Chọn ISO
ISO (trong nhiếp ảnh) được định nghĩa là độ nhạy sáng của cảm biến (do Tổ chức Định chuẩn Quốc tế – International Standard Organization xác lập), dù trước đây trong thời phim nhựa thì có một số đơn vị khác nhau, được hình thành do đặc thù vùng miền, như ASA (tiêu chuẩn của Mỹ), DIN (tiêu chuẩn của Đức) rồi GOST (tiêu chuẩn của Liên Xô)…
ISO được chọn dựa trên nền ASA/GOST (dù cả hai đều là một), nó được xác lập trên nền “thang trị số thời chụp” (EV – exposure value) với độ sáng chuẩn (để mặt phim đạt được ngưỡng bão hòa về sắc độ) mà họ chọn là 100 ASA, mà mình nhớ hồi đó hình như trị số thời chụp 13 – tương đương với việc chọn 1/125 và f/8 (lâu quá rồi, mình chẳng nhớ còn đúng hay không nữa).
Ở thời phim, ASA/ISO càng thấp, sẽ biểu trưng độ mịn hạt càng cao (càng mịn) và độ nhạy phim càng cao thì sẽ càng vỡ hạt. Theo mình nhớ thì hồi đó, hãng Kodak dẫn đầu thế giới trong lĩnh vực phim, cũng chỉ đạt được ngưỡng ASA/ISO 3200 cho phim đen trắng và 1000 cho phim màu (có thể Fujifilm cũng có thành quả tương tự). Phim màu dương bản Velvia – 50 ASA của Fujifilm được xem là phim chụp phong cảnh tốt nhất thế giới, với độ mịn hạt tuyệt vời, và có sự cân bằng phổ màu thật tốt, với độ bão hòa màu gần tuyệt đối.
Thời kỳ đầu của nhiếp ảnh số, họ tăng ISO hết sức vất vả. Giả như lượng sáng chuẩn mà cảm biến đạt ngưỡng bão hòa là a (mà họ đặt là ISO 100 – ISO mặc định), thì khi độ sáng trời (bên ngoài nói chung) giảm xuống còn a/2, lúc đó mỗi pixel sẽ chỉ còn nhận được lượng sáng là a/2, và xảy ra hiện tượng “thiếu sáng”, và để tăng ISO lên 200 (nhằm đạt ngưỡng ánh sáng là a), họ đã chọn thuật toán nội suy bằng cách nhập hai pixel gần kề thành một (a/2 + a/2 = a), và hệ quả xảy ra là “độ phân giải giảm còn phân nửa“. Giả như bình thường là 3Mp ở ISO 100, thì khi tăng lên ISO 200, độ phân giải chỉ còn 1,5Mp mà thôi.
Thời kỳ kế tiếp, thuật toán nội suy được cải tiến, tăng cường giải thuật xử lý, họ chọn giải pháp là “vay và trả” (mượn lượng sáng của pixel kế bên, rồi lấy lượng sáng của chính mình trả lại cho pixel kế bên kia), như thể cả hai đều đạt ngưỡng bão hòa (khi tăng ISO gấp đôi). Thuật toán này gần hoàn hảo, chỉ khi tăng ISO lên quá cao, khiến thuật toán nội suy không còn hoàn hảo nữa, và gây ra hiện tượng nhiễu (mà không hề là vỡ hạt như phim).
Cảm biến bao gồm “điểm ảnh” (pixel) mà không phải hạt muối bạc như phim, nên sẽ không hề có khái niệm vỡ hạt, như nhiều người vẫn thường dùng lẫn từ này. Tự thân “nhiễu” là những điểm màu bất chợt xuất hiện do thuật toán nội suy không hoàn hảo gây ra.
Nếu muốn chọn chất lượng hình ảnh tối đa (về độ nét, độ chi tiết) hãy chọn “ISO mặc định” (thường là 100 hoặc 200, cả hai đều tương đương nhau, tùy hãng sản xuất chọn), còn giả như có ISO 50, thì hầu như đó là ISO nội suy, giả lập, không hề xác lập giá trị tốt nhất.
Bên cạnh đó, còn có một khái niệm ISO tối ưu “theo cảm giác cá nhân” nữa, giả như tôi thường chọn chụp hoạt cảnh đường phố đêm với phổ trắng đen và cầm máy trên tay, thì ISO 6400 dường như lại là tùy chọn rất tuyệt. Còn nếu tôi chỉ chụp cảnh, với chân ba (tripod), thì ISO thấp sẽ cho ảnh sạch, không nhiễu, nhưng người hay vật di chuyển sẽ bị nhòe, tuy nhiên nếu chọn ISO tương đối cao, thì vừa bắt được cảnh, lại có thể cố định được người, vậy thì tùy cảm giác cá nhân mà thôi.
Một số bạn chọn chụp theo khuynh hướng nhiếp ảnh trừu tượng (abstract) hay ấn tượng (impresionism), có thể chọn cầm tay bấm với ISO thấp cảnh – vật trong điều kiện sáng yếu nhằm tạo những vệt mờ nhòe lý thú, tạo cảm giác của chuyển động hay sự dịch chuyển của không – thời gian.
Đa phần thiết bị số ngày nay có thêm chức năng ISO auto, nhằm bổ sung thêm nhiều tùy chọn cho người dùng. Khi phối với mode M rất tuyệt trong việc chọn “trị số khẩu độ và tốc độ mình thích” (mà không phải chỉ đơn giản là đạt ngưỡng đúng sáng một cách ngô nghê). Khi phối với mode A, S, P, nó có thể cho phép người dùng khống chế thêm “tốc độ an toàn tối thiểu” (nhằm tránh bị ảnh rung ngoài ý muốn).
Thế thì việc chọn ISO như thế nào, sẽ hoàn toàn tùy thuộc vào bạn, một khi bạn hiểu thật rõ về nó.
Nhiếp ảnh gia Trung Thu