đó sẽ có được thông số đo sáng thay đổi tùy theo độ đậm của chủ thể.
Những quang kế gắn trực tiếp vào máy chụp trong thời kỳ đầu, hầu hết đều là dạng này, và có thể xem đó như là tiền thân của “centre weighted metering” (đo sáng hướng tâm – với 70% năng lực đo tập trung vùng giữa, 30% được phối ra các vùng rìa). Chính khi thu hẹp được góc nhìn đo sáng (xuyên qua hệ thống thấu kính), người ta tạo ra chức năng đo sáng điểm (spot metering), và đây chính là “tiền đề” cho hệ thống phân vùng ánh sáng (zone system) của ngài Ansel Adams ra đời. Chỉ là 48 trang trong quyển The Negative, thế mà mình đã phải dùng khoảng một tháng để nghiền ngẫm, mới tàm tạm hiểu được chân ý của cổ nhân.
Anticipation of the final result before making the exposure is known as visualization. (Nhận thức được hình ảnh cuối cùng sẽ như thế nào trước khi bấm máy), có thể được xem như slogan của hệ thống Zone này. Chức năng đo sáng điểm này, hầu như dùng để kiểm tra xác lập mối tương quan giữa các vùng sáng tối, hơn là dùng nó làm trị số thời chụp (exposured value). Tuy nhiên không gồm sở thích cá nhân hay thói quen. Một chức năng đo sáng có giá trị không cao ở ngày xưa, là đo sáng toàn cảnh (scene metering) rất dễ bị ảnh hưởng mạnh bởi các vùng quá sáng hoặc quá tối xuất hiện trong khung ảnh ở diện rộng. Sau đó được phát triển lên thành dạng “đo sáng cân bằng năm vùng” (5 zone balanced metering) khá chuẩn xác, sửa được khá nhiều lỗi của chức năng đo sáng cũ.
Đến thời Nikon F5 (chụp phim), hãng Nikon đã phát triển dùng cảm biến RGB nhận diện đủ các màu của hiện thực, và đưa ra cấu trúc đo sáng ma trận (Matrix Metering), rồi Canon cũng có chức năng này, và đặt tên là Evaluative Metering, chức năng tương tự. Đặc trưng của chức năng này, họ thu thập từ rất nhiều tình huống ánh sáng cá biệt được những nhiếp ảnh gia thực hiện thành công, và họ tích lũy thành kho dữ liệu (tạm gọi là ngân hàng dữ liệu), để rồi khi người dùng đưa máy lên “đo sáng”, nó sẽ “truy xuất” ra một tình huống tương tự với trị số thời chụp tương ứng. Chức năng này gần như hoàn hảo (ít nhất là cho đến hiện tại), đương nhiên là theo chuẩn của nhà sản xuất.
Và nhà sản xuất vẫn mở thêm một cánh cửa dành cho những nhà chuyên nghiệp, có những nhu cầu đặc thù, đó là chức năng bù trừ sáng (EV compensation), là +/- EV. Đó chính là “đo sáng theo cảm giác cá nhân”, bên cạnh đó có thể còn có “đo sáng theo cảm giác khách hàng” nữa. Và việc chọn gì, chính là xuất phát từ tâm cảm của nhà nhiếp ảnh.
Nhiếp ảnh gia Trung Thu